Người dân khốn đốn trăm bề vì rét kỷ lục

Trâu chết vì không chịu nổi giá rét. Ảnh: Tuấn Anh.
Trâu chết vì không chịu nổi giá rét. Ảnh: Tuấn Anh.
TP - Hôm qua, 26/1, ngày thứ 3 liên tiếp nhiều tỉnh thành phía Bắc tiếp tục hứng chịu đợt rét kỷ lục.

Người ốm, trâu bò chết

Nằm ở độ cao gần 1.000 mét so với mực nước biển, người dân tộc Dao sống ở thôn Cốc Chanh (xã Công Sơn, huyện Cao Lộc) đang căng mình chống chọi với mưa rét chưa từng thấy. Nhiệt độ xuống dưới 1 độ C làm chân tay sưng, nứt; người mệt mỏi, viêm họng. Bà Triệu A Múi (53 tuổi) lo ngại vì lương thực dành dụm ngày càng vơi dần. Bà chỉ vào những con trâu buộc góc nhà, nói: “Chuồng trâu vừa bị bão lũ vừa qua làm hỏng nên phải cho con trâu ở tạm hiên nhà. Nhà có 3 con trâu thì 2 con nghé có biểu hiện ốm rồi. Tôi lo quá. Thức ăn cho người còn thiếu, lấy gì cho con vật này ăn”.

Mưa lạnh kèm theo mây mù làm ẩm ướt các gian nhà. Côn trùng, muỗi, vắt được dịp tấn công người. Ở thôn Cốc Chanh có vài chục hộ, ai nấy đều lo đóng cửa, ôm chăn chống rét. Nhiều người đã bị ốm, sốt; nhưng cố gắng gượng vì bệnh viện huyện ở xa, đường trơn trượt rất khó đi.

Tại xã Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), trong hai ngày qua đã có 15 con trâu bò bị chết. Tiếc của, nhưng đường xa lại mưa triền miên nên đồng bào Dao trên các đỉnh núi đành thịt trâu, ướp muối ăn dần.

Cái rét buốt lạnh tái tê tràn ngập các ngõ xóm, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa ở Lạng Sơn. Ông Vi Văn Màu (93 tuổi, trú tại thôn Làng Càng, xã Hòa Bình, huyện Chi Lăng) bị mù từ bé. Do mắc bệnh thủy đậu, không có thuốc chữa trị nên ông Màu sống trong bóng tối, đơn thân, gia cảnh khó khăn, với một căn nhà nhỏ hẹp chừng chục mét vuông. Tường ngôi nhà quây bằng liếp, gạch nên gió lùa thốc má. Hàng xóm thương tình cho chiếc áo bông để ông Màu chống chọi với rét. Ông Màu lập cập: “Nhà còn vài chẩy gạo thôi, nếu không có cơm nóng ăn thì nguy cơ quá”.

Tắc đường, tắc hàng xuất khẩu

Tại khu vực biên giới, xe ô tô bị đông máy, xảy ra hiện tượng xe dừng đột ngột, chết máy. Các tuyến đường dẫn đến khu vực cửa khẩu do mưa kéo dài, xuống cấp trầm trọng, gây ách tắc giao thông như đường đi cửa khẩu Na Hình (huyện Văn Lãng), Bình Nghi (huyện Tràng Định), Ba Sơn (huyện Cao Lộc).

Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng, ông Nguyễn Đình Trường cho biết: Hiện nay tại cửa khẩu Tân Thanh (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng), lượng xe chở nông sản xuất khẩu (trong đó nhiều nhất là dưa hấu, thanh long, nhãn) chưa thông quan xuất sang chợ Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc) nên bị ùn ứ nhiều. Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện có trên 400 xe trọng tải lớn đang nằm chờ xuất bán hàng. “Nguyên nhân do mưa lạnh ở tỉnh Lạng Sơn cũng như bên phía bạn đang có mưa tuyết; năng lực bốc xếp kho bãi bên Trung Quốc hạn chế; lợi dụng thời tiết khắc nghiệt nên các chủ hàng bên kia biên giới ép giá, dìm hàng hoa quả của ta”. Ông Trường nói.

Người dân khốn đốn trăm bề vì rét kỷ lục ảnh 1

Trẻ em vùng cao Công Sơn (huyện Cao Lộc) đốt sưởi, chống rét. Ảnh: Duy Chiến.

Không ra khỏi nhà vì khóa bị đông cứng

Tại Sapa (Lào Cai) băng tuyết đã xuất hiện tại toàn bộ 18 xã thuộc huyện Sa Pa (Lào Cai). Nhiệt độ thấp nhất đo được là -4,2 độ C, chạm mức thấp kỷ lục kể từ khi bắt đầu có quan trắc khí tượng vào năm 1956.

Tại thị trấn Sa Pa, cái rét âm độ đã khiến hàng loạt xe ô tô du lịch, xe tải bị đóng băng bình dầu, tay nắm cửa. Nhiều người sáng sớm không thể ra khỏi nhà vì ổ khóa bị đông cứng…v…v… Các loại đèn khò, đèn sưởi, nước sôi được người dân tận dụng triệt để, nhưng cũng phải mất nhiều giờ đồng hồ mới có thể làm tan băng.

Ông Nguyễn Tiến Thành - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sapa cho biết: “Đường ống nước sạch dẫn nổi từ nhà máy nước ở Thác Bạc (trên đèo Ô Quý Hồ) về thị trấn Sa Pa bị đóng băng khiến cho nhiều khu vực bị ảnh hưởng. Một số hộ dân, nhà hàng, khách sạn không có nước dùng.Chỉ khi nào thời tiết ấm lên, băng tan thì tình trạng này mới được khắc phục”.

Gia đình anh Lý Phù Thông (Y Hản, Tả Phìn, Sa Pa) trong đợt rét này đã chết 1 con trâu mẹ. Trước đợt rét đậm, anh nhốt trâu lại, chuẩn bị rơm rạ và bạt che kín chuồng thế nhưng trâu vẫn chết.

Người dân khốn đốn trăm bề vì rét kỷ lục ảnh 2

Rau màu của người dân bị băng tuyết bao phủ.

Mất Tết vì giá rét

Thất vọng đứng trước hơn một sào ruộng su su gãy giàn, không thể cứu chữa, bà Lý A Lầy (Bản Cát Cát thị trấn Sapa, huyện Sapa) nghẹn ngào: “Nghĩ Tết này ấm cái bụng rồi. Ai ngờ mất trắng. Tôi bảo Tết này mang su su lên thị trấn Sapa để bán, đã hứa là mua quần áo mới cho con đón Tết. Giờ chúng nó bảo buồn lắm vì chắc không có tiền mua áo mới”.

Không chỉ có gia đình bà Lý A Lầy, các gia đình trồng hoa Tết cũng khóc ròng vì mất mùa. “Cả nhà đang kỳ vọng vào hơn 20 chậu địa lan đến ngày nở hoa, nay chỉ là tuyết phủ trắng. bao nhiêu hy vọng bị đổ sập rồi, làm gì còn lan đẹp mà bán, làm gì còn Tết nữa”, anh Pa Dí-chủ cửa hàng hoa địa lan nói.

Người dân khốn đốn trăm bề vì rét kỷ lục ảnh 3

Đưa trâu vào hiên nhà tránh rét. Ảnh: Thanh Hà - Minh Hạnh.

Vào thăm gia đình anh Chảo Dà, nhà được coi là có nhiều gia súc nhất ở bản Cát Cát. Cả nhà sống trong một túp lều nhỏ, làm bằng phên vầu (một loại cây giống cây tre, có rất nhiều trên núi) có những khe hở đến cả gang tay, không kín gió. Anh Chảo Dà đang đốt lửa sưởi ấm cho những con gia súc còn lại, bộc bạch: “10 con lợn là tài sản quý giá nhất trong nhà nhưng hôm qua đã chết mất 3 con, mỗi con khoảng gần 60kg. Số còn lại đang chạy chữa để cứu sống, nếu chết hết thì nhà không có Tết, vợ tôi nó buồn lắm, tôi cũng buồn. Nhà sẽ không còn gì để bán ra tiền được nữa. Tết không biết xoay xở làm sao”. Trong nhà là người vợ đang ngồi góc bếp ủ ấm cho đứa con đầu lòng mới được hai tháng tuổi, trên người quấn hai chiếc chăn còn kéo lê dưới đất. Mỗi lúc, đứa bé lại giật mình tỉnh giấc vì lạnh, môi chúm chím như khát sữa mẹ, chị lại xốc ngược đứa nhỏ lên vỗ vào mông con mấy cái.

Cảnh tượng người dân chở gia súc chết rét đi bán diễn ra phổ biến trong những ngày này tại Sa Pa. Trên tuyến đường từ Sa Pa về Lào Cai, nhiều hộ dân đã phải xẻ thịt trâu, bò để bán cho khách du lịch với giá 200.000 đồng/kg hoặc bán cho các thương lái với giá 3-4 triệu đồng/con nghé với hy vọng gỡ gạc đôi ba triệu đồng.

MỚI - NÓNG