Ngành giao thông Thủ đô giải quyết hồ sơ trực tuyến đứng đầu cả nước

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cùng với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông có chuyển biến, trong các tháng đầu năm, ngành giao thông Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp cải cách hành chính. Riêng dịch vụ công đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Sở GTVT Hà Nội đang đứng đầu cả nước.
Ngành giao thông Thủ đô giải quyết hồ sơ trực tuyến đứng đầu cả nước ảnh 1
Nhờ thông xe đường Vành đai 2 trên cao và tổ chức lại giao thông nên nút giao Đại La - Giải Phóng vừa là 1/7 điểm được giải quyết ùn tắc. Ảnh: Như Ý

Trên 3.000 kết quả giao dịch công trực tuyến

Năm 2023 được xem là năm thành phố Hà Nội và các sở ngành thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính theo hướng chuyển đổi số theo đề án 06 của Chính phủ. Tại Sở GTVT Hà Nội, tính đến cuối tháng 7/2023, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện 781 nhiệm vụ theo các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố giao, trong đó đã hoàn thành 730 nhiệm vụ (đạt 93,4%) và 51 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện.

Sở GTVT đã tiếp nhận 26.650 hồ sơ (gồm 17.972 hồ sơ nộp trực tuyến và 8.678 hồ sơ nộp trực tiếp) của công dân về giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả đã giải quyết đúng hạn 26.494 hồ sơ, quá hạn 0 hồ sơ, 156 hồ sơ đang giải quyết.

Đặc biệt trên lĩnh vực cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX), quản lý phương tiện và người lái, trước tình trạng người dân đến các điểm cấp đổi GPLX tăng gấp đôi, gấp ba do hết chu kỳ “cấp, đổi” 10 năm, ngày từ đầu năm năm 2023, cơ quan được giao thẩm quyền tại Sở GTVT Hà Nội là Văn phòng Sở và Phòng Quản lý phương tiện và người lái đã chủ động làm việc với Công an, Sở Y tế và các bệnh viện trên địa bàn để triển khai áp dụng đồng bộ hồ sơ (lý lịch, giấy khám sức khỏe điện tử) giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công Quốc gia (người dân làm thủ tục giải quyết trực tuyến qua mạng, không phải đến trụ sở cơ quan nhà nước).

Nhờ vậy, trong hơn 54.725 hồ sơ cấp đổi GPLX trong các 7 tháng đầu năm, thì có đến 3.009 hồ sơ nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, số lượng này cũng đang dần tăng đều trong các tháng gần đây.

Thống kê số lượng hồ sơ của người dân được giải quyết ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại các tỉnh thành trên cả nước trong 6 tháng đầu năm, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hầu hết các tỉnh, thành phố chỉ đạt vài chục đến vài trăm trường hợp, riêng Hà Nội đã đạt trên 3.000 hồ sơ.

Xử lý 7/37 điểm ùn tắc

Trong các tháng đầu năm, công tác quản lý kết cấu hạ tầng và tổ chức, phân luồng giao thông tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh; Sở GTVT đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông, đường ngang giao cắt với đường sắt, đường thủy nội địa...

Sửa chữa kịp thời các hư hỏng để đảm bảo lưu thông êm thuận. Liên tục rà soát, kịp thời, phát hiện, đề xuất, phối hợp với các lực lượng liên quan trong công tác tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông.

Qua đó tính đến hết tháng 7/2023, Sở GTVT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý được 07/37 (18,9%) điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; trong số này có 27 điểm trong năm 2022 chuyển sang, số lượng điểm phát sinh mới là 10 điểm. Trong các điểm đã được xử lý ùn tắc có Ngã tư Quang Trung - Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Trần Đại Nghĩa - Đại La, Đại La - Ngã Tư Vọng - Giải Phóng...

Với các điểm đen về TNGT, đã xử lý 23/26 điểm đen. Tiếp tục phối hợp các Sở, ngành nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của 28 quận, huyện về tổ chức giao thông và đảm bảo an toàn giao thông, lên phương án xử lý 3 điểm đen còn lại, gồm: trên cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, tuyến lang an toàn đường sắt, đoạn từ Km 38+600 đến Km 38+950 huyện Phú Xuyên (Hà Nội) - Đồng Văn (Hà Nam).

Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã tăng trưởng hành khách trở lại; Vận tải hành khách liên tỉnh đang tiếp tục phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố trong quản lý hoạt động vận tải tuyến cố định; vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa và kiểm soát tải trọng, xe thô sơ... tiếp tục thực hiện công tác quản lý nhà nước về việc thực hiện các quy định và điều kiện kinh doanh của các đơn vị vận tải, đơn vị hỗ trợ dịch vụ vận tải; Tiếp tục đôn đốc các đơn vị vận tải, bến xe các đơn vị khác có liên quan thực hiện việc tổ chức hoạt động vận tải liên tỉnh song song với việc thích ứng đảm bảo an toàn, linh hoạt; phối hợp quản lý hoạt động vận tải đường sắt đô thị, đảm bảo sự tăng trưởng hành khách ổn định; Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tiếp tục được đẩy mạnh.

Ngành giao thông Thủ đô giải quyết hồ sơ trực tuyến đứng đầu cả nước ảnh 2
Do áp dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính nên lĩnh vực cấp đổi GPLX trực tuyến mức độ 4 Hà Nội đang đứng đầu cả nước

Tiếp tục tập trung xử lý các điểm ùn tắc, TNGT

Với các nhiệm vụ trong các tháng cuối năm, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2023 của thành phố giao, trong đó có quy định về hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các dự án thi công trên đường bộ đang khai thác trên địa bàn thành phố Hà Nội; Xây dựng phương án vé liên thông đa phương thức cho hệ thống VTHKCC thành phố Hà Nội; Xây dựng đề án giao thông thông minh trong thành phố thông minh...

Với công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục phối hợp với Phòng CSGT Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các đề xuất về công tác tổ chức giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục rà soát, xây dựng phương án xử lý các điểm ùn tắc giao thông và điểm đen về tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố; Tăng cường thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa, đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố phục vụ tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng trên địa bàn thành phố.

Thống kê số lượng hồ sơ của người dân được giải quyết ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại các tỉnh thành trên cả nước trong 6 tháng đầu năm, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các tỉnh, thành phố đạt từ 100 đến vài trăm trường hợp, riêng Hà Nội đã đạt trên 3.000 hồ sơ.

Công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của JICA theo kế hoạch hoạt động đã được UBND thành phố phê duyệt.

Tham mưu xây dựng Kế hoạch khung của thành phố thực hiện lộ trình chuyển đổi phương tiện VTHKCC bằng xe buýt theo từng giai đoạn, từng loại hình (năng lượng điện, CNG, LNG..) trên địa bàn thành phố; Đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới các tuyến xe buýt để làm cơ sở đề xuất các giải pháp định hướng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và sản lượng vận tải công cộng và điều chỉnh dịch vụ năm 2023.

Tiếp tục phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai tích hợp dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo kế hoạch năm 2023; triển khai các nhiệm vụ thực hiện đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; thực hiện giám sát 100% các kỳ sát hạch bằng hệ thống camera được lắp đặt tại Trung tâm sát hạch và truyền dữ liệu trực tuyến về Cục Đường bộ Việt Nam. Duy trì công tác kiểm tra các trang thiết bị chấm điểm tự động đảm bảo hoạt động ổn định chính xác phục vụ cho các kỳ sát hạch.

MỚI - NÓNG
Ninh Dương Lan Ngọc rời showbiz
Ninh Dương Lan Ngọc rời showbiz
TPO - Đại diện của nữ diễn viên cùng đơn vị quản lý nhóm LUNAS xác nhận thông tin Ninh Dương Lan Ngọc du học Australia trong vài ngày tới, tạm ngừng hoạt động tại Việt Nam.