Philippines bác đòi hỏi của Trung Quốc về việc đưa tàu chiến cũ khỏi Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
Con tàu chiến cũ nát mà Philippines để ở bãi Cỏ Mây. (Ảnh: Reuters)
Con tàu chiến cũ nát mà Philippines để ở bãi Cỏ Mây. (Ảnh: Reuters)
TPO - Ngày 25/11, Philippines tuyên bố sẽ không chấp thuận đòi hỏi của Trung Quốc về việc di dời con tàu hải quân cũ neo đậu trái phép ở một cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau khi Bắc Kinh chặn Manila tiếp tế cho lực lượng hiện diện trên tàu này.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana bác bỏ thông tin mà Bắc Kinh đưa ra rằng Manila cam kết di dời con tàu BRP Sierra Madre cũ hỏng mà Philippines để ở bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) từ năm 1999.

Con tàu dài 100m được chế tạo để phục vụ Hải quân Mỹ trong Thế chiến 2. Philippines để con tàu ở đó để củng cố yêu sách đối của Manila với quần đảo này.

“Con tàu đã ở đó từ năm 1999. Nếu có cam kết, nó đã bị đưa đi từ lâu rồi”, ông Lorenzana nói với báo chí.

Ngày 24/11, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố Bắc Kinh “yêu cầu phía Philippines lập tức di dời con tàu".

Con tàu gỉ sét mắc kẹt vào rạn san hô đang là nhà tạm của một nhóm lính Philippines đồn trú trái phép tại bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Lorenzana cáo buộc Trung Quốc “xâm phạm” khi hải cảnh nước này chặn tàu của Manila vào tiếp tế cho nhóm lính.

Tại hội nghị đầu tuần này của ASEAN và Trung Quốc, Tổng thống Rodrigo Duterte nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông "không chấp nhận những hành động gần đây của Bắc Kinh tại bãi cạn".

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 18/11, trả lời câu hỏi của phóng viên về các hoạt động của Trung Quốc và Philippines ở bãi Cỏ Mây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa và vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 trong mọi hoạt động trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG