Mạng lưới này đã đưa hơn 2,5 tỷ USD thông qua hơn 250 công ty bình phong trên khắp Thái Lan, Lybia, Úc, Nga, Trung Quốc và Kuwait để tránh các biện pháp trừng phạt, mua các loại hàng hóa cho Triều Tiên và làm giàu cho những người liên quan, theo cáo trạng được nộp lên một tòa án liên bang ở Washington.
Hầu hết những người bị truy tố đều liên quan đến một mạng lưới các chi nhánh “ngụy trang” của Ngân hàng ngoại thương Triều Tiên, trong đó có 2 người là chủ tịch của ngân hàng, gồm Ko Chol Man và Kim Song Ui, cùng hai phó chủ tịch.
Những người này bị cáo buộc sử dụng các công ty bình phong để che đậy các giao dịch thông qua mạng lưới ngân hàng qua Mỹ. Hoạt động này vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Ngân hàng ngoại thương và các tổ chức khác của Triều Tiên.
Cáo trạng nói rằng mạng lưới này hoạt động từ năm 2013 đến năm nay, và những người liên quan đã “che đậy sự tham gia của Ngân hàng ngoại thương trong các thanh toán dùng đồng đô la Mỹ để đánh lừa các ngân hàng xử lý thanh toán”.
Trong thời gian đó, Mỹ tịch thu khoảng 63 triệu USD.
Cáo trạng không có thông tin nào về cách Triều Tiên kiếm ra số tiền đó, chỉ nói rằng số tiền được dùng để mua từ hàng hóa xa xỉ đến những thứ phục vụ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Trong những năm gần đây, Triều Tiên phải chật vật với các biện pháp trừng phạt cứng rắn được Liên Hợp quốc thông qua trong hầu hết các hoạt động thương mại và tài chính, nhằm khiến nước này không thể phát triển vũ khí hạt nhân.
“Thông qua cáo trạng này, Mỹ đã thể hiện cam kết cản trở Triều Tiên tiếp cận trái phép hệ thống tài chính của Mỹ, và hạn chế khả năng dùng tiền thu được từ các hoạt động phi pháp này để thúc đẩy các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt”, Michael Sherwin, công tố viên bang Washington, Mỹ, nói trong một thông cáo.
Đây là vụ truy tố nhiều cá nhân nhất nhằm vào Bình Nhưỡng mà phía Mỹ từng thực hiện.
Tuy nhiên, vụ truy tố chỉ mang tính “bêu tên” vì không cá nhân nào trong số đó bị bắt hoặc phải ra tòa.