Trứng mỏng đừng treo đầu giàn

Trứng mỏng đừng treo đầu giàn
TP - Quảng Nam có khi nào nghĩ đến một ngày như hôm nay, sẽ phải chi ra 123 tỷ đồng (tiền thuế dân) cho thép Việt Pháp mới có thể “dắt tay” doanh nghiệp này ra khỏi Cụm Công nghiệp Thương Tín ở trung tâm Điện Bàn do chính mình quy hoạch, trải thảm mời họ vào trước đó? Bởi áp lực của người dân không thể sống nổi với ô nhiễm do nhà máy thép này gây ra.

Điều này càng chứng tỏ rằng, với những ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép, không ai biết trước được điều gì. Cho đến khi cả nhà nước và nhân dân cùng phải trả giá.

Hiểm họa Formosa là “thứ gì”, thì 5 năm, 3 năm trước…, cả nước này chưa ai hay biết, cho đến khi cá chết. Ngay cả khi cá đã chết, cũng chưa ai nghĩ thép Formosa lại ghê gớm đến vậy, cho đến khi có kết luận thủ phạm. Giá của bài học, kinh nghiệm kiểu này, thậm chí xương máu cũng không đắt bằng.

Nhưng với Quảng Nam, chi tiền tỷ nào đã xong. Lại phải chạy cùng sào tìm chỗ đậu mới cho nhà máy thép. Dắt nhau đến một nơi tưởng chừng “khỉ ho cò gáy” là làng Hoa, cũng không thoát được vấn nạn môi trường. 

Tỉnh cứ loanh quanh biện giải việc nhà máy ngàn tỷ này sẽ chỉ sử dụng chỉ chừng 20m3 nước mỗi ngày để “giải nhiệt” và sinh hoạt, rồi sẽ “tuần hoàn tái sử dụng”. Nếu đơn giản thế, đâu phải dắt nhau đi thế này?. Và ô nhiễm đâu chỉ có nước. Với môi trường, đừng nói trước điều gì, bởi không ai biết trước điều gì. Nhất là khi lò sản xuất lại đưa lên ngự ở thượng nguồn con sông cấp nước ăn uống mỗi ngày cho hàng triệu người.

Một việc làm hy hữu, đó là chính Sở Kế hoạch Đầu tư của tỉnh này ra văn bản không thống nhất chủ trương đưa thép lên làng Hoa, vì tác động xấu đến môi trường, cũng như hiệu quả dự án. Hiệu quả ở đâu, khi cộng cả hai năm 2014-2015, doanh nghiệp thép này đóng góp vào ngân sách tỉnh những…15,6 triệu đồng! Tức là còn ít hơn cả tiền mà dân bỏ ra để photo đơn từ khiếu nại doanh nghiệp này gây ô nhiễm!

Chưa kể, theo phát ngôn của lãnh đạo huyện Nam Giang, thì nơi này sẽ ra đời hẳn một Cụm công nghiệp. Xi măng Xuân Thành đang khiến dân ngạt thở, nay đến thép, rồi ngày mai là những gì nữa? Những thứ độc hại gì tiếp theo sẽ tuồn xuống sông suối, theo nguồn nước về mỗi bếp ăn gia đình?

Nước mắt của những người đàn bà lam lũ trưa hôm qua đã rơi xuống quốc lộ gần bên sông Chà Và (Vũng Tàu). Rơi xuống từng đống xác cá nuôi bè là mồ hôi nước mắt của họ, nay bị chết trắng do các doanh nghiệp xả thải ra sông. Họ cũng chính là những nguyên đơn đang kiện đòi những doanh nghiệp gây ô nhiễm kia ra tòa, nhưng tình thế cho đến giờ vẫn vô vọng. Nay xác cá lại chồng lên xác cá… 

Sau mỗi lần trả giá càng phải cảnh giác gấp đôi. Những vụ như thế này, quan chức cũng đừng nên khẳng định điều gì, bởi không ai biết trước điều gì. Mà phải tuân thủ nguyên tắc ngay từ đầu: Trứng mỏng đừng đem treo đầu giàn!

MỚI - NÓNG