Nâng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu: Không để tác động đến người nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện công lập tại Dự thảo Thông tư của Bộ Y tế, giá khám bệnh cao nhất có thể lên tới 300 nghìn đồng/lượt và chi phí giường bệnh tối đa lên đến 3 triệu đồng/ngày. Làm thế nào để bệnh nhân nghèo không bị ảnh hưởng là bài toán mà chính các bệnh viện cũng chưa tìm ra đáp án chung.

Liên quan đến Dự thảo Thông tư hướng dẫn đang được Bộ Y tế xây dựng, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu là phù hợp với thực tiễn. Theo ông, cần có hướng dẫn chung của Bộ Y tế để thống nhất giá khám chữa bệnh theo yêu cầu trên toàn quốc để áp dụng đồng bộ, tránh tình trạng mỗi bệnh viện một giá và xảy ra tình trạng tận thu.

Theo giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, giá khám bệnh theo yêu cầu dành cho những người có điều kiện lựa chọn và tình nguyện chi trả khi mong muốn được khám bởi các giáo sư, bác sĩ mà người bệnh tin tưởng, hoặc được nằm phòng riêng. Đây là yêu cầu thực tiễn đang diễn ra.

"Các dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản khác đã có giá do Nhà nước quy định, giá khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Số đông người bệnh đến khám và điều trị vẫn được cơ sở y tế đảm bảo chăm sóc sức khỏe chu đáo. Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ không có chuyện xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu rồi bỏ rơi người nghèo hoặc người khám bệnh bảo hiểm y tế” - TS.BS Nguyễn Tri Thức nói.

Nâng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu: Không để tác động đến người nghèo ảnh 1

Người lớn chen ngang vào khám tại khoa Nhi, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương. Ảnh: Quyền Thành

Cho rằng, việc xây dựng giá khám bệnh theo yêu cầu cần phải căn cứ theo thực tiễn của các bệnh viện, TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng TPHCM nói: “Việc xây dựng giá không nên cào bằng mà phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng bệnh viện. Bệnh viện được đầu tư hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại và bác sĩ giỏi chuyên môn cần có mức giá tốt hơn so với bệnh viện đã xuống cấp. Nếu đưa ra khung giá cố định thì có bệnh viện sẽ bị thiệt nhưng có bệnh viện sẽ được hưởng lợi”.

"Thời điểm này nên khoan thư sức dân, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe chu đáo dựa trên các mệnh giá bảo hiểm và phúc lợi xã hội”.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM

TS Phan Minh Hoàng còn cho rằng, tác động của việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu là cần thiết. Khi giá dịch vụ khám chữa bệnh cải thiện thì người có tiền sẽ được hưởng dịch vụ tương xứng với khả năng tài chính. Các bệnh viện sẽ tăng thêm được nguồn thu và tái cấu trúc cả về cơ sở vật chất lẫn chuyên môn của toàn bệnh viện, giúp cho người nghèo cũng được hưởng lợi từ chính sách này.

Tuy hưởng ứng việc xây dựng khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu theo Dự thảo của Bộ Y tế nhưng BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) cho biết sẽ không vội vàng áp dụng.

“Đây là nhu cầu chính đáng của cả người dân và cơ sở y tế từ trước đến nay và cũng tạo điều kiện để bệnh viện công tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho cán bộ viên chức và người lao động.

Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, đời sống nhân dân cũng còn nhiều khó khăn. Nếu thông tư được ban hành, áp dụng, chúng tôi cũng chỉ đưa ra mức giá vừa túi tiền của người dân để phục vụ số đông trong cộng đồng. Việc nâng cao chất lượng là quan trọng nhưng nếu cơ sở vật chất, hạ tầng, chuyên môn không tốt thì người bệnh sẽ không đến”, BS Khanh nhận xét.

Đưa trẻ con đi lấy cao răng tại khoa Nhi, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương mới đây, dù phải trả giá khám “theo yêu cầu” song, chúng tôi chứng kiến chất lượng dịch vụ quá thấp, lộn xộn, không tương thích với mức tiền mà người dân phải bỏ ra. Các bác sĩ ở đây đã “cướp đi quyền” của người đã trả tiền khám cao hơn bình thường, liên tục khám cho người lớn chen ngang. Nhiều người đưa trẻ em đi khám theo yêu cầu tại đây đã rất ức chế, khó chịu! Rõ ràng, khám theo yêu cầu và thu mức phí cao ở bệnh viện này cần được “dọn dẹp” sự cẩu thả, bừa bãi trước khi nâng giá khám theo Dự thảo Thông tư mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến, để tránh tình trạng người bệnh bị chèn ép.

Q.T - KNB

Cần tính đúng, tính đủ

Trong khi đó, giám đốc một bệnh viện hạng 1 tại TPHCM (xin giấu tên) cho rằng, việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu không thể giải quyết được khó khăn của bệnh viện.

Hiện nay, lượng bệnh nhân đến thăm khám, điều trị theo bảo hiểm y tế chiếm từ 80 đến 90% lượng bệnh nhân đến khám. Số lượng bệnh nhân cần thụ hưởng dịch vụ theo nhu cầu chỉ chiếm khoảng 10 - 20%, nếu áp dụng theo khung giá mới của dự thảo đang lấy ý kiến thì khoản thu ở mức cao nhất từ dịch vụ chiếm khoảng 25% trong tổng nguồn thu của một cơ sở y tế.

Mặt khác, khi giá khám theo yêu cầu tăng thì khả năng đáp ứng của người bệnh sẽ giảm. Nguồn thu tăng thêm của các bệnh viện để cải thiện đời sống và giữ chân cán bộ y tế bằng phương án này là rất khó. Do đó, điều chỉnh giá dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện công chỉ giải quyết được bài toán thống nhất giá dịch vụ đang áp dụng thu chung trên cả nước.

Để giải quyết căn cơ khó khăn của các bệnh viện hiện nay, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho rằng có giá dịch vụ theo yêu cầu thì tốt nhưng điều quan trọng để tháo gỡ khó khăn chung của các bệnh viện là những yếu tố cấu thành giá khám chữa bệnh nói chung phải được tính đúng, tính đủ, được bảo hiểm y tế chi trả.

MỚI - NÓNG
Tiền vào chứng khoán giảm sâu
Tiền vào chứng khoán giảm sâu
TPO - VN-Index nới rộng đà giảm trong phiên chiều 4/10, lao dốc về vùng 1.270 điểm. Khép lại tuần giao dịch vừa qua, sau khi để hụt mốc đỉnh cũ 1.300 điểm, chỉ số chính đã bước sang phiên thứ 3 liên tiếp giảm điểm. Thanh khoản cũng ảm đạm, số tài khoản chứng khoán mở mới đột ngột giảm sâu.