Cắt đứt đàm phán về Syria
Ít ngày sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria đổ vỡ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby ngày 3/10 tuyên bố, Washinton chính thức ngừng đàm phán với Moscow về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố, sẽ rút lại kế hoạch chuẩn bị hợp tác quân sự với Nga nhằm chống IS ở Syria.
Theo lý giải của Mỹ, việc Washington đưa ra động thái trên với lý do “Moscow không thực hiện đúng thỏa thuận về ngưng tấn công và bảo đảm đưa hàng cứu trợ nhân đạo đến cho dân chúng bị bao vây trong khu vực do quân nổi dậy Syria kiểm soát”.
Nhật báo Tagesspiegel dẫn nguồn tin thân cận với Ngoại trưởng Đức cho biết các quan chức cấp cao của 5 nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Đức sẽ gặp nhau tại thủ đô Berlin trong ngày 5/10 với nỗ lực tìm cách giải quyết cuộc xung đột ở Syria. Theo Tagesspiegel, trong tình hình khó khăn này, mục tiêu của cuộc gặp là tìm kiếm những đề xuất về cách thức ngăn chặn tình trạng bạo lực và quay lại một tiến trình chính trị.
Đáp lại chủ trương của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập tức ký sắc lệnh chấm dứt Thỏa thuận sử dụng và quản lý plutonium (PMDA) được Moscow và Washington ký kết năm 2000.
Thỏa thuận PMDA quy định Mỹ và Nga mỗi bên phải loại trừ 34 tấn plutonium quân sự dự trữ trong chiến tranh lạnh bằng cách đưa vào sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân.
Thông báo của điện Kremlin nêu rõ: “Nga ngừng thỏa thuận PMDA bởi các sáng kiến thù địch của Washington đối với Moscow và Mỹ không thể thực hiện cam kết loại trừ plutonium”.
Giới phân tích cho rằng, với sắc lệnh trên, nước Nga cho thấy đã sẵn sàng để sử dụng vũ khí hạt nhân như một con bài để thương thuyết trong các tranh chấp với Mỹ ở Ukraine và Syria.
Nga – Mỹ cùng đánh bài ngửa
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga, ông Victor Ozerov cho biết, việc đưa S-300 tới Syria giúp ngăn chặn các sự cố như Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 hồi tháng 11/2015.
Tuyên bố trên của lãnh đạo Hội đồng Liên bang Nga đã thẳng thắn thừa nhận nguồn tin trên kênh truyền hình Fox News trước đó một ngày cho biết, Nga đã triển khai tại Syria các hệ thống phòng không mới nhất S-300VM (NATO định danh là SA-23 Gladiator).
“Không ai, kể cả các thỏa thuận quốc tế, cấm chúng tôi bố trí các hệ thống đó ở những nơi các nhóm không quân Nga đóng quân. Điều này là cần thiết cho việc giải quyết nhiệm vụ của Nga ở Syria", Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga nhấn mạnh, đồng thời khẳng định việc bố trí S-300 ở Syria nhằm bảo vệ nhóm quân của Nga “từ trên không và mặt đất”.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov xác nhận S-300 có nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho căn cứ hải quân tại thành phố Tartus (miền Tây Syria) và đội tàu tác chiến của Hải quân Nga đóng ở bờ biển trước các mối đe dọa từ trên không.
Hệ thống phòng không S-300 của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Hồi cuối năm 2015, Nga triển khai một hệ thống tên lửa S-400 đến Syria sau sự cố máy bay ném bom Su-24 bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, khiến quan hệ giữa Moscow-Ankara căng thẳng trong nhiều tháng.
Kể từ khi Nga điều động S-400 đến Syria, không quân Mỹ và đồng minh phải hoạt động cẩn thận hơn bên trong phạm vi hoạt động và những vụ không kích nhầm vào lực lượng quân đội chính phủ Syria đang chiến đấu chống khủng bố có sự yểm trợ của không quân Nga giảm rõ rệt.
Trên thực tế, động thái của Nga diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bóng gió cho biết, Washington đang cân nhắc khả năng can thiệp mạnh mẽ hơn vào Syria để giải thoát các nhóm vũ trang được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn khỏi những cuộc không kích của quân đội Syria dưới sự hỗ trợ của Nga.
“Tôi đã tranh cãi về việc sử dụng vũ lực. Tôi là người đã đứng lên và tuyên bố rằng chúng tôi sẽ tấn công Assad về việc sử dụng các loại vũ khí,” ông Kerry ám chỉ việc cần có hành động đáp trả trước thông tin chính quyền al-Assad sử dụng vũ khí hóa học hồi năm 2013.
Chắc chắn, sau khi Nga điều động S-300 tới Syria, giới chức Mỹ càng có khả năng thực thi những biện pháp trên, như cung cấp thêm vũ khí cho phe đối lập, bật đèn xanh cho các nước đồng minh Vùng Vịnh viện trợ vũ khí cho phe đối lập; huấn luyện phiến quân đối lập Syria, thậm chí là ném bom vào căn cứ không quân Syria.
Xung đột Nga – Mỹ vượt thời Chiến tranh Lạnh
Hãng tin Sputnik dẫn phân tích của một số chuyên gia Nga cho rằng, những động thái mạnh mẽ của cả hai phía có thể nhanh chóng biến thành xung đột trực tiếp giữa Washington và Moscow, trong đó Mỹ sẽ có cơ hội tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Syria.
Sau rất nhiều cố gắng, Nga đã không thể đạt được, thậm chí hạn chế hợp tác với chính quyền Tổng thống Barack Obama về khủng hoảng Syria, và những điều có thể nhận được thậm chí còn tồi tệ hơn dưới sự kiểm soát của chính quyền Obama.
Sergei Ermakov, một chuyên gia cấp cao của Viện nghiên cứu chiến lược Nga cho biết, Moscow và Washington đã tự đưa mình vào “vòng tay thần chết” ở quốc gia Trung Đông.
Nhóm không quân Nga thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố ở Syria. Ảnh: RT
"Mức độ nguy hiểm của xung đột Mỹ - Nga thậm chí vượt qua cả thời Chiến tranh Lạnh" như đánh giá của các nhà phân tích.
“Sự thật là cả Nga và Mỹ không tham gia vào một cuộc đối đầu về tư tưởng nhưng kỳ lạ hơn, điều này lại càng làm cho tình hình không thể đoán trước, và dẫn đến hậu quả nguy hiểm hơn”.
Theo các chuyên gia, nỗ lực của Mỹ để làm suy yếu nước Nga có thể bao gồm việc sử dụng các lực lượng đối lập ôn hòa để tấn công Nga, cung cấp cho các chiến binh với vũ khí tiên tiến, phối hợp các hoạt động của họ và chia sẻ thông tin tình báo.
Kịch bản này có thể khiến máy bay Nga bị bắn hạ. Trong thực tế, đây là điều tương tự Mỹ đã làm ở Afghanistan. Nếu điều này xảy ra, thì những lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ ở Trung Đông không phải là không có cơ sở.
Ngày 3/10, Đại sứ quán Nga tại Syria đã bị trúng nhiều đạn cối, trong đó một quả đạn đã nổ gần khu nhà ở bên trong khu vực đại sứ quán và hai quả đạn khác nổ ngay bên cạnh.
Mặc dù không có nhân viên nào bị thương, song trong thông báo đưa ra một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Nga coi vụ bắn phá Đại sứ quán Nga tại Damascus như hệ quả của “những bên như Mỹ và một số đồng minh khiêu khích để xung đột đẫm máu tại Syria tiếp diễn".