Lượng khách quốc tế tăng đều
Theo báo cáo từ Tổng cục thống kê và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trong tháng 5, số lượng khách quốc tế đạt gần 1,4 triệu lượt, giảm 10% so với tháng 4.
Các chuyên gia cho rằng, mùa cao điểm khách quốc tế tại Việt Nam từ tháng 10 đến tháng 4, do đó tháng 5 du lịch Việt đón ít khách quốc tế hơn là bình thường. Mùa hè cũng là cao điểm du lịch ở các thị trường châu Âu, Đông Bắc Á. Tệp khách quốc tế đến Việt Nam vì thế cũng phải chia sẻ ít nhiều.
Khách quốc tế đến nước ta đã đạt gần 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023. Khách Trung Quốc vượt lên dẫn đầu trong tháng , tuy nhiên Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với trên 1,9 triệu lượt (chiếm 25,7%). Theo đánh giá của du khách, ẩm thực Việt Nam là một điểm nhấn đặc sắc, thu hút du khách Hàn Quốc.
Ẩm thực Việt Nam là một trong những điểm hấp dẫn khách Hàn. |
Rất nhiều món ăn đường phố ở mọi vùng miền của Việt Nam trở nên nổi tiếng và được bạn bè quốc tế yêu thích như các loại bún phở, bánh mì, bánh cuốn, cà phê trứng...
Tại Hàn Quốc, cà phê Việt Nam rất nổi tiếng với lượng tìm kiếm lớn trên mạng xã hội. Nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam được khách Hàn Quốc mua về làm quà tặng cho như mít sấy, bánh dừa, phở ăn liền...
Những món ăn Việt Nam cũng được nhiều người nổi tiếng ở Hàn Quốc chia sẻ trên các trang cá nhân như Facebook, Instagram... ngày càng lan tỏa tầm ảnh hưởng của ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Xếp sau Hàn Quốc là Trung Quốc khi gửi 1,6 triệu lượt khách. Đặc biệt, chỉ trong tháng 5, lượng khách Trung Quốc đạt 357 nghìn lượt, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có lượng gửi khách lớn nhất Việt Nam. Các thị trường quốc tế có lượng khách nổi bật có thể kể tới Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản...
Liên tục đổi mới, thu hút khách chi tiêu cao
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng mạnh ngay trong mùa thấp điểm là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được đẩy mạnh.
Ông Đặng Mạnh Phước - CEO The Outboux Company, công ty nghiên cứu thị trường du lịch tại Đông Nam Á - Thái Bình Dương - khẳng định năm nay ngành du lịch sẽ hoàn thành chỉ tiêu đón 18 triệu du khách quốc tế.
Ngành du lịch cần tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh. |
Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam không nên đơn thuần chỉ là "đếm lượt khách" mà cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng đón khách khi cơ cấu khách, thị trường thay đổi.
"Chúng ta cần tập trung hút du khách quốc tế, đặc biệt là du khách có khả năng chi tiêu cao và dần hướng đến phát triển du lịch bền vững", ông Đặng Mạnh Phước nêu.
Sản phẩm mang đặc trưng của Việt Nam so với các sản phẩm du lịch của nhiều quốc gia trong khu vực còn chưa đủ sức cạnh tranh. Sau dịch COVID-19 ngành du lịch các nước biết rõ ràng đâu là giá trị cốt lõi, giá trị cạnh tranh lớn nhất của họ, từ đó cung cấp những sản phẩm phù hợp với từng thị trường mục tiêu.
"Một trong những vấn đề lớn nhất của du lịch Việt Nam và là điểm yếu mà chúng ta chưa bao giờ gỡ được. Đó là làm thế nào để sản phẩm du lịch Việt Nam đặc sắc hơn, có tính hấp dẫn cao hơn, phù hợp hơn với du khách và từng thị trường", ông Đặng Mạnh Phước nhận định.
Sản phẩm du lịch cần được đổi mới theo hướng đặc sắc, có tính hấp dẫn cao hơn. |
Một số chuyên gia nhận định, chính sách visa đã thông thoáng hơn so với 2 năm trước, nhưng cần hấp dẫn hơn nữa. Nhìn sang Thái Lan, Malaysia, Singapore sẽ thấy họ miễn visa cho Trung Quốc. Việt Nam cũng nên xem xét chính sách miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm.
CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, nhiều khách Trung ưu tiên đến Thái Lan hơn bởi Thái Lan đang miễn hoàn toàn visa cho khách Trung. "Thái Lan và Việt Nam đều có lợi thế chung đường biên giới với Trung Quốc, bay gần và nhiều chặng bay. Tuy nhiên, khách Trung vẫn cần xin visa đến Việt Nam trong khi đến Thái Lan thì không cần", ông Nguyễn Tiến Đạt phân tích.
Chuyên gia du lịch Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh, ngoài những giải pháp ngắn hạn như cải thiện chính sách visa mở rộng cánh cửa để thu hút các thị trường khách quốc tế, ngành du lịch cần chủ động xây dựng những giải pháp trung hạn và dài hạn. Đó là chiến lược xúc tiến quảng bá, tiếp thị số trong du lịch, đa dạng sản phẩm, quản lý điểm đến, phát triển nguồn nhân lực.