Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Bloomberg |
Trước đó, Washington trong nhiều năm đã cố gắng thuyết phục các lãnh đạo EU đổi từ khí đốt của Nga sang khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
Phát biểu trước các phóng viên tại Washington, Ngoại trưởng Blinken khoe rằng Mỹ hiện là “nhà cung cấp LNG hàng đầu cho châu Âu”. Ngoài việc chuyển nhiên liệu đến châu Âu, Mỹ cũng đang làm việc với các lãnh đạo EU để tìm cách "giảm nhu cầu" và "tăng tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo”.
“Đó là một cơ hội to lớn để một lần và mãi mãi loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga”, ông Blinken tuyên bố.
Tập đoàn năng lượng Gazprom Nga hôm 30/9 cho biết việc các đường ống bị thiệt hại nghiêm trọng sẽ khiến EU bị "tước đoạt vô thời hạn" khí đốt của Nga thông qua tuyến đường này.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đổ lỗi cho các vụ nổ là do "người Anglo-Saxon", cách gọi của Nga đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Anh.
“Tất cả đều biết rõ ai là người hưởng lợi từ điều này”, ông Putin giải thích. “Những người được hưởng lợi là những người đã làm điều đó."
Đồng quan điểm, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho biết Washington được hưởng lợi từ sự cố liên quan đến đường ống Nord Stream, đặc biệt là lợi ích về kinh tế.
Người phát ngôn Điện Kremlin – Dmitry Peskov lưu ý rằng cả Nga và châu Âu đều không thu được lợi lộc gì từ việc đường ống bị rò rỉ, đặc biệt là Đức, vì sự cố này gây ra mối đe dọa đối với sự phát triển, cũng như lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Đức.
Mặt khác, các nhà cung cấp khí hóa lỏng của Mỹ có thể kiếm được lợi nhuận đáng kinh ngạc sau khi tăng gấp nhiều lần việc giao hàng tới châu Âu, ông Peskov chỉ ra, đồng thời cho biết thêm rằng các công ty này “rất quan tâm đến việc duy trì lợi nhuận siêu khủng trong tương lai”.
Mặc dù Mỹ hiện đã rộng đường bán LNG (đắt đỏ hơn) sang châu Âu, nhưng sự thiếu hụt ở lục địa này không thể được bù đắp trong một sớm một chiều. Các nhà xuất khẩu Mỹ đã cảnh báo trong suốt mùa Hè rằng họ sẽ không thể vận chuyển đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu của châu Âu.
Trong khi đó, hóa đơn năng lượng ở châu lục này đang tăng vọt. Tại Đức, những người biểu tình đã xuống đường yêu cầu mở lại Nord Stream 2 chỉ vài ngày trước khi sự cố rò rỉ xảy ra. Tình trạng thiếu lương thực đã được dự đoán ở Đức và củi đang trở thành mặt hàng “được săn lùng" trên khắp lục địa do người dân phải tìm cách sưởi ấm cho ngôi nhà của họ.
“Còn rất nhiều việc khó khăn phải làm để đảm bảo các quốc gia và đối tác vượt qua mùa Đông này”, ông Blinken nói, đồng thời gợi ý rằng châu Âu phải nỗ lực để“ giảm nhu cầu” đối với khí đốt.
Giới chức Đan Mạch và Thụy Điển đã phát hiện 4 lỗ rò rỉ trên các đường ống sau khi đơn vị điều hành báo cáo việc giảm áp lực đột ngột trên cả Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Thụy Điển sau đó thông báo về một loạt vụ nổ dưới đáy biển ở khu vực đường ống rò rỉ. Các nhà chức trách Nga, Mỹ và Thụy Điển cho biết những lỗ rò rỉ có thể là kết quả của một cuộc tấn công có chủ ý.