Mỹ - EU và Nga: Ai đang 'ngán' ai?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt hai mục tiêu: phá hủy nền kinh tế Nga và tạo áp lực trong nước lên Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến ông có thể mất quyền lực. Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra như Mỹ và châu Âu mong muốn.
Mỹ - EU và Nga: Ai đang 'ngán' ai? ảnh 1
Quân nhân Nga kiểm tra một đường hầm dưới nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol của Ukraine ngày 13/6. Ảnh: Getty Images

Trừng phạt kinh tế: Nhiệm vụ bất khả thi

Bất chấp Mỹ áp đặt vô số lệnh trừng phạt và cùng 6 vòng trừng phạt của châu Âu, tính đến nay nền kinh tế Nga vẫn trụ vững; người Nga có ngưỡng chịu đựng cao hơn nhiều so với xã hội phương Tây. Người Nga đã học cách sống chung với các lệnh trừng phạt từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và một số lĩnh vực lại đang hưởng lợi từ chúng. Theo New York Times, ngày 21/6, đồng rúp đã trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay, nhờ các biện pháp kiểm soát vốn do Nga triển khai. Đồng rúp đã được giao dịch ở mức mạnh nhất so với đô la Mỹ kể từ tháng 6/2015, và tăng khoảng 35% cho đến nay, đánh bại mọi loại tiền tệ chính và tăng hơn gấp đôi so với mức thấp kỷ lục sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Bloomberg đưa tin, Nga ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất kể từ năm 1994, do doanh thu từ xuất khẩu dầu khí tăng mạnh không phải do chịu lệnh trừng phạt, mà do chính hiệu ứng các lệnh trừng phạt đem lại. Giá khí đốt đã tăng gấp 5 lần và giá dầu tăng 60% kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp dụng. Vì vậy, ngay cả khi bán dầu giảm giá so với mặt bằng giá đang tăng cao trên thị trường, Nga vẫn ung dung ngồi đếm tiền.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Nga không bị tổn hại bởi các lệnh trừng phạt. Người Nga đang phải trải qua tình trạng thiếu hụt mọi thứ từ khăn giấy đến chip máy tính, từ chai nước ngọt Coca-Cola đến điện thoại iPhone đời mới, cũng các công nghệ hiện đại và phụ tùng máy bay. Tuy nhiên, thực phẩm và năng lượng mới là hai thứ quyết định sống còn để duy trì cuộc sống của người dân, và đương nhiên người Nga đang sở hữu rất nhiều. Do đó, ngay cả khi Mỹ và phương Tây áp đặt thêm nhiều vòng trừng phạt nữa, thậm chí giữ nguyên nhiều năm sau, tất cả những điều này không ảnh hưởng đến mục tiêu cũng như quyết tâm của Mátxcơva.

Truyền thông Mỹ và phương Tây đang làm hồi sinh ký ức về Chiến tranh Lạnh, với một liên minh các nước đồng minh liên kết chống lại Nga và lên án Tổng thống Putin. Tuy nhiên, theo Bloomberg, khoảng 83% người Nga tán thành các hành động của Tổng thống Putin trên cương vị tổng thống, sau khi ông ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Việc Mỹ và các đồng minh NATO ồ ạt cung cấp vũ khí cho Ukraine càng khiến tinh thần dân tộc Nga thêm cứng cỏi. Tất cả các biện pháp trừng phạt áp lên Nga không những không làm cho nền kinh tế Nga sụp đổ, mà Tổng thống Putin càng củng cố thêm quyền lực của mình.

Nga ra đòn nhẹ, Mỹ và châu Âu ngao ngán

Mỹ và các đồng minh phương Tây đang trở thành “con tin” của chính các lệnh trừng phạt mà họ đã tạo ra, và đang bị mắc kẹt trong thế khó. Nga cũng đang dần cắt giảm khí đốt tới châu Âu, và vẫn chưa sử dụng hoàn toàn đòn bẩy của mình đối với các nền kinh tế thế giới. Ông Putin có thể đang chờ đợi sự giúp đỡ từ một “đồng minh” mạnh mẽ nhất của Nga: Mùa đông lạnh giá.

Mỹ hiện nhập khẩu hơn 50% niken, khoảng 80% bạch kim, 80% coban, gần 40% đồng và một số lượng dầu thô của thế giới. Hầu hết đều xuất xứ từ Nga. Ngoài ra, Nga và Ukraine xuất khẩu 25% nguồn cung lúa mì và phân bón cho toàn cầu. Mặc dù cả hai quốc gia này đều không xuất khẩu lúa mì trực tiếp sang Mỹ, nhưng sự vắng mặt của Nga hay Ukraine trên thị trường lương thực toàn cầu được cho là sẽ gây căng thẳng nguồn cung, và đẩy giá thành lên cao chóng mặt.

Hơn nữa, chưa kể đến nguồn dầu khí hóa thạch, Nga và Ukraine cung cấp khoảng 90% lượng khí neon có độ tinh khiết cao trên thế giới, được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn và 40% nguồn cung khí krypton toàn cầu. Do chiến tranh, hầu hết năng lực sản xuất công nghiệp của Ukraine đã bị phá hủy hoặc nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng Nga.

Lợi bất cập hại

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc ở Mỹ và châu Âu với mức lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao kỷ lục đang đè nặng áp lực lên vai các nhà lãnh đạo của các cường quốc này. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang phải đối mặt tỷ lệ tín nhiệm thấp, cùng cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. Châu Âu cũng không ngoại lệ, đang ở ngưỡng cửa của một mùa đông thiếu nguồn khí đốt từ Nga.

Dân chúng châu Âu không những phải “thắt lưng buộc bụng” mà còn phải chịu thêm gánh nặng trợ giúp người tị nạn Ukraine. Trong khi ấy, dân chúng Mỹ đã không còn tin hoàn toàn vào tuyên truyền của chính quyền Tổng thống Biden, rằng “Putin phải chịu trách nhiệm” cho tất cả những điều tồi tệ đang xảy ra tại Mỹ.

Vậy ai sẽ cung cấp một lượng lớn năng lượng, nguyên liệu thô và thực phẩm giá rẻ cho thế giới nếu không phải là Nga? Thiếu vắng nguồn cung từ Nga, hiển nhiên nền kinh tế Mỹ và các nước châu Âu phải trả giá.

Nghịch lý là cuộc chiến càng kéo dài ở Ukraine thì dường như càng có lợi cho Nga. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, doanh thu của Nga từ xuất khẩu năng lượng trong 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến lên tới 93 tỷ euro, và EU vẫn là khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga, ngay cả sau khi gói trừng phạt thứ 6 được áp dụng.

Bất chấp việc phương Tây loại bỏ dần nhập khẩu năng lượng của Nga nhằm tước đi nguồn thu của Điện Kremlin, doanh thu xuất khẩu của nước này trong tháng 5 tăng gần 40% so với cùng kỳ do giá năng lượng toàn cầu tăng vọt. Theo RT, Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg diễn ra tại Nga trong 4 ngày tháng 6 đã đạt được các thỏa thuận trị giá 5.600 tỷ rúp (97 tỷ USD), cao hơn 30% so với năm ngoái.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.