Mưu sinh đầu nguồn lũ

Ông Út (bìa phải) dở dớn bắt cá.
Ông Út (bìa phải) dở dớn bắt cá.
TP - Năm nay nước lũ về sớm hơn mọi năm nhưng nguồn lợi thủy sản lại khan hiếm khiến cuộc sống người dân trở nên chật vật.

Đồng xa khan hiếm

Cánh đồng đầu nguồn lũ giáp biên giới Campuchia nước ngập mênh mông, đây là cơ hội để người dân đánh bắt cá mưu sinh. Đầu tháng 9, phóng viên Tiền Phong theo chân ông Nguyễn Văn Út ở thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên, An Giang) nơi đầu nguồn lũ sang Campuchia bắt cá. Vào sáng sớm, từ kênh Vĩnh Tế trên chiếc ghe gỗ cũ kỹ gắn máy Honda 5 ngựa băng qua cánh đồng mênh mông nước. Chạy hơn 1 km là đến địa phận nước bạn Campuchia, thuộc huyện Kiri Vong, tỉnh Tà Keo. Tiếp qua 2 trạm kiểm soát biên phòng của Campuchia rồi chạy dăm cây số là đến dớn của ông Út.

Đến nơi, ông Út nói: “Cá từ bên này đổ về Việt Nam, nếu ở đây không có cá nữa thì làm gì đồng nhà có cá”. Nói xong, ông nhìn bốn bề sông nước bảo: “Tôi thức từ 2 giờ sáng sang đây dở dớn một đợt rồi, dàn dớn dài hơn 2 cây số bắt chưa được chục ký cá linh và cá tạp”. Ông tiếp: “Bây giờ cá khan hiếm, ngày được vài chục ký là mừng. Nghề này khô áo ráo tiền, nên chẳng dư giả  gì”, ông Út than thở. Để được sang đây đặt dớn, vào tháng Tám ông đã đóng tiền cho lực lượng chức năng bên Campuchia 150 triệu đồng, ông Út cho biết.

Bắt đầu dở dớn đầu tiên. Ông Út ở phía sau lái ghe thò tay xuống nước mò lấy sợi dây buộc đáy dớn vào cây để mở ra rồi kéo lên đưa cho người trước mũi là anh Trung (làm thuê cho ông Út) rũ ráo nước. Sau đó, ông Trung dở đáy dớn cao khỏi mặt nước, bên trong dính được chừng nửa ký cá linh và cá tạp (lòng tong, tép, cua…). “Sống bằng nghề này ráng mà đeo chứ mỗi ngày mỗi khó”, ông Út than thở. Sau dớn thứ nhất, đến dớn thứ hai và nhiều dớn khác, cách nhau vài chục mét, lượng cá dính dớn không nhiều hơn.

Dở gần hết dớn của ông Út, gặp ông Trần Hữu Hoàng cùng con trai cũng loay hoay dở dớn. Ông Hoàng cũng than, thức từ nửa đêm đến giờ mà được vài ký cá tạp. Ông Hoàng năm nay 38 tuổi, gắn bó với nghề câu lưới hơn 25 năm ở xứ này. Ông kể, khoảng 7 năm trước, con cá linh đổ khô trong ghe bán cho cá mồi, bữa 1 - 2 tấn nhưng giờ kiếm đỏ mắt.

Theo lời ông Hoàng, năm nay làm tối ngày chưa khi nào được 100 kg. Hôm nào vô con nước nhiều lắm cũng tầm 60 kg là cùng. Ngày thường khoảng 10kg đến 30kg. “Muốn bắt con cá không phải chuyện dễ, có khi lặn 2 - 3 thướt nước, bất kể ngày đêm nhức lỗ tai dữ lắm. Nhiều lúc đêm hôm sóng gió không giăng câu lưới, ở nhà chịu đói chứ không dám ra đồng vì chìm ghe dễ chết. Ở đây tụi tôi là dân trong nghề, lội giỏi nhưng cũng cố lắm là bơi khoảng 1 km sẽ đuối vì sóng đánh vào mũi không thở được”, ông Hoàng tâm sự.

Bên hiên nhà cặp mé sông vót cây chằng đáy dớn, ông Lê Văn Xíu, 70 tuổi ở thị trấn Tịnh Biên người gầy nhom, đầu tóc bạc trắng đã gắn bó với nghề này hơn 30 năm. Năm nay gia đình ông đóng 40 triệu đồng để sang đây mua đồng đặt dớn. Ông Xíu chia sẻ: “Năm nay làm ăn khó lắm. Làm được tháng nhưng chưa lấy lại vốn. Đêm hôm bán được 500.000 đồng  đủ trả tiền góp và tiền ăn”. 

Nói về những ngày đầu qua Campuchia đặt dớn, ông kể, sang đó không đóng tiền sẽ bị bắt, nếu mình bị bắt phải đóng tiền phạt, làm bị phạt riết chịu không nổi. “Hễ mình làm ăn uy tín, đóng tiền đàng hoàng thì không ai bắt bớ gì cả chứ còn không thì… thua”.

Đồng nhà cạn kiệt

Chạy dọc theo các cánh đồng mênh mông nước giáp biên giới Tây Nam bắt gặp cảnh người dân nhộn nhịp đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là mặc dù lũ về sớm nhưng năm nay cá và các sản vật khác cũng lèo tèo, lác đác. Đang chài lưới, ông Trần Văn Lộc, 45 tuổi ở xã Phú Hữu (An Phú, An Giang) cho biết, hơn tháng nay, hằng ngày ông chài cá, đặt lợp ở đồng nhà kiếm sống đủ đắp đổi qua ngày.  

Dọc theo bờ sông Sở Thượng, ranh giới giữa Việt Nam với Campuchia, thuộc xã Thường Thới Hậu A (Hồng Ngự, Đồng Tháp) không còn bắt gặp cảnh xe chở cá linh chạy nhộn nhịp như nhiều năm trước. Ông Lê Văn Huy, Trưởng ấp Bình Hòa Thượng (xã Thường Thới Hậu A) nói rằng, năm nay cá ít nên nhiều người còn cất đáy trong nhà để xem tháng sau có cá về hay không mới đặt. Còn ông Ba Kiệt ở ấp Bình Hòa Thượng đấu thầu đặt hai miệng đáy và thuê 4 công nhân làm nhưng cả tháng nay cá ít, lỗ nên ông cho nghỉ 2 người, còn lại 2 người làm cầm chừng. Ông Ba Kiệt cho biết, trước đây mỗi lần lưới thu vài trăm kg là chuyện nhỏ nhưng giờ đó là giấc mơ. Ông Trần Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền (Hồng Ngự) thông tin, trước đây, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Xã có 12.000 dân ở độ tuổi lao động, trong đó, có hơn 8.000 người đi nơi khác làm thuê. Số lao động trong các ngành nghề nông nghiệp chiếm 40%.

Mưu sinh đầu nguồn lũ ảnh 1 Người dân ở cù lao Bảy Trúc hái bông điên điển.

Trắng đêm hái điên điển

Cù lao Bảy Trúc thuộc ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, huyện An Phú, nơi ngập sâu nhất ở An Giang. Phóng viên Tiền Phong có mặt ở cù lao này chứng kiến cảnh người dân vùng rốn lũ mưu sinh giữa bốn bề nước bao quanh bằng nghề hái bông điên điển giữa đêm khuya.

Sau 22 giờ, là lúc người dân cù lao Bảy Trúc bắt đầu ra đồng. Mỗi người với chiếc đèn đội đầu, bơi xuồng lần theo những gốc điên điển trong ánh sáng chập chờn. Bà Lê Thị Phòng, năm nay 54 tuổi đứng trước mũi xuồng nhấp nhô bơi xuồng ra cánh đồng cách nhà vài trăm mét rồi nhè nhẹ hái từng bông điên điển. Bà cho biết, điên điển hái ban đêm để đến mờ sáng thương lái tới nhà mua. Hái mỗi đêm khoảng 3 - 4 kg, bán với giá 12.000 đồng/kg, ngày kiếm vài chục ngàn dành dụm lo cho con cháu ăn học. “Nhà nào cũng hái nên ai cũng phải trồng chứ không còn mọc hoang như xưa nữa”, bà Phòng nói. Còn bà Đinh Thị Bích Phường bày tỏ: “Nghề này cực lắm vì phải làm suốt đêm, nếu hôm nào nghỉ thì hôm sau bông tàn”.

 Ông Nguyễn Văn Thặng tiết lộ, điên điển hái vào ban đêm còn giữ được hương thơm và vị ngọt nên bán được giá cao hơn bông nở. “Nghề này thức đêm cực lắm. Nhiều lúc tay vít cây xuống cứ nghĩ ngắt bông nhưng thực tế ngắt đọt do buồn ngủ”, ông Thặng kể.

Mưu sinh đầu nguồn lũ ảnh 2 Trẻ em ở cù lao Bảy Trúc đi học về.  Ảnh: Hòa Hội.

“Ốc đảo” hiếu học

Ở cù lao Bảy Trúc xung quanh bao bọc bởi nước lũ, nơi người dân hay gọi “ốc đảo” thì việc đi lại, học hành không còn con đường nào khác phải tự bơi xuồng, đối mặt với những hiểm nguy khi gặp nước xiết, giông gió… Tuy nhiên, những khó khăn ấy không làm cho trẻ em ở đây nản lòng. Tan giờ học buổi chiều, hàng chục em học sinh tập trung tại bến đò trong cơn mưa tầm tã, tay xách cặp, cầm áo phao ướt sũng rồi lần lượt bước xuống đò về nhà. Sau khi kiểm tra đủ học sinh, chủ đò cho rời bến chạy khoảng 2 cây số là đến cù lao. Em Lê Thị Thu Ngân, học lớp 6, trường THCS Phú Hữu nói: “Đò này mỗi ngày đưa 4 lần, em đi không tốn tiền lại an toàn và ba mẹ cũng không phải lo đưa đón. Bản thân em mong muốn được đến trường để sau này có việc làm ổn định phụ giúp gia đình”.

Dù sống ở khu vực khó khăn nhưng nhiều gia đình ở xứ cù lao này vẫn quyết chí nuôi con đến trường. Điển hình như gia đình ông Huỳnh Minh Trưng có 3 người con đỗ đại học.  Ông Trưng cho biết, dân ở đây nghèo khó lắm nên nuôi con ăn học rất cực khổ nhưng vẫn quyết tâm lo cho con ăn học đàng hoàng.

Anh Huỳnh Phước Hưng tốt nghiệp đại học ngành Kinh tế nông nghiệp ở Cần Thơ và hiện làm việc cho một công ty cũng tại Cần Thơ có dịp về thăm nhà, kể: Những năm học phổ thông, lũ lớn đi học bơi xuồng gặp giông gió phải kiếm bụi cây trốn đợi yên ắng mới bơi về. “Nhiều hôm nước chảy xiết, xuồng bơi chẳng được. Bỏ một buổi học khóc đỏ mắt. Chuyện đi học bơi xuồng bị chìm là chuyện thường. Khổ thế mình lại càng quyết tâm học giỏi để sau này có việc làm ổn định, thoát nghèo”, anh Hưng chia sẻ. 

“Tuy cuộc sống khó khăn, tứ bề bị nước bao quanh cô lập nhưng không vì thế mà trẻ em ở đây chán nản. Thay vào đó các em có tinh thần ham học, thể hiện qua số lượng học sinh đỗ đại học khá cao so với nhiều địa phương vùng sâu có hoàn cảnh như thế này”.

Ông Nguyễn Văn Điệu Chủ tịch UBND xã Phú Hữu chia sẻ

MỚI - NÓNG