Trần Lập nói cần phải lạc quan. Và Trần Lập nói về buổi biểu diễn (ở thì tương lai) với ban nhạc Bức Tường và một quỹ dành cho người ung thư.
Nhà báo Minh Trí: Cuộc sống luôn bất trắc và sự bình tĩnh chỉ luôn đến với người mang tâm thế sẵn sàng. Anh đã nhận tin về căn bệnh ung thư của mình như thế nào?
Nghệ sĩ Trần Lập: Một cái bệnh mà tôi nghĩ chả bao giờ mình liên quan tới. Trong một cái ngày bình thường như thế. Tôi không đón chờ cái sự kiện đó nhưng đồng thời tôi cũng không sốc. Hoặc là có thể lúc đó chưa thể kịp cảm nhận hết được là mình thực sự đang đối diện với cái gì đó rất lớn ở phía sau. Ai mà chả biết ung thư là như thế nào và những sự nguy hiểm nào trong cái căn bệnh này. Ai cũng biết chứ! Khi nó đến với mình, tôi là người tiếp nhận “tình huống đặc biệt” đó. Lúc đó, dù quen với việc tiếp nhận thông tin, tôi cũng chưa có nhiều phương án xử lý trong đó. Tôi chỉ bình tĩnh khi nghe bác sĩ thông báo. Tôi đã trải qua nhiều chuyện rồi nên không sốc với điều đó. Chỉ bất ngờ thôi.
Nhà báo Minh Trí: Trước đó anh có cảm nhận hay thấy biểu hiện gì bất thường của cơ thể không?
Nghệ sĩ Trần Lập: Tôi có sụt cân nhưng không phải là sụt cân cùng tại một thời điểm. Cả một quá trình kéo dài, tôi nghĩ là do mình đi lại, di chuyển quá nhiều trong các chuyến đi khắp đất nước. Trong thời gian ấy tiêu hóa cũng có khó khăn thì đi khám nghĩ là đường ruột có vấn đề. Nội soi phát hiện ra. Đàn ông trung niên thì phần lớn mọi người hay mắc chứng bệnh tiêu hóa.
Nhà báo Minh Trí: Cụ thể vấn đề đang như thế nào thưa anh?
Nghệ sĩ Trần Lập: Khi phát hiện ra thì khối u cũng đã lớn rồi, có một lộ trình phát triển hơn 2 năm rồi. Tôi lại hoàn toàn không hề biết. Theo các bác sĩ, nó xuất phát từ một cái mô thừa nhỏ, do quá trình rất là dài tiếp xúc với các chất bã trong cơ thể và lớn dần lên thành một khối u. Chứ không phải là cụ thể do mình ăn uống các sản phẩm không được sạch nào đó. Sau quá trình rất dài, khối u chèn ép đến lúc tôi thấy đau bụng. Nói sâu về khối u đó thì hơi dài dòng. Nhưng tôi có đọc một số bài báo, các phát biểu của nhiều giáo sư bác sĩ chuyên ngành ung thư thì tôi thấy trường hợp của tôi tương đối đúng. Ung thư trực tràng có mấy phương pháp điều trị nhưng tùy theo căn cứ thực trạng của mỗi người và mức độ phát triển nó tới đâu. Có người dùng xạ trị trước sau đó rồi mới phẫu thuật cắt bỏ phần nào bị nhiễm. Tôi thì phải phẫu thuật bởi nếu không nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các phần cơ thể khác. Có một chút dấu hiệu đã di căn. Cho nên là cắt bỏ hoàn toàn phần khu trú của nó và tiếp tục sử dụng hóa trị, xạ trị tiêu diệt các tế bào còn sót. Sau đó dùng các phương pháp Đông y, thiền… lâu dài. Rất nhiều người đưa ra lời khuyên, mách cho những địa chỉ này khác. Nhưng có ung thư nào giống nhau đâu. Và hơn nữa mỗi một loại có cách điều trị khác nhau. Về mặt chuyên môn tôi không rõ, ví dụ về phẫu thuật thì bác sĩ sẽ xếp các bộ phận trong cơ thể như thế nào phù hợp để sau này xạ trị thì các tia chiếu sẽ đến được đúng chỗ cần mà không ảnh hưởng đến bộ phận khác. Có người thì mức độ bám dính tế bào ung thư ở trong thể trạng non, có thể dùng biệt dược hoặc Đông y, rèn luyện cơ thể tự nhiên.
Nhà báo Minh Trí: Tại sao anh quyết định mổ ngay, vì cũng có nhiều trường hợp tương tự thì việc phẫu thuật đôi khi lại có tác dụng ngược?
Nghệ sĩ Trần Lập: Tôi tin vào khoa học, tôi không tin vào điều mình mong muốn. Nếu có mong muốn thì tôi muốn được ra ngoài kia đi chơi chứ, chả muốn gì vào đây. Nhưng khi giáo sư có chuyên môn cao trong bệnh viện, là người trực tiếp cầm dao mổ, phân tích cho tôi các tình huống bệnh. Phân tích không phải trên kinh nghiệm mà là căn cứ trên các soi chụp. Phẫu thuật là việc phải tiến hành. Có phải những điều mình muốn là được đâu.
Nhà báo Minh Trí: Anh có bao giờ bi quan nghĩ rằng quãng đường còn lại của mình sẽ bị rút ngắn nhiều hay không?
Nghệ sĩ Trần Lập: Hiện nay tôi không muốn nghĩ gì nhiều, tôi kệ, để cho đầu óc buông lỏng, thoải mái. Nghĩ nhiều mệt đầu ra. Những lúc “rảnh rỗi” như thế này, nằm suy nghĩ xem là tới đây mình có gì hay hay không? Chắc chắn là trong cuộc sống sau mỗi biến cố kiểu gì cũng có những thay đổi. Không hiểu nó sẽ là gì? Cũng có nhiều ấp ủ nhưng giờ nói trước cũng chả giải quyết được việc gì cả. Mấy hôm nằm đọc lại một số sách, tôi nhớ có một đoạn tác giả nói rằng ông ta đã đi lục tung một thư viện lên thì thấy trong đó có hàng trăm bài viết nói về loài giun nhưng chỉ có vài quyển viết về sự lo lắng. Có rất nhiều người mắc chứng trầm cảm, lo lắng ở nước Mỹ trong một thời kỳ. Đó là những người sụt giảm niềm tin. Họ có những bí kíp vượt qua những khủng hoảng thời kỳ khó khăn nhất.
Ví dụ trên những con tàu có 3 khoang kính, nó sẽ ngăn những con sóng đánh vào và nhiều công năng khác. Con người cũng vậy, phải biết rào, chia khoang thời gian, khoang của ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai. Đôi khi phải biết cắt bỏ tất cả những gì thuộc ngày hôm qua và tạm thời đóng khoang ngày mai lại, xử lý ngày hôm nay. Bản thân cái gì của ngày hôm nay được xử lý thật tốt thì mới bước vào ngày mai được. Tôi cũng nghĩ rằng trong thời điểm hiện tại, nếu chỉ nghĩ mình là người có sức khỏe, kệ hết. Tương lai thì thế này thế kia rất là xa vời, chả giải quyết được gì cả. Việc của tôi hiện giờ là phải xử lý bệnh tật, từng ngày một, từng bước một. Cái gì đang mắc ở đâu đó, mình gỡ.
Nhà báo Minh Trí: Anh có bi quan tuyệt vọng, anh làm như thế nào để đuổi nó đi?
Nghệ sĩ Trần Lập: Tất nhiên là con người ai chả có lúc thế này thế kia. Lúc chán nhất, tôi sẽ đi ngủ. Nếu không ngủ được tôi sẽ điện thoại cho ai đó mà tôi muốn nghe họ. Tôi sẽ tìm thấy kẽ hở của sự lạc quan nào đó. Có khi tôi nhận ra nhiều người anh em còn đang trong tình trạng bi đát hơn cần mình giúp đỡ. Chính việc mình giúp người ta lại tháo gỡ được bi quan của mình.
Bản thân tôi nhiều lúc cũng đau buồn chứ, nhưng xét cho cùng thì bi quan có giải quyết được gì đâu. Trong khi lạc quan một chút thì vừa có ích, được ủng hộ hơn, thấy phấn chấn nhẹ nhõm hơn. Khi buồn sẽ khó ngủ, ăn không ngon, rất rõ ràng. Nói vậy nhưng nhiều người buồn mình bảo vui lên, khó lắm chứ. Khi buồn phải nương cậy bạn bè, có điện thoại thì gọi đi, chat đi… Cũng không phải ai cũng nghe được người thân.
Nhà báo Minh Trí: Trong lúc anh đang gặp vấn đề về sức khỏe, mới thấy được những ẩn giấu tình bạn hiện ra bằng hỏi thăm, động viên, giúp đỡ… Nhưng có những luồng thông tin, thái độ, phản ứng của nhiều người xa lạ phản biện. Cho rằng anh đang cố vớt vát kêu gọi tình thương và nhiều thứ ác ý khác. Anh có giận họ không?
Nghệ sĩ Trần Lập: Tôi thấy đó là chuyện bình thường, tôi không quan tâm chuyện đó bởi vì mình là người va chạm về thông tin quá nhiều. Xã hội giờ nhiều người mất niềm tin và chả biết đâu là giá trị thật, giá trị ảo. Có người thậm chí nghĩ mình tung ra cái tin gì đó nhằm một hoạt động phía sau, không mới nữa. Ví dụ khi tôi đưa thông tin về bệnh tật ra bên ngoài, điều đầu tiên tôi muốn đưa thông tin một cách chính thức. Để con cái tôi ở trường được chuẩn bị, tôi gọi riêng các con, từng cháu một, tôi rất buồn nhưng tôi biết chúng phải đón nhận. Chính tôi nói, tôi không muốn các cháu phải nghe những lời đồn bên ngoài một cách không chính thức hoặc người thân hiểu sai.
Nhà báo Minh Trí: Khi đã bước qua được khó khăn này anh có kế hoạch gì ngay không?
Nghệ sĩ Trần Lập: Tôi sẽ đi chơi chứ. Sẽ biểu diễn một buổi cùng Bức Tường sau khi Trần Lập bình phục. Và có thể sẽ lập một quĩ nhỏ chống ung thư, giúp đỡ những người bệnh khác có tình trạng bệnh tật như tôi. Hơn ai hết tôi rất hiểu về điều đó.
Nhà báo Minh Trí: Chúc anh có lộ trình chữa trị nhanh, thành công và sớm khỏe mạnh để hòa cùng cuộc sống với những bản nhạc đẹp, những cung đường khắp đất nước.
Tối 4/11, trên Facebook cá nhân, ngay khi thủ lĩnh của ban nhạc Bức Tường chia sẻ thông tin anh bị ung thư và rất khảng khái, đầy bản lĩnh để bước vào cuộc chiến cam go này: "Bác sĩ giáo sư đã nhẹ nhàng gọi hai vợ chồng mình để thẳng thắn thông báo. Mình thích thế, không giấu giếm kiểu phim sến sủng ủy mị. May quá bà xã mình vẫn vững vàng. Dù sao thì cũng đã phác ra hướng phẫu thuật ngay còn kịp. Trong đầu vùn vụt ngổn ngang bao nhiêu suy nghĩ, bao câu hỏi ập tới. Tại sao? Mình ra về chuẩn bị tâm thế đối diện vụ này. Nhưng lúc ngồi trên xe nhắn tin cho vài anh em thấy tay run quá. Có những cú gọi lại mà hít hơi nén sâu vài nhịp mới nói rõ ràng được. Đúng là cuộc đời que diêm trước gió ai biết được. Trong cuốn “Bên kia Bức Tường” mình có đôi ba lần nhắc tới chuyện đã suýt trở thành người lính. Đúng là mình chưa từng là lính, chỉ là một người con của lính và đã đến lúc phải chiến đấu thực sự rồi. Bắt đầu kể từ lúc này".