Bà K’Sen ở xã Đa Đờm (Lâm Hà- Lâm Đồng), là mẹ của sinh viên K’Xuyên (Đại học Đà Lạt). Bà K’Sen không biết chữ và nhiều anh chị của K’Xuyên trong số 7 người con của bà cũng chỉ học cho đến biết mặt chữ rồi ở nhà làm rẫy cho đến khi lập gia đình. “Nhà tôi nghèo lắm, có 10 sào đất vườn thì phải cắt chia dần cho các con nên không đủ đất trồng cây, phải đi làm thuê cho người khác. Rồi cán bộ xã tới vận động, nói là muốn thoát nghèo thì phải cho con cái ăn học. Thế là tôi cố cho K’Xuyên và em nó đi học. Cũng may mà K’Xuyên học giỏi, được vào đại học và giờ còn được nhận học bổng nữa”- Bà K’Sen nói.
Đưa con gái đi nhận học bổng cũng là lần đầu tiên bà K’Sen được đặt chân tới TPHCM. Cả 2 mẹ con đều ngỡ ngàng trước phố xá ken kín người và xe cộ. “Tôi say xe nên tôi hôm qua tới giờ không dám đi đâu. Chỉ tới sáng nay tôi mới tới đây để xem con nhận giải. Vui lắm vì con tôi được báo Tiền Phong và các đơn vị quan tâm, được tặng tiền, quà. Tôi không biết chữ nên không biết nói nhiều đâu! Chỉ biết cám ơn thôi”- Bà K’Sen nói thêm. Bà nhờ phóng viên chụp tấm hình hai mẹ con để làm kỷ niệm lần đầu tiên được đi xa nhà đến như vậy.
Các sinh viên được trao học bổng Nâng bước thủ khoa 2022. Ảnh: Dương Triều |
Bà Hoàng Thị Thuý Ngà, mẹ của sinh viên Võ Hoàng Khang (Đại học Sư phạm TPHCM) kể, ngay từ khi sinh ra, Khang đã bị khiếm thị và không thể chữa trị. Để lo cho con, bà Ngà đã phải bỏ việc làm, ở nhà chăm sóc và dạy dỗ con. Khi Khang lên 6 tuổi, cả gia đình bà chuyển từ Vĩnh Long lên TPHCM để cho Khang được vào trường Khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Bà Ngà cho biết: “Suốt bao năm Khang đi học, ngày nào tôi cũng phải đón đưa vì không có điều kiện cho con ở trọ hay thuê xe. Cũng may là cháu học rất giỏi, nên khi vào cấp 3 cháu đã được Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10 tiếp nhận để học tiếp và sau đó cháu đã trúng tuyển đại học. Không chỉ học giỏi, cháu còn biết làm việc nhà, biết phụ mẹ trông em hay nấu cơm, chiên trứng… hay là đi chơi với bạn bè. Tôi vui lắm vì cháu đã hoà nhập với cuộc sống”.
Khi biết tin con được nhận học bổng Nâng bước thủ khoa, bà Ngà đã rơi nước mắt vì mừng vui. Bà bảo, học bổng Nâng bước thủ khoa thực sự là món quà ý nghĩa đối với gia đình và bản thân Kha, bởi nó là nguồn động viên, là minh chứng cho sự nỗ lực của cả gia đình bao lâu nay. Sáng sớm ngày nhận học bổng, bà đã đích thân chở con tới và ngồi chờ để tận mắt xem con lên sân khấu nhận học bổng. Khi tên con mình được xướng lên, bà Ngà lại ứa nước mắt vì sung sướng. Bà Ngà cho biết, số tiền nhận được từ học bổng này sẽ dành để mua cho con chiếc máy vi tính, để cho con đóng thêm tiền học Anh văn… Đó sẽ hành trang mà Khang sẽ được trang bị để bước vào đời, sống cuộc sống độc lập sau này.
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung (Giám đốc bệnh viện JW Hàn Quốc):
Chương trình có ý nghĩa lớn
Nhiều lần đồng hành cùng chương trình học bổng Nâng bước thủ khoa, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung- Giám đốc bệnh viện JW Hàn Quốc bày tỏ niềm vui và biết ơn báo Tiền Phong đã sáng kiến và làm ra chương trình đầy ý nghĩa xã hội. Bác sĩ Tú Dung cho hay, ngoài phần thưởng giá trị vật chất thì mặt tinh thần là rất cao quý bởi học bổng đã giúp các em vượt qua khó khăn trong thời điểm bước ngoặt của cuộc đời, tiếp thêm động lực để các em bước đi trên con đường học vấn. Trước những giá trị của chương trình, bác sĩ Tú Dung khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với chương trình Nâng bước thủ khoa trong những năm tiếp theo dù thực tế, tình hình kinh tế của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
ThS. Nguyễn Châu Linh (Đồng sáng lập, Tổng giám đốc Tập đoàn Diamond Journey):
Ấn tượng đặc biệt
Lần đầu tiên đồng hành cùng Ban tổ chức chương trình Nâng bước thủ khoa- ThS.Nguyễn Châu Linh - đồng sáng lập, Tổng giám đốc Tập đoàn Diamond Journey bày tỏ, bà bị thu hút bởi quy mô chương trình được xây dựng công phu, hoành tráng và đặc biệt là để lại nhiều xúc động cho người xem.
Trong năm đầu tiên tham gia, Tập đoàn Diamond Journey đã trao tặng 200 thẻ thư viện số 100 năm và 200 học bổng khởi nghiệp cho các sinh viên. Những phần thưởng này sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức, tiếp cận nhiều chuyên gia, doanh nghiệp để định hướng cho con đường tương lai phía trước”, bà Linh nói, đồng thời hay sẽ tiếp tục đồng hành với chương trình Nâng bước thủ khoa không chỉ bằng hiện vật mà sẽ có thêm hiện kim để góp phần cùng Ban tổ chức trao học bổng cho các sinh viên nghèo học giỏi.
GS. TS Nguyễn Hữu Tú (Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, đơn vị đồng hành tổ chức lễ trao học bổng Nâng bước thủ khoa 2022):
Giúp sinh viên vượt lên hoàn cảnh khó khăn
Tôi được biết, chương trình đã được tổ chức trong nhiều năm. Điều đó cho thấy hiệu quả, ý nghĩa tích cực rất lớn và sự bền vững của chương trình, qua đó thể hiện sự ủng hộ của cộng đồng, xã hội, nhà hảo tâm đối với Nâng bước Thủ khoa. Với ý nghĩa và tác động của chương trình, xin chúc mừng báo Tiền Phong. Đây là một chương trình cần thiết vì có nguồn lực đủ lớn để bao phủ toàn quốc. Báo Tiền Phong là cơ quan báo chí uy tín, người bạn đồng hành tinh thần của học sinh, sinh viên nên có ý nghĩa tác động để động viên sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không bi quan, dừng bước. Các em có năng lực nên tiếp tục cố gắng, xã hội sẽ đồng hành để hỗ trợ. Mong chương trình tiếp tục mở rộng để làm thế nào mang đến nhiều cơ hội hỗ trợ hơn.
Lần đầu tiên đi TPHCM, bố mẹ lại bị bệnh, Phạm Phương Thảo (Khoa Sư phạm Anh Đại học Phạm Văn Đồng) phải nhờ bà đưa đi tham gia chương trình Nâng bước thủ khoa. Hai bà cháu đã đi xe đò gần ngàn km từ Quảng Ngãi để tới TPHCM. Đưa Thảo tới tận nơi diễn ra chương trình trao học bổng, bà Hồ Thị Duyên Hồng mới an tâm đi về nghỉ tạm tại nhà người quen. Nhưng khi tới buổi lễ trao giải, bà Hồng lại đón xe ôm lên để gặp Thảo. Bà Hồng thật thà tâm sự: “Khi nghe tin cháu được nhận học bổng, gia đình rất vui nhưng cũng lo vì chưa bao giờ cháu đi vào Nam. Nên tôi đã thu xếp để đi cùng cháu cho an tâm. Giờ tận mắt thấy chương trình học bổng hoành tráng như vầy, tôi mới tin là thật”.
ThS.Nguyễn Châu Linh trao thẻ thư viện và học bổng cho nhà báo Lê Xuân Sơn- Trưởng Ban tổ chức chương trình “Nâng bước thủ khoa” năm 2022 |
Mẹ con K'Sen và K'Xuyên chụp chung tại chương trình |
Mong chương trình mở rộng, lan tỏa hơn nữa
Thầy Phạm Quốc Khánh - Phó trưởng phòng Công tác sinh viên học sinh, Đại học Trà Vinh đã nhiều lần đồng hành cùng sinh viên đến THCM nhận học bổng Nâng bước thủ khoa. Thầy Khánh cho biết, ngay từ nhưng năm đầu tiên thành lập, trường Đại học Trà Vinh đã có chủ trương nhà trường luôn đồng hành với các hoạt động có ý nghĩa như các giải thưởng, các học bổng hay chương trình khởi nghiệp. Vì thế mỗi khi có sinh viên trong trường nhận được học bổng Nâng bước thủ khoa do báo Tiền Phong tổ chức, Ban giám hiệu nhà trường đều bố trí xe, cán bộ đưa các em đi. “Chúng tôi đưa các em đi để tạo sự an tâm cho các phụ huynh và cũng để cho thấy sự quan tâm của trường đối với các em. Tính tới nay, Trường Đại học Trà Vinh đã có 7 em được nhận học bổng Nâng bước thủ khoa và đều được nhà trường đưa đi nhận một các trang trọng”, thầy Khánh cho biết.
Theo thầy Khánh, Trường đại học Trà Vinh nằm trên địa bàn có tới trên 30% đồng bào dân tộc thiểu số, và trong số sinh viên của đại học Trà Vinh cũng có khoảng 10% sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
“Chúng tôi cám ơn báo Tiền Phong đã thể hiện sự quan tâm tới sinh viên trường chúng tôi và mong rằng trong thời gian tới, chương trình học bổng Nâng bước thủ khao sẽ được mở rộng hơn để thêm nhiều sinh viên được thụ hưởng từ chương trình”- thầy Khánh bày tỏ.