Nền kinh tế từ thiện?

Nền kinh tế từ thiện?
TP - Sau cuộc giải cứu lợn lần này, sẽ có cuộc giải cứu lợn tiếp theo nữa không? Nếu không có bài học rút ra, nếu không có gì thay đổi thì câu trả lời hoàn toàn có thể là “có”. Bởi đã nhiều lần người ta giải cứu vải, giải cứu dưa hấu, nhưng rồi đến năm sau vẫn thấy dưa hấu ê hề và vẫn phải giải cứu.

Có người nói dưa do bà con miền Trung trồng kém chất lượng, quả to nhưng nhạt, cùi nhiều ruột ít nên chỉ vì thương mà mua. Nhưng cũng có người nói bà con thấy được “giải cứu” và tiêu thụ được hàng, có lợi nhuận nên năm sau tiếp tục trông chờ vào các cuộc “giải cứu” mới.

Tôi không dám kết luận có ai đó lợi dụng lòng tốt của một số người tiêu dùng để hưởng lợi và có lẽ cũng không nên đặt ra các vấn đề đó bây giờ. Và quyết định huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giải cứu đàn lợn hàng trăm ngàn con đang ế thừa là điều đúng đắn, ít nhất là trong lúc nước sôi lửa bỏng này.

Nhưng dùng mệnh lệnh hay những lời kêu gọi ngân hàng, doanh nghiệp “vào cuộc” giải cứu xem ra khá “phi thị trường”. Một nền kinh tế hội nhập, bước vào cuộc chơi chung của thế giới buộc phải tuân thủ các quy luật cung cầu và các mệnh lệnh mang tính hành chính rất có thể đang làm méo mó đi bản chất thị trường của nền kinh tế. Một nền kinh tế muốn vững mạnh phải tuân thủ đúng các quy luật cung cầu và nhất là không thể trông chờ vào lòng từ thiện của người tiêu dùng, không thể trông chờ các cuộc “giải cứu”.

Điều quan trọng, như đã nói ở trên, nằm ở những thay đổi căn bản trong hoạt động chăn nuôi nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Những thay đổi ấy có thể đau đớn đối với một số đối tượng, nhưng đó có thể là tiền đề cho sự phát triển bền vững về sau. 

Có người nói, cố gắng cứu vớt một vài thứ sản phẩm không sinh lời nhiều, thậm chí thua lỗ từ năm này qua năm khác (như chuyện dưa hấu miền Trung) chẳng phải là giải pháp tốt cho người nông dân và cả nền kinh tế. Điều ấy không phải là không có lý của nó. Nếu cứ “giải cứu” nay dưa mai lợn, rất có thể đó là tiền đề cho nhiều cuộc “giải cứu” tiếp theo, đối với nhiều loại sản phẩm khác.

Và nói gì thì nói, chúng ta vẫn cần phải tách bạch các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo những yếu tố mang tính quy luật thị trường. Hy vọng rằng cuộc giải cứu lợn lần này sẽ để lại những bài học to lớn đối với cả người chăn nuôi lẫn các cơ quan quản lý, để chúng ta có những thay đổi căn cơ cho chăn nuôi nói riêng và sản xuất nói chung.

MỚI - NÓNG