Theo Hiệp ước hợp tác quốc phòng tăng cường năm 2014, Philippines cho phép quân nhân và các nhà thầu quốc phòng Mỹ hoạt động tại các địa điểm mà hai bên thống nhất từ trước. Đến nay, Chính phủ Philippines đã đồng ý về 5 địa điểm, nhưng mới triển khai được 1 địa điểm.
Đó là nhà kho chứa đồ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai tại căn cứ không quân Cesar Basa ở thành phố Floridablanca, tỉnh Pampanga. Nhà kho này hoạt động từ đầu năm 2019.
Sắp tới sẽ triển khai thêm một địa điểm tại căn cứ không quân Antonio Bautista (gần trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân mặt trận phía Tây) trên đảo Palawan. Lợi thế là trên đảo đã có sẵn một đường băng dài (hơn 2,7km) xây từ thời chiến tranh, hiện phục vụ sân bay Puterto Princesa.
Ngoài ra, đảo này gần các nước xung quanh nhất (Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam), và cũng gần eo biển Malacca nhất, rất thuận lợi cho triển khai các hoạt động ở Biển Đông và/hoặc đòi hỏi sự phối hợp nhiều bên như chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thiên tai (siêu bão), tuần tra, tập trận chung, đối phó sự hung hăng của Trung Quốc trên biển…
Căn cứ không quân Cesar Basa rất gần đảo Đài Loan (Trung Quốc). Theo thỏa thuận Philippines-Mỹ, Mỹ có thể đưa quân lính, quân nhu, vũ khí, khí tài (chủ yếu phục vụ các chuyến bay tuần thám biển) tới các địa điểm dùng chung như căn cứ Cesar Basa trên đảo Luzon, sắp tới là căn cứ Antonio Bautista trên đảo Palawan, rất gần quần đảo Trường Sa. Trung Quốc rất sợ Mỹ tăng hiện diện quân sự gần Đài Loan và Trường Sa nên Philippines cũng đang lo Trung Quốc sẽ đe dọa, cưỡng ép, quấy phá để Philippines và Mỹ không triển khai được các địa điểm dùng chung.
Hai chiếc máy bay vận tải C-130 của Không quân Mỹ và Philippines tại căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen của Philippines. Ảnh: US Air Force. |
Ngoài 1 địa điểm dùng chung đã hoạt động, 1 sắp hoạt động, Philippines và Mỹ đang làm việc chi tiết về 3 địa điểm khác, gồm căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen trên đảo Mactan (tỉnh đảo Cebu), căn cứ không quân Lumbia thuộc tỉnh Misamis Oriental và Fort Magsaysay ở 2 tỉnh Neva Ecija và Aurora.
Fort Magsaysay là nơi huấn luyện binh sĩ chủ chốt của Philippines, nơi có lực lượng quân dự bị lớn nhất nước. Ngày 25/9/2021, tại pháo đài Magsaysay, cụ thể là tại Trung đoàn Không quân Philippines, diễn ra lễ khánh thành nhà chứa máy bay mới. Đây là dự án hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công trình công cộng và xa lộ của Philippines. Các dự án thuộc chương trình hợp tác giữa hai bộ (tên dự án là Tatag ng Imprastruktura para sa Kapayapaan at Seguridad – viết tắt TIKAS) có ý nghĩa lưỡng dụng, nhưng nghiêng về quân sự nhiều hơn.
Bộ Công trình công cộng và xa lộ chịu trách nhiệm thi công các công trình cơ sở hạ tầng, trong khi Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm điều binh sĩ, khí tài ra bảo vệ các công trình xây dựng trong khu vực xung đột, khu vực tranh chấp. Nhà chứa máy bay mới cho phép nhanh chóng cất giữ, bảo dưỡng và triển khai máy bay chiến đấu 24/7. Vốn đầu tư xây dựng nhà chứa máy bay này là 63,1 triệu peso (hơn 28 tỷ đồng).
Bộ Công trình công cộng và xa lộ sẽ tiếp tục xây dựng các công trình quân sự hiện đại, bao gồm nhà chứa máy bay mới. Năm 2022, sẽ có 14 dự án thuộc chương trình TIKAS được thực hiện nếu quốc hội Philippines phê chuẩn.
Căn cứ không quân Cesar Basa và Fort Magsaysay thuộc nhóm căn cứ quân sự phía bắc, gần Đài Loan (Trung Quốc); còn căn cứ không quân Antonio Bautista, căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen và căn cứ không quân Lumbia thuộc nhóm căn cứ quân sự phía nam, gần Trường Sa.
Giới quan sát cho rằng, Philippines sẽ đẩy mạnh xây mới các cơ sở quân sự, đặc biệt là các nhà chứa máy bay nhằm tăng khả năng và tốc độ cất giữ, bảo dưỡng và triển khai máy bay tại các căn cứ không quân chính ở hai miền Nam (gần Trường Sa), Bắc (gần Đài Loan - Trung Quốc).
Ngoài ra, Philippines sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị quân sự, nhà thầu quốc phòng Mỹ cùng sử dụng các căn cứ không quân, hải quân đóng trên các đảo, chủ yếu là để phía Mỹ đưa vũ khí, khí tài tới bảo dưỡng, sẵn sàng triển khai cho các tình huống phát sinh trên biển.
Phi công Philippines và Mỹ trao đổi kinh nghiệm tại căn cứ không quân Clark của Philippines. Ảnh: |
Xây dựng lại lòng tin với Washington
Căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen là nơi máy bay vận tải cỡ lớn C-130 Hercules thường trú, máy bay C-124, C-133 tạm trú. Hồi năm 2013, khi đối phó siêu bão Hải Yến, căn cứ này tiếp nhận ít nhất 10 máy bay cỡ lớn, gồm V-22 Osprey của Thủy quân lục chiến Mỹ, C-130 của các nước khác. Máy bay cỡ lớn hơn cũng hạ cánh xuống căn cứ Mactan-Benito Ebuen, như C-5 Galaxy, C-17 Globemaster, An-124…
Những tháng gần đây, Manila có nhiều động thái khôi phục quan hệ an ninh và xây dựng lại lòng tin với Washington trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn Bắc Kinh, ông Derek Grossman, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu Rand Corp (Mỹ), nói với Foreign Policy.
Gần đây Philippines và Mỹ có một loạt chuyến thăm cấp cao; khôi phục các thỏa thuận quốc phòng; Manila hoàn toàn nhất trí với thỏa thuận an ninh ba bên AUKUS giữa Mỹ, Anh và Úc; thiết lập lại Đối thoại chiến lược song phương Philippines-Úc; mở rộng tập trận chung trong năm 2022.
Điều gì đã khiến Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chuyển từ quan hệ nồng ấm với Bắc Kinh sang với Washington? Có thể là vì ông cảm thấy bị bỏ rơi, việc ông ngả về Bắc Kinh không đem lại kết quả như mong đợi, ông Grossman nhận định.
“Nhìn chung, có vẻ như chính sách thân thiện với Trung Quốc của ông Duterte đã chết, hoặc ít nhất là thoi thóp. Mặc dù ông có thể tiếp tục khen ngợi Bắc Kinh từ bây giờ đến khi rời nhiệm sở vào tháng 6 tới, nhưng các hành động của ông rất có thể là ưu tiên cho Washington”, ông Grossman đánh giá.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 29/7/2021. Ảnh: USNI. |
Tuy nhiên, những gì xảy ra sau sau khi ông Duterte rời nhiệm sở vẫn khó đoán định. Chỉ một trong số bảy ứng cử viên chính để trở thành tổng thống tiếp theo của Philippines, Phó tổng thống Leni Robredo, có cách tiếp cận cứng rắn đối với Trung Quốc.
“Nhưng với động lực mới đằng sau quan hệ Philippines-Mỹ, bất kỳ tổng thống tương lai nào cũng có khả năng ủng hộ Washington hơn là Bắc Kinh, ngay cả khi họ không công khai nói như vậy”, ông Grossman nhận định.