Chấp nhận vai phản diện
Diễn viên Vân Dung khẳng định đã là phụ nữ không ai có thể yêu thích bà Thư. Người phụ nữ này bỏ lại con, lao vào cờ bạc. Chị cho rằng trong Người một nhà, khán giả yêu Trí (Duy Hưng), Tuệ (Tuấn Tú) bao nhiêu sẽ ghét bà Thư hay nhân vật Khanh (Thanh Hương) bấy nhiêu.
Những tập đầu phim lên sóng, nghệ sĩ Vân Dung còn bị nhận xét chỉ nên diễn hài, không hợp các dạng vai có chiều sâu tâm lý.
"Mình phải chấp nhận việc này thôi. Dẫu biết sẽ thiệt thòi, bị so sánh, bị đánh giá nhưng đó là vai diễn nên tôi chấp nhận. Khi nhận vai phản diện đồng nghĩa với việc chấp nhận những phản ứng của khán giả. Tôi có những vai diễn khiến khán giả phản ứng mạnh mẽ hơn thế này rất nhiều", Vân Dung cho biết.
Vân Dung vào vai người mẹ không ra gì trong Người một nhà. |
Nữ diễn viên kể từ ngày đóng phim truyền hình, chị thường đảm nhận vai phản diện. Chị kể từng bị khán giả sang tận bàn ăn mắng vì nhận dạng vai bị ghét.
"Có hôm đi ăn cùng bạn bè, một khán giả từ bàn bên cạnh sang bàn phàn nàn về việc tôi làm mất hết hình tượng của mình trong lòng khán giả. Chị khán giả này thắc mắc tại sao diễn viên nổi tiếng lại cứ nhận những vai phản diện rẻ tiền. Việc này khiến chị ấy và nhiều người cùng ghét tôi”, Vân Dung nhớ lại.
Chị phì cười ôm lấy khán giả này và giải thích rằng nếu ai cũng đóng vai công chúa, hoàng tử sẽ không có ai đóng vai phù thủy: "Phim phải có kịch tính, cao trào mới cuốn hút, vì vậy cũng phải có cả chính diện và phản diện. Em đóng phản diện là thiệt thòi đúng không chị? Thế chị càng phải yêu quý em chứ”.
Với vai bà Thư, diễn viên Vân Dung đã mường tượng ra sự phản ứng của khán giả. |
Chị khẳng định diễn viên luôn muốn trải nghiệm đủ loại vai dù là chính diện hay phản diện. Chị không né vai phản diện chỉ để giữ hình tượng.
Nghệ sĩ Vân Dung cho rằng khán giả yêu mến nên mới quan tâm đến các vai diễn của chị như vậy. Chị mong khán giả chỉ ghét nhân vật phản diện trên phim mà thôi, mong mọi người vẫn dành tình cảm và sự ủng hộ nhiệt tình cho diễn viên để họ không tủi thân.
Vân Dung khẳng định phụ nữ không ai có thể yêu thích vai người mẹ tệ bạc như bà Thư. |
Sẽ có bất ngờ ở cuối phim
Bà Thư trong Người một nhà được miêu tả là người vì tiền, mong muốn cuộc sống giàu sang phú quý, vì thế đã bỏ lại hai con trai để đi theo ông Đông (NSƯT Quốc Trọng).
Những tưởng được làm phu nhân sống sung sướng thế nhưng bà Thư chỉ như người giúp việc của chồng, thậm chí còn bị đánh đập, hành hạ. Khi nhận ra mình là "người thừa" trong gia đình ông Đông, bà Thư đã phản kháng nhưng không thành.
"Bề ngoài bà Thư là người đáng ghét, bỏ con nhưng bên trong lại là phụ nữ vì hoàn cảnh, phải chấp nhận rời xa con để bảo vệ chúng. Đã là phụ nữ ai cũng yêu thương con nhưng mỗi người sẽ có cách yêu thương khác nhau. Khán giả cứ xem phim đi, có khi đến những tập cuối lại yêu bà Thư", nữ diễn viên hé lộ.
Phân cảnh bà Thư xin Trí (Duy Hưng) tha cho con riêng của chồng để lại nhiều ấn tượng cho diễn viên Vân Dung. |
Nhìn lại chặng đường dài ở Người một nhà, Vân Dung nhớ mãi phân cảnh bà Thư vào viện xin Trí tha cho Long - con trai của ông Đông. Với phân cảnh này, nữ nghệ sĩ ám ảnh với sự đau đớn, dằn vặt, xót xa của một người mẹ có điều muốn nói với con mà không nên lời.
"Ở cạnh con nhưng bà Thư không thể giải thích được lý do phải xin con trai ruột tha cho con riêng, dù con trai ruột của mình bị đánh đầy đau đớn. Khi đó bà Thư rất bất lực", diễn viên Vân Dung nhớ lại.
Vân Dung (Lê Vân Dung) sinh năm 1975 tại Hà Nội, trong một gia đình làm nghệ thuật, bố là đạo diễn, mẹ làm diễn viên. Năm 1992, Vân Dung từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc Báo Tiền Phong (tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam) để ủng hộ chị gái - người chị lọt Top 10.
Vân Dung sau đó gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ. Chị ghi dấu ấn trong lòng khán giả với những vai diễn hài hước trong Đời cười, Gặp nhau cuối năm (Táo quân), Gặp nhau cuối tuần và Gala cười...