Mỹ mời 14 nước ngoài NATO dự họp về Ukraine: Khủng hoảng có được đẩy lùi?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Danh sách mời tham dự thượng đỉnh quốc phòng về Ukraine, do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì ngày 26/4 (giờ địa phương) tại Ðức, bao gồm 14 quốc gia không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), như Nhật Bản, Israel, Kenya…
Mỹ mời 14 nước ngoài NATO dự họp về Ukraine: Khủng hoảng có được đẩy lùi? ảnh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu trong thượng đỉnh quốc phòng về Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Ðức ngày 26/4. Ảnh: Getty Images

Tổng cộng 43 quốc gia, bao gồm tất cả các thành viên NATO, được mời tham dự cuộc họp cấp cao tại Căn cứ Không quân Ramstein. Tại cuộc họp này, Mỹ tìm cách thúc đẩy hợp tác với các đồng minh và đối tác để hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động phòng thủ liên tục của Ukraine chống lại Nga. Các quốc gia không thuộc NATO được mời tham dự cuộc họp cấp cao đến từ khắp nơi trên thế giới, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Israel, Qatar, Jordan, Kenya, Liberia, Morocco, Tunisia, Ukraine, Thụy Điển, Phần Lan.

Cuộc họp bắt đầu với phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, theo chương trình dự kiến mà tạp chí quốc phòng Breaking Defense có được. Bài thuyết trình quan trọng đầu tiên đến từ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley, bao gồm đánh giá tình báo về sự thay đổi chiến thuật và chiến lược của Nga, đặc biệt là ở vùng Donbas, nơi quân Nga đang tập trung nỗ lực. Các bài thuyết trình khác bao gồm nhận xét của đại diện Ba Lan; một cuộc thảo luận bàn tròn về “tầm nhìn từ sườn phía đông”, bao gồm các đại diện từ Romania, Slovakia, Cộng hòa Séc, Lithuania và Hungary; một bản tóm tắt đến từ người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ - tướng Tod Wolters về các yêu cầu quân sự của Ukraine.

Lý do nhập cuộc

Bộ ba Thụy Điển, Phần Lan và Ukraine rõ ràng là liên quan trực tiếp cách thức Mỹ và các đối tác tiếp cận Nga trong những tháng tới. Thụy Điển và Phần Lan dường như đã sẵn sàng trở thành thành viên NATO trong vòng vài tuần. Bốn đối tác lớn ở khu vực Thái Bình Dương là những nước đã ủng hộ Mỹ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt và đại diện cho các quốc gia hết lòng đứng về phía phương Tây trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Các quốc gia Trung Đông và châu Phi cũng có nét nổi bật. Israel, một đối tác thân thiết của Mỹ, luôn kiên định trong việc cố gắng tránh gây bất lợi cho Nga, vì họ cần duy trì mối quan hệ với Nga để tiếp tục chiến dịch không kích nhằm vào các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Syria. Jordan đang “đi dây” ngoại giao giữa Mátxcơva và Washington về vấn đề này và Qatar là tâm điểm trong lời kêu gọi gia tăng dòng chảy dầu từ Ukraine. Cả Jordan và Qatar đều đã mua thiết bị quân sự của Nga trong những năm gần đây, vì vậy việc mời hai nước này tham gia cuộc họp có thể là một động thái của Washington để cố gắng khuyến khích họ nghiêng về hỗ trợ Ukraine hơn là Nga.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ muốn biết các đồng minh và đối tác đang làm gì liên quan các cơ sở công nghiệp quốc phòng của họ và cách họ có thể giúp Ukraine phòng thủ.

Điều thú vị là việc mời Kenya, Liberia, Morocco và Tunisia có thể không liên quan đến Nga mà nghiêng về việc chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với lục địa này, bà Elizabeth Shackelford, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng làm việc tại một số quốc gia Đông Phi, nhận định. “Trung Quốc đã trở thành đối tác chiến lược của cả Kenya và Liberia, nhưng Mỹ vẫn có tác động lớn hơn với từng đối tác. Kenya là một quốc gia có tầm ảnh hưởng trên lục địa, vì vậy việc đưa nước này hòa nhập với phương Tây là rất quan trọng, bà Shackelford, hiện công tác tại Hội đồng Các vấn đề toàn cầu Chicago, nói. Theo bà, việc mời các quốc gia này tham dự cuộc họp báo hiệu rằng lập trường của họ là mối quan tâm của Mỹ và liên minh, bao gồm Đức - một nước mạnh về kinh tế. “Đây là mức độ gắn kết mà mối quan hệ giao dịch của Trung Quốc không mang lại”, bà nói.

MỚI - NÓNG