Hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015:

Nghiêm túc để tránh phát sinh tranh chấp

Các học giả trao đổi tại hội thảo (GS Joseph Weiler ở bìa trái). Ảnh: Trúc Quỳnh
Các học giả trao đổi tại hội thảo (GS Joseph Weiler ở bìa trái). Ảnh: Trúc Quỳnh
TP - Áp dụng rộng rãi cơ chế tự báo cáo để đảm bảo những nguyên tắc, thỏa thuận mà ASEAN thông qua phải được triển khai thực sự ở mọi cấp, có cơ chế phòng ngừa tranh chấp nảy sinh, trao quyền lớn hơn cho Ban Thư ký ASEAN…

Đó là một số ý kiến của GS Joseph Weiler, Giám đốc Viện Đại học châu Âu và đang công tác tại Đại học Quốc gia Singapore, khi trao đổi với Tiền Phong bên lề hội thảo “Hội nhập ASEAN thông qua luật pháp” ngày 1/4 tại Hà Nội. Hội thảo do Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật (Đại học Quốc gia Singapore) tổ chức.


Ông có cho rằng ASEAN thiếu cơ chế giải quyết trong trường hợp phát sinh tranh chấp?

Vấn đề không phải nằm ở chỗ giải quyết tranh chấp mà là phải bảo đảm rằng, những nguyên tắc mà ASEAN thông qua phải được áp dụng bởi từng cá nhân, từng doanh nhân, từng khách du lịch…

Nếu có vấn đề trong việc áp dụng quy tắc thì phải có cách để giải quyết những vấn đề đó. ASEAN phải suy nghĩ nghiêm túc về việc triển khai các quy tắc mà họ đã chấp nhận nhằm lường trước các tranh chấp có thể phát sinh.

Mọi người cần được biết chắc rằng, những quyết định, thỏa thuận được thông qua thực sự được triển khai trong thực tế. Có thể áp dụng rộng rãi cơ chế tự báo cáo.

Nói cách khác, các quốc gia không chỉ nói miệng rằng chúng tôi đã triển khai các thỏa thuận được ký kết mà còn phải báo cáo chi tiết cách thức, cơ chế triển khai những thỏa thuận này như thế nào, điều gì xảy ra nếu phát sinh vấn đề.

Tự báo cáo là biện pháp mềm, nhưng rất hiệu quả trong việc triển khai những quy tắc của khối. Ban Thư ký ASEAN nên chịu trách nhiệm tập hợp các bản tự báo cáo và phổ biến những báo cáo này.

Cơ chế thứ hai là trao quyền cho các cơ quan trong nước. Ví dụ, nếu có vấn đề trong việc tuân thủ thủ tục hải quan hoặc tiêu chuẩn chất lượng xảy ra với sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam từ một nước thành viên ASEAN như Malaysia thì tại sao không để cơ quan hải quan địa phương của Việt Nam giải quyết.

Đó là vấn đề giữa thương nhân và cơ quan công vụ của Việt Nam, chứ không phải vấn đề chính trị giữa Việt Nam và Malaysia. Trao quyền lớn hơn cho cơ quan thực thi luật pháp địa phương là khuyến nghị lớn thứ hai của chúng tôi.

Một số ý kiến cho rằng, Ban Thư ký ASEAN nên được trao quyền lớn hơn. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Ban Thư ký ASEAN phục vụ cho ASEAN. Các quan chức trong Ban Thư ký được các nước ASEAN bầu ra. Họ có thể giúp mọi công việc trong ASEAN diễn ra suôn sẻ, tốt hơn cho khối. Nhưng có vẻ các nước thành viên miễn cưỡng trong việc trao quyền nhiều hơn cho Ban Thư ký để họ có thể đóng vai trò lớn hơn trong các tổ chức quốc tế. Có rất nhiều thứ mà Ban Thư ký có thể làm và được làm, nhưng họ rất miễn cưỡng vì các nước thành viên có vẻ không thích.

Theo ông, các nước ASEAN đã chuẩn bị tốt để trở thành cộng đồng vào năm 2015?

Các nước đã có chuẩn bị. Dù còn nhiều việc cần phải hoàn thành, nhưng cam kết của các nước thành viên rất mạnh mẽ. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thực sự muốn triển khai những thỏa thuận đã chấp nhận hay không.

Có rất nhiều quy tắc đã lỗi thời cần được xem lại và cập nhật. Cần bảo đảm rằng, các nước không chỉ nói miệng là đã ký thỏa thuận mà còn phải áp dụng các biện pháp triển khai cần thiết.

Danh sách các việc cần làm rất dài và ai cũng biết là họ cần phải làm gì. Không thể có một sự chuyển đổi ngay lập tức từ cái này sang cái khác. ASEAN hiện nay cần phải nghiêm túc để chuyển đổi dần thành cộng đồng.

Cảm ơn ông.

ASEAN phải tăng cường đoàn kết

Tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn nói rằng, ASEAN là trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Một trong những thách thức mà ASEAN đang đối mặt là tình hình thế giới và khu vực biến đổi nhanh chóng, gây ra nhiều thách thức lớn đối với sự đoàn kết, thống nhất nội khối.

Ngoại giao nước lớn, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, các tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền làm tình hình thế giới trở nên phức tạp.

“Việt Nam cho rằng tình hình thế giới càng biến động mạnh, ngoại giao nước lớn và chính trị cường quyền càng phổ biến thì ASEAN càng phải tăng cường đoàn kết và liên kết chặt chẽ để xây dựng thành công cộng đồng và đóng vai trò trung tâm ở khu vực”, ông Sơn nói.

Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp của khu vực và quốc tế, ủng hộ nâng cao vai trò luật pháp trong ASEAN. Trong lĩnh vực an ninh biển, Việt Nam chủ trương xây dựng “một trật tự an ninh biển dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Thứ trưởng Sơn khẳng định.

MỚI - NÓNG