Người dân giàu lên ở thủ phủ du lịch mới của vùng Tây Bắc

0:00 / 0:00
0:00
Trước kia Đà Bắc, Hoà Bình chỉ được biết đến là vùng heo hút, đói nghèo, nay vùng đất này đang trở thành thủ phủ du lịch mới nơi cửa ngõ Hà Nội với nhiều khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp bên bờ “vịnh Hạ Long vùng Tây Bắc”.

Buộc bó luồng hơn hai chục cây vào thuyền để kéo ra giữa hồ, Đinh Sánh, một thanh niên người Mường thế hệ 9X tại xóm Ké, Hiền Lương, Đà Bắc, Hoà Bình đang chuẩn bị làm chiếc bè nổi hơn 400m2 ở hồ Hoà Bình, chuẩn bị cho mùa du lịch. Sánh là hình mẫu tiêu biểu cho thế hệ trẻ ở Đà Bắc đang dành “cả tuổi thanh xuân” đầy nhiệt huyết vào phát triển du lịch bền vững. Hiện anh đang là chủ khu homestay gần 10 phòng và trang trại hơn 1 hecta nuôi nhím, nuôi gà, trồng rau sạch. "Chúng em cung cấp dịch vụ ăn nghỉ cho khách ở khu của mình và cả các khu khác trong vùng", Sánh chia sẻ.

Sánh thường liên kết 3-4 nhà cùng làm homestay trong xóm để đón đoàn sinh viên, doanh nghiệp từ 100-200 người từ Hà Nội lên tổ chức team building, dã ngoại.

Cách nhà Sánh không xa là khu nghỉ dưỡng Mơ Village, Xoan Retreat đang nổi như cồn trên mạng xã hội. Chủ các khu nghỉ này đã dành nhiều tình yêu, tâm huyết và công sức để biến vùng đất cằn sỏi đá trở thành khu nghỉ nổi tiếng bên hồ.

Người dân giàu lên ở thủ phủ du lịch mới của vùng Tây Bắc ảnh 1

Sản phẩm du lịch cao cấp kết hợp với thiên nhiên tuyệt đẹp và văn hoá bản địa biến Đà Bắc trở thành thủ phủ du lịch mới của Tây Bắc.

Anh Tuấn Trần, chủ khu nghỉ Mơ Village bảo: "Tôi đã đi rất nhiều nơi, khi đến vùng này, thấy cảnh quan quá đẹp, và đặc biệt là thấy được tâm huyết, tầm nhìn của lãnh đạo huyện thực tâm muốn phát triển du lịch, coi du lịch là mũi đột phá, nên tôi nghĩ rằng tương lai Đà Bắc sẽ sớm trở thành điểm du lịch hấp dẫn”.

Chính quyền tạo động lực

Cuối tháng 2.2025, cũng tại khu nghỉ dưỡng Mơ Village, UBND huyện Đà Bắc đã tổ chức Ngày hội quảng bá du lịch Đà Bắc. Ông Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, khẳng định: "Du lịch là mũi nhọn kinh tế của Đà Bắc, du lịch mang lại sinh kế cho bà con, giúp xóa đói giảm nghèo và hướng đến giúp người dân khá giả nhờ du lịch. Lãnh đạo huyện đã, đang và sẽ tạo điều kiện tối đa trong khuôn khổ pháp luật để nhà đầu tư và người dân làm du lịch bền vững”. Là người con của bản làng Đà Bắc, từ năm 2003, khi tốt nghiệp giảng đường đại học, ông Lường Văn Thi trở về quê hương, làm cán bộ ở xã Nánh Nghê, xã xa nhất huyện. Khi đó, từ thị trấn lên trung tâm xã hơn 80km, ông phải đi thuyền của bưu điện mất gần 10 tiếng, mỗi tháng mới về nhà một lần.

Người dân giàu lên ở thủ phủ du lịch mới của vùng Tây Bắc ảnh 2

Đà Bắc như Vịnh Hạ Long trên cạn ở lưng chừng núi thu hút lượng khách tăng gấp 3 lần trong 5 năm trở lại đây

Lăn lộn với bà con, ông Thi luôn đau đáu làm sao để người dân thoát nghèo. Đà Bắc không có nguồn lực gì đáng kể, đồi núi điệp trùng, đất canh tác ít, đường xá chia cắt. Ông và lãnh đạo huyện trong cả thập kỷ gần đây đã quyết tâm biến du lịch thành mũi nhọn kinh tế, biến mặt hồ hay rừng núi xanh thẳm thành mỏ “vàng trắng” tạo nguồn thu từ khách du lịch. Ban thường vụ ra nghị quyết về phát triển du lịch, uỷ ban huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch đến 2030. Một dải đất bám hồ, từ Hiền Lương đến Vầy Nưa, Tiền Phong đã được đánh thức nhờ quyết tâm của lãnh đạo huyện để góp phần thu hút đầu tư, dựng lên những khu nghỉ nổi tiếng như Mơ Village, Xoan Retreat, Ké retreat, Vầy Ang Retreat, Mai Đà Lodge … Để thu hút được các nhà đầu tư bỏ hàng chục tỷ vào xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp trong khi hạ tầng giao thông còn chưa hoàn thiện, lãnh đạo huyện đã phải rất nỗ lực bằng sự cầu thị, chân thành và quyết tâm đem lại sự thịnh vượng cho người dân.

Cái khó nhất chính là thủ tục về đất đai, một mặt các chủ khu nghỉ luôn muốn được chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp sang đất thổ cư hay đất thương mại dịch vụ để yên tâm đầu tư hạ tầng, một mặt thủ tục chuyển đổi đất khá phức tạp và cấp xã, cấp huyện không thể toàn quyền ra quyết định. Do đó, ông Thi luôn phải yêu cầu các phòng ban chuyên môn theo sát và hướng dẫn các nhà đầu tư một cách chi tiết để vừa hỗ trợ được nhà đầu tư nhanh chóng, vừa thực hiện thủ tục đúng luật, đảm bảo nhà nước không thất thu ngân sách.

Nhìn về phía hồ mênh mông, ông Lường Văn Thi bảo: “Đó bạn xem, Đà Bắc có cả núi cả hồ, lại cách Hà Nội có gần 2 tiếng, sắp tới có cao tốc thì chỉ còn khoảng 1 tiếng là du khách sẽ đến một nơi tuyệt đẹp không kém Hạ Long và còn nguyên sơ văn hoá bản địa. Chúng tôi đang quyết tâm biến vùng đất tươi đẹp này thành thủ phủ du lịch vùng Tây Bắc, và người dân quê tôi sẽ không phải còng lưng trồng ngô, trồng sắn, đổ mồ hôi sôi nước mắt mà vẫn nghèo nữa”.

Người dân hưởng lợi

Bức tranh tương lai thủ phủ du lịch mà ông Thi nói đến đang dần hình thành những mảng màu tươi sáng. Nhờ nỗ lực của chính quyền huyện Đà Bắc, tiềm năng du lịch to lớn từ vùng biển hồ mênh mông trên núi đã trở thành địa chỉ “hot” với du khách Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Không chỉ ở vùng ven hồ, ở bản cao trên núi, bản Sưng, xã Cao Sơn, Đà Bắc với độ cao trên 700 mét so với mực nước biển cũng trở thành bản du lịch nổi tiếng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, chị Đinh Thị Tường ở xóm ké rủ thêm anh em cùng đầu tư 1 thuyền máy cỡ lớn, gần chục chiếc thuyền kayak để cung cấp dịch vụ trên hồ. Chị Tường thay vì chỉ quanh năm lo cho nương ngô với thu nhập chưa đến hai chục triệu một năm, giờ chị đã có thể tạm yên tâm với thu nhập hàng tháng cố định tại khu nghỉ gần nhà và thuyền chạy liên tục trong mùa lễ hội. “Tôi cảm ơn lãnh đạo huyện, xã đã nỗ lực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về phát triển du lịch địa phương. Du lịch đã giúp gia đình tôi thoát nghèo và kinh tế đang ngày càng ổn định”, chị Tường chia sẻ. Chị Tường là một trong hàng trăm hộ dân ở Đà Bắc đang thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ du lịch. Hơn thế, con của chị Tường và nhiều bạn trẻ đã quan tâm đến tiếng Anh, đến nghề pha chế, và không ít bạn đã đăng ký học các trường về du lịch để trở về làm việc ngay tại quê hương.

Du lịch mang lại những thay đổi cho bộ mặt nông thôn mới, ông Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Hiền Lương là người luôn trăn trở cho sự phát triển với mong muốn người dân xã ông sẽ thoát nghèo. “Người dân Hiền Lương trước đây hầu hết chỉ trông vào nương ngô nương sắn hoặc đánh cá bên hồ, giờ nhiều người đã có việc làm ổn định tại các khu nghỉ với thu nhập khá. Quan trọng nhất là bà con đã thay đổi tư duy, họ biết phát triển nuôi cá đặc sản như cá lăng, cá chiên, dúi, nhím để bán cho các khu du lịch”. Ông Kỳ và lãnh đạo xã đang rất tâm huyết tìm các phát triển du lịch địa phương với dự định tổ chức các hoạt động văn hoá giải trí như chợ đêm, chợ thuỷ sản để tăng trải nghiệm cho du khách, tạo cơ hội cho người dân bán đặc sản địa phương cho khách du lịch.

Theo số liệu từ phòng Văn hóa huyện, 5 năm trước, Đà Bắc chỉ có vài khu homestay nhỏ lẻ, nay Đà Bắc đã là thủ phủ du lịch mới với 31 cơ sở lưu trú, trong đó: 16 homestay, 10 nhà nghỉ, 04 khách sạn 2 sao, 01 điểm du lịch sinh thái. Năm 2024 huyện đón 266.012 lượt khách, tăng 56% so với năm 2023 và tăng gần gấp 3 lần so với 5 năm trước.

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, du lịch Đà Bắc đang trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch vùng Tây Bắc. Vùng đất nghèo trước kia nay đang nở hoa nhờ lượng khách đổ về ngày một nhiều.

MỚI - NÓNG
Vượt gió, xuyên mây cùng lính bay
Vượt gió, xuyên mây cùng lính bay
TP - 17 năm là phóng viên “chuyên trách” mảng đề tài quân sự - quốc phòng ở Tiền Phong, trong hàng nghìn chuyến đi tác nghiệp tại các đơn vị Quân đội, tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ về những lần “vượt gió, xuyên mây” cùng những người lính bay ở Đoàn Không quân Ba Vì - Trung đoàn Không quân trực thăng đầu tiên của Quân đội.