Số liệu khá chi tiết về các khoản tài sản công quốc gia lần đầu tiên được Bộ Tài chính công bố cho thấy nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Sự lãng phí, chưa hiệu quả cũng được chứng minh khá rõ trong bản báo cáo của Bộ Tài chính.
Chỉ riêng với xe chức danh, xe công vụ (xe công), hiện dôi dư tới 7.000 chiếc trong tổng số 37.000 xe công đang được sử dụng. Xe dư nhưng bộ ngành, địa phương xin mua xe mới luôn là điều khiến Bộ Tài chính đau đầu.
Dù Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước quy định rõ việc cơ quan nhà nước không được sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích cá nhân, cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều khu đất vàng đang bị sử dụng sai mục đích, thậm chí bị “bán rẻ” bằng cách cho thuê dài hạn với giá bèo bọt.
Cũng chưa có con số cụ thể nào cho thấy trong số 155.000 cơ sở nhà đất được giao cho các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước quản lý, có bao nhiêu cơ sở đã bị “biến tướng” cho thuê dưới hình thức liên doanh, liên kết.
Lãng phí nguồn lực đất đai là điều có thể nhìn thấy nếu căn cứ vào con số gần 100.000 tỷ đồng thu được từ việc cho thuê các tài sản công hằng năm. Ở khía cạnh kinh doanh, việc đầu tư 100 đồng vốn để thu 1 đồng lãi tiền thuê được coi là hết sức phi lý nhưng cũng lại hết sức dễ hiểu.
Dễ hiểu vì Nhà nước không có chủ trương tạo tài sản để cho thuê. Trong khi hầu hết các đơn vị sau một thời gian được giao sử dụng, quản lý tài sản công là đất đai, nhà xưởng, thường ký hợp đồng cho thuê lại để gia tăng thu nhập cho cá nhân, đơn vị.
Mang tiếng là cho thuê nhưng ngân sách nhà nước không thu được các khoản tiền này, người hưởng lợi trong trường hợp này chính là quỹ riêng của đơn vị cũng như cá nhân người ký cho thuê tài sản công.
Việc Cục Quản lý công sản và Bộ Tài chính phải tham gia vào việc tổ chức các cuộc đấu thầu mua sắm công tập trung là việc cực chẳng đã. Thêm việc, thêm trách nhiệm và thêm cả điều tiếng là điều có thể thấy. Gom mua sắm tập trung theo lô, ở góc độ nào đó sẽ tránh được tình trạng vượt rào mua sắm của các bộ ngành, địa phương cũng như tránh được những tiêu cực trong đấu thầu.
Không mua sắm lẻ tẻ, dồn, tổng hợp nhu cầu của tất cả các bộ ngành, địa phương thành “một cục” để đấu thầu chắc chắn sẽ giúp ngân sách tiết kiệm được một khoản khá mỗi năm. Cũng có ý kiến ì xèo về đề xuất mua bán theo lô của Cục Quản lý công sản. Người thiện chí cho rằng, mua lớn sẽ giúp bớt phần chi phí môi giới, chấm mút. Người không hài lòng lại đặt câu chuyện “bắt tay ngầm” để ăn phí môi giới, hưởng hoa hồng.
Việc Bộ Tài chính công khai giá thuê tài sản nhà nước, số đất đai, nhà xưởng “rảnh rỗi” có thể cho thuê sẽ góp phần mang về số tiền không nhỏ cho đất nước thay vì để cho các đơn vị cho thuê làm quán bia, trung tâm triển lãm, salon ô tô như báo chí phản ánh thời gian qua.
Chỉ chừng nào mọi thông tin về tài sản công cần được đưa lên cơ sở dữ liệu quốc gia mở để người dân có thể theo dõi và giám sát, khi đó việc “thất thoát lãng phí, tham nhũng tài sản công mới mong giảm bớt.