Áo rách, mình thương:

Ca sĩ Trần Lập: Cuộc sống xô lệch quan điểm

Ca sĩ Trần Lập: Cuộc sống xô lệch quan điểm
Cuộc sống đôi khi xô xệch các quan điểm và các hành xử của họ như là dây xích lệch bánh răng. Người yếu thế la toáng lên, oán trách người kia chưa chắc đã vì mình đúng, có thể chính người đó chưa biết mình sai - Ca sĩ Trần Lập nói.

Đã xây dựng gia đình và chắc chắn những gì trải qua đã phần nào để anh chiêm nghiệm về cuộc sống vợ chồng. Sau từng ấy năm chung sống làm tròn bổn phận của một người chồng, người cha, hiện tại, hai chữ vợ chồng của người nghệ sĩ trong anh thế nào?

Tôi xây dựng gia đình mới được 10 năm, cũng chưa phải là nhiều thời gian để tự cho là đủ chiêm nghiệm mọi sự. Với tôi, hai chữ vợ chồng là mái nhà ấm áp, là bếp lửa, là những gì thuộc về thân thương, bình dị nhất... Quan niệm của tôi rất bình thường như bao nhiêu người bình thường khác thôi mà.

Người ta nói “vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa”. Anh nghĩ sao về những trường hợp chia tay rồi quay lại nói xấu nhau đủ điều?

Tôi nghĩ, về biểu hiện thì tất nhiên đó là chuyện chẳng hay ho gì. Tuy nhiên đời sống mỗi cặp vợ chồng, mỗi đôi lứa, mỗi người là mỗi chuyện, mỗi tình huống. Còn có những lắt léo và có cả những khổ tâm cùng cực nào đó mà người ngoài chẳng thể hay biết mà bình luận.

Đồng ý là người ngoài khó có thể biết những“cơ sự” bên trong. Nhưng xét trên mọi khía cạnh thì nói xấu, đòi tiền người cũ cũng là không nên. Bởi dù sao thì cũng từng là người một nhà, như thế khác nào tự tay vấy bẩn lên mình?

Về cơ bản thì nó là như vậy. Nhưng cũng có khi người ta bị đẩy đến bờ vực nào đó, không còn yêu thương và mất cả mọi thứ thì dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Lúc không còn gì trong tay thì lý trí khó mà điều khiển và ta cũng khó mà bảo họ phải làm như thế nào.

Nhưng xét trên khía cạnh là một “đấng nam nhi” bình thường còn đáng trách chứ đừng nói là người của công chúng. Nhưng thời gian vừa qua có vài trường hợp trong giới nghệ sĩ chia tay rồi gây ồn ào vì chuyện tố cáo lừa tiền, quay sang nói xấu nhau. Anh nghĩ gì về những trường hợp này?

Cũng còn tuỳ bạn ạ. Giả sử nếu hai người yêu nhau cùng chung vốn kinh doanh. Về luật pháp, họ chỉ là hai người khác nhau cùng đầu tư. Khi họ không yêu nhau nữa, họ tách ra và phải rạch ròi chuyện kinh tế là dễ hiểu. Ta không thể bình luận việc rạch ròi chuyện tình cảm và công việc của họ theo một cách cảm tính của người ngoài được.

Người của công chúng thì cũng là con người và cũng đều sống theo pháp luật. Khi họ đã đi đến cùng của sự chịu đựng, họ chán chường và đau khổ lắm rồi. Tinh thần họ lúc đó cũng không dễ kiểm soát hết mọi thứ. Họ mệt mỏi nên không có nhu cầu thể hiện mình là đấng trượng phu này nọ với ai, họ bảo vệ mình trước đã.

Chỉ có điều, cuộc sống đôi khi xô xệch các quan điểm và các hành xử của họ như là dây xích lệch bánh răng. Người yếu thế la toáng lên, oán trách người kia chưa chắc đã vì mình đúng, có thể chính người đó chưa biết mình sai.

Dân tình có tâm lý bảo vệ kẻ yếu nên nhiều khi chưa hiểu nội tình đã lên án người kia. Theo tôi, khi ta là người ngoài cuộc, nếu có hiếu kỳ thì cũng chỉ biết thế thôi, đừng cho mình quyền phán xét người khác trừ khi chính người trong cuộc thỉnh cầu.

Nhưng đặt trong trường hợp không phải kinh doanh mà chỉ là chuyện “của chồng, công vợ” rồi khi giữa đường đứt gánh thì quay lại tố nhau?

Chuyện vợ chồng thì còn phức tạp hơn. Chuyện này nói ra với những người chưa lập gia đình, những người đổ vỡ mà may mắn “ra đi trong hoà bình” không hiểu được đâu. Hoàn cảnh sống của mỗi người khác nhau và có những mối ràng buộc không chỉ với hai con người đổ vỡ ấy.

Khi đã đến cùng như vậy là chỉ muốn thoát khỏi nhau cho nhanh, thậm chí không muốn nhìn hay nhắc tên lần nào nữa nếu như không vì con cái.

Hơi đâu mà còn thích tố nhau dai dẳng làm gì. Trừ trường hợp nếu không ngồi được với nhau để có thể dàn xếp hoặc các vụ chia bôi sau đổ vỡ không thoả đáng thì mới dẫn đến xung khắc kéo dài.

Như vậy nên chăng trong đời sống vợ chồng ngay khi êm ấm cũng cần rạch ròi chuyện tiền bạc để khỏi những lùm xùm cãi vã về sau, phải không anh?

Chỉ có xã hội phương Tây họ thường rạch ròi tiền bạc trong gia đình rõ nhất. Tuy nhiên ta cần hiểu rạch ròi ở đây nghĩa là mỗi người một công việc, một tài khoản và một cách sử dụng tài khoản ấy. Họ chỉ thẳng thắn và xác lập quyền sở hữu tài sản đứng tên một cách rành mạch thôi.

Ngày nay với đời sống hiện đại, nhiều gia đình ở Việt Nam cũng đã gần như vậy và rất hạnh phúc. Chẳng phải vì thế mà họ bị coi là đong đếm so đo “quyền anh, quyền tôi ” mà cũng chẳng phải vì lo xa cho lùm xùm cãi vã về sau.

Rạch ròi ở đây không có nghĩa là hai vợ chồng đi ăn tiệm thì ai cũng phải tự trả tiền phần người đó. Ai nấu nướng chăm con nhiều hơn thì được người còn lại trả tiền….

Trong gia đình, từ đầu nên xác lập có những nguyên tắc về chi tiêu chung mà đàn ông nên gánh vác chính. Còn về những thứ khác mang tính cá nhân thì ai thích gì tự sắm, mua cho nhau chỉ là tăng thêm gia vị tình cảm thôi.

Trừ những gia đình có thu nhập trung bình thấp thì vẫn sống cơ chế chung. Thế nhưng xu hướng độc lập quản lý tài khoản riêng của những gia đình khá là để cho chủ động. Đơn giản chỉ là họ biết cách quản lý đời sống văn minh hơn là lộn xộn không đâu vào đâu mà thôi.

Xét cho cùng các cụ cũng đã đúc rút rồi:“Xấu chàng hổ ai” và ngược lại. Nói xấu người cũ chẳng văn minh chút nào, anh nhỉ?

Tôi đồng ý rằng nói xấu người cũ là không văn minh nhưng ta đâu biết sự thật nào như chính họ biết và nếm trải. Ta không nên quy chiếu hoàn cảnh của mình để phán xét họ hồ đồ, phải vậy không?!

Theo Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng

Theo Công an nhân dân
MỚI - NÓNG
Sẽ phát triển hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia
Sẽ phát triển hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia
TPO - Nằm uốn lượn giữa các dãy núi trùng điệp, hồ Hòa Bình được hình thành từ công trình thủy điện Hòa Bình. Nơi đây đang từng ngày vươn mình trở thành trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh. Ông Lưu Huy Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình - cho biết hiện nay tỉnh đang tập trung phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia.