Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chịu trách nhiệm về chính sách không gian, ông Douglas Loverro, trong tuần này cho biết mối đe dọa tấn công tất cả vệ tinh của Mỹ trong quỹ đạo không còn là một mối quan ngại trên lý thuyết, theo trang tin The Washington Free Beacon (Mỹ).
Ông Loverro nói Lầu Năm Góc muốn những đối thủ tiềm năng chẳng hạn như Trung Quốc biết rằng nếu chiến sự mở rộng ra không gian thì “Mỹ sẽ chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ tài sản không gian của chúng tôi”.
“Tấn công tài sản không gian của chúng tôi không phải là cách làm chùn bước Mỹ trong một cuộc chiến. Chúng tôi sẽ đảm bảo tài sản không gian luôn sẵn sàng hỗ trợ quân đội Mỹ”, ông Loverro cho hay.
Ông Loverro và các quan chức quốc phòng Mỹ lần lượt trình bày những kế hoạch chuẩn bị cho chiến tranh không gian trong phiên họp của Ủy ban Quân lực Hạ viên Mỹ trong tuần này, vạch ra kế hoạch chi 5 tỉ USD trong vòng năm năm tới để tăng cường phòng thủ trước những cuộc tấn công sử dụng tên lửa chống vệ tinh, vũ khí laser… nhắm vào các vệ tinh của nước này.
Đây là lần đầu tiên các quan chức Lầu Năm Góc công khai báo động về mối đe dọa từ Trung Quốc và vạch ra kế hoạch, chương trình nhằm đối phó với những mối đe dọa này.
Mối đe dọa chiến tranh không gian gia tăng
Trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc, đô đốc Cecil D. Haney, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, cho hay những cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh của Trung Quốc gần đây cho thấy mối đe dọa chiến tranh không gian ngày càng gia tăng.
Trung Quốc hồi tháng 7.2014 đã tiến hành thử nghiệm một tên lửa chống vệ tinh gọi là DN-1. Tên lửa này không để lại những mảnh vỡ không gian quy mô lớn như đợt thử nghiệm hồi năm 2007, theo The Washington Free Beacon.
Trung Quốc còn sở hữu một tên lửa chống vệ tinh thứ hai gọi là DN-2 được thử nghiệm vào năm 2013. Tên lửa DN-2 được thiết kế để bắn hạ các vệ tinh trong quỹ đạo Trái đất tầm thấp (200 đến 1.200 km bên trên bề mặt Trái đất).
Bắc Kinh, luôn công khai phản đối phát triển vũ khí hạt nhân, không hề công bố nước này đã tiến hành bắn thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh. Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn mô tả những cuộc thử nghiệm tên lửa này là thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo phòng thủ.
Một tên lửa đưa vệ tinh của Mỹ vào quỹ đạo - Ảnh: Reuters |
Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viên Mỹ Mike Rogers cho biết an ninh quốc gia Mỹ trong không gian đang đối mặt “với nhiều thách thức nghiêm trọng” và các hệ thống không gian rất đắt đỏ, nên phải đảm bảo tiền thuế dân đóng không bị lãng phí vô ích.
Tướng John E. Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Không quân hé lộ một số chương trình được thiết kế để bảo vệ các hệ thống không gian của Mỹ trước những cuộc tấn công, trong đó có hệ thống Cảnh báo Tình huống Không gian và Phối hợp Sứ mạng Không gian, bao gồm những hệ thống cảm biến trong quỹ đạo Trái đất ở tầm thấp và cao, có thể truy vết và phát những mối đe dọa tấn công tiềm tàng, truyền thông tin về mặt đất để có biện pháp quân sự đáp trả phù hợp.
Hai vệ tinh dùng cho những hệ thống này đã được đưa vào quỹ đạo hồi tháng 7.2014, theo ông Hyten.
Ông Hyten đề xuất tăng cường nhiều vệ tinh kích thước nhỏ để tạo thành “hàng rào vệ tinh” bảo vệ cho những vệ tinh lớn hơn, quan trọng hơn, đồng thời tăng cường sức bền vật liệu chế tạo vệ tinh để tăng “khả năng sống còn” trước những đợt tấn công.
Không chỉ riêng Trung Quốc, Nga cũng đang xây dựng kho vũ khí không gian của nước này, bao gồm các tên lửa chống vệ tinh tân tiến, máy bay săn vệ tinh có khả năng truy vết các vệ tinh của kẻ thù và tiêu diệt chúng.
Các quan chức Lầu Năm Góc hồi giữa tháng 3.2015 từng bày tỏ quan ngại Mỹ sẽ thua Nga và Trung Quốc trong cuộc chạy đua vũ khí không gian do cắt giảm ngân sách quốc phòng, theo tạp chí The Diplomat (trụ sở ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản).