Mấy hôm nay lại nóng chuyện Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ làm dân hạ du lao đao. Chuyện thủy điện xả lũ chưa bao giờ nguội và những bất cập trong vấn đề xả lũ vẫn nhiều, để lại hậu quả lớn.
Khi xây dựng các hồ chứa thủy điện, những người ủng hộ thủy điện nói rằng, thủy điện làm giảm lũ vì các công trình thủy điện lớn có dung tích phòng lũ. Điều này không sai với một số công trình thủy điện nhưng cũng có một thực tế khác, cứ lũ lớn tràn về, ở miền Trung nơi này nơi kia lại có tình trạng lũ chồng lũ do thủy điện xả nước.
Bộ TN&MT phải ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa với các dòng sông có nhiều thủy điện, trong đó có quy định, trường hợp lũ về, Chủ tịch UBND tỉnh mới có quyền quyết định xả lũ chứ không phải đơn vị vận hành hồ chứa. Tuy vậy, quy định này mới được áp dụng đối với một số dòng sông. Nhiều dòng sông khác như sông Ngàn Sâu, nơi có thủy điện Hố Hô, chưa có quy trình này.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế, ngay cả khi có quy trình vận hành liên hồ chứa, cũng không thể tránh khỏi việc lũ chồng lũ. Ấy là hệ quả của nhiều bất cập từ quy hoạch, xây dựng đến vận hành hồ chứa, phần nào cả yếu tố tự nhiên mà không dễ gì giải quyết được gốc rễ. Người dân phải chấp nhận sống chung với lũ, với lũ chồng lũ.
Vì thế, vấn đề quy trình thông báo xả lũ đặc biệt quan trọng để dân biết được mà chạy người, chạy của. Nhưng quy trình thông báo xả lũ còn nhiều bất cập. Thông tư của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện chỉ nói chung chung: “Chủ đập phải thông báo (qua điện thoại hoặc fax) cho tổ chức dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn địa phương vùng hạ du trong việc xả lũ khẩn cấp”. Quy trình chi tiết được quy định trong phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập do UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Như trường hợp thủy điện Hố Hô, khi xảy ra chuyện, chủ tịch huyện tố nhà máy thủy điện làm không đúng quy trình, huyện không nhận được văn bản nào của nhà máy mà chỉ nhận được cuộc điện thoại muộn nên cả huyện bị động. Trong khi đó, phía nhà máy nói đã làm đúng trình, đã có văn bản xin lệnh xả lũ trước đó 2 ngày, nhưng không phải xin huyện mà xin UBND tỉnh theo đúng quy định.
Chưa rõ đúng sai thế nào nhưng thiết nghĩ, với một vấn đề cấp bách, liên quan sinh mạng và tài sản của con người như chuyện thủy điện xả lũ, nếu thực sự nghĩ đến sự an toàn của dân thì phải tìm mọi cách mà thông báo để dân biết, đừng mang quy trình ra để chống chế.
Những người xây dựng văn bản hãy nghĩ đến quy trình gần dân, tiện cho dân nhất, chứ điện thoại hay fax chưa chắc đã phù hợp trong trường hợp lũ đang ào ào đổ về.