Một thông tín viên đặc biệt

Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn đọc báo Tiền Phong
Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn đọc báo Tiền Phong
TP - Suốt những năm tháng tuổi trẻ, ông Nguyễn Đức Thìn, Anh hùng Lao động gắn liền với những trang báo Tiền Phong. Đọc báo Tiền Phong góp phần hun đúc trong ông khát khao thực hiện “Nghìn việc tốt”. Ông còn có thẻ “thông tín viên” của báo Tiền Phong.

Có thể nhịn đói, không thể nhịn báo Tiền Phong

 Trong một lần đến thăm di tích lịch sử Đền Đô ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), tôi có dịp gặp ông Nguyễn Đức Thìn, người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt” (ông được phong Anh hùng Lao động và Nhà giáo Nhân dân). Biết tôi là phóng viên báo Tiền Phong, ông hẹn đến nhà riêng để chia sẻ những kỷ niệm thời tuổi trẻ.

Căn nhà riêng của ông nằm gần UBND phường Đình Bảng. Ở tuổi 80, nhưng ông còn minh mẫn, khuôn mặt rạng ngời, toát lên niềm yêu cuộc sống. Ông say sưa kể về năm tháng tuổi trẻ với những tình cảm sâu đậm với báo Tiền Phong. Ông cho biết, mình sinh năm 1940 ở làng Đình Bảng, xã Đình Bảng trước đây. Năm 1958,  ông tốt nghiệp cấp 3 và được UBND xã cử làm tổ trưởng giáo viên dạy bình dân học vụ, tổ trưởng văn hóa thông tin. Tháng 9/1958, ông được kết nạp vào Đoàn và được bầu làm Bí thư chi đoàn thôn. Sau đó, ông làm Bí thư chi Đoàn trường cấp 1 Đình Bảng và sau này ông từng tham gia Thường vụ Trung ương Đoàn . “Từ khi tham gia công tác Đoàn, tôi bắt đầu biết đến báo Tiền Phong. Thời ấy, sách báo hiếm, đảng viên biết đến tờ báo Nhân Dân, còn thanh niên có tờ Tiền Phong”, ông Thìn nhớ lại.

“Tôi rất cám ơn báo Tiền Phong như một người thầy giáo, một đồng chí, một người bạn thân tình và rất trí tuệ. Tôi có thành công trong cuộc sống, trở thành Anh hùng Lao động và Nhà giáo Nhân dân cũng nhờ một phần đọc báo Tiền Phong”. 
Ông Nguyễn Đức Thìn

Ông Thìn cho biết thêm, thời điểm năm 1958, ông mới trông thấy Bí thư Đoàn xã  Đình Bảng có tờ Tiền Phong. Ông đọc thấy hay quá, rồi hỏi mua ở đâu. Lúc bấy giờ, tiền lương dạy học của ông có 27 đồng/tháng. Tiền ăn ông mất 18 đồng, chỉ còn 9 đồng nhưng ông vẫn quyết định đặt mua báo Tiền Phong. Anh hùng Lao động chia sẻ, lúc đó, ông và nhiều đoàn viên coi báo Tiền Phong là tờ báo không thể thiếu. Hôm nào có được tờ báo Đoàn này, ông và chi đoàn đọc kỹ. Từ những gì thu nhận qua Tiền Phong ông đề xuất phong trào “đọc và làm theo báo Tiền Phong” ở trường học. Ông duy trì phong trào này từ 1958 – 1975. “Tôi thấy báo Tiền Phong là chuẩn về tư tưởng, không sợ bị sai lệch, cứ tham khảo bài viết trên báo mà làm theo. Ngày ấy, chúng tôi có thể nhịn đói, nhưng vẫn phải đọc báo. Có khi đến giờ ăn, chúng tôi vẫn cố nán lại đọc báo Tiền Phong”, ông Thìn kể.

Cầm trên tay báo Tiền Phong hôm nay, ông Thìn bảo, tờ báo này đã gắn liền với tuổi trẻ của thế hệ ông, một thời thanh niên sôi nổi. Báo Tiền Phong kể chuyện những con người có bản lĩnh, Đoàn viên gương mẫu, nhất là gương thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa và chiến sĩ chiến đấu anh dũng. Qua đọc báo, đầu giường ngủ, ông ghi mảnh giấy với dòng chữ: “Sống và làm việc vì chủ nghĩa xã hội”.

Một thông tín viên đặc biệt ảnh 1 Ông Nguyễn Đức Thìn vẫn cộng tác viết bài cho nhiều báo


Ông kể tiếp, thời ấy, ăn chưa no, mặc chưa đủ và chưa đẹp, nhưng tinh thần luôn phơi phới. Chính những bài báo trên Tiền Phong cỗ vũ cho nhiều thanh niên thế hệ ông ý thức sống, nghị lực vươn lên, say mê sáng tạo. Tuổi trẻ ngày ấy dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, với một tinh thần làm chủ tập thể. Tổ chức giao nhiệm vụ, ông và các đoàn viên suy nghĩ hoàn thành gấp 10 lần mục tiêu được giao. “Đến bây giờ, những bài báo đăng trên Tiền Phong viết về “Thời thanh niên sôi nổi” vẫn còn sức cuốn hút, động viên tôi và nhiều thanh niên thời đó về niềm tin với Tổ quốc và nhân dân”, ông Thìn tâm sự. 

Kể đến đây, ông xúc động hát cho tôi nghe những ca khúc về những ngày tháng đó. “Có một thời tôi đã hát. Là người tôi sẽ chết cho quê hương. Tôi lên đường đi bảo vệ tổ quốc. Một đời vì hạnh phúc nhân dân. Và hôm nay trên mảnh đất quê hương. Tôi lại hát bài hát từ trái tim. Là người, tôi sẽ sống cho quê hương. Là người, tôi sẽ sống cho yêu thương”.

Trở thành thông tín viên của Tiền Phong

Ngồi trong căn phòng tư liệu của gia đình, lật dở những trang sách trong cuốn tự truyện về cuộc đời mình, ông Thìn trầm ngâm, rồi bảo: Báo Tiền Phong củng cố cho ông niềm tin với Đảng, với Đoàn. Vì có lúc, ông gặp không ít thử thách trong cuộc sống, nhưng vẫn tin tưởng vào cách mạng. Ông kể, khi ông xin kết nạp vào Đảng, ông bị vướng lý lịch. Những năm tháng chiến tranh chia cắt hai miền đất nước, mẹ ông ở Sài Gòn và gia đình từng là địa chủ. Bởi vậy, khi ông nộp đơn vào Đảng gặp ngay trục trặc về lý lịch. Ông vẫn có nguyện vọng trở thành đảng viên và đi theo cách mạng. Ông vẫn tiếp tục nộp đơn xin vào Đảng. Đến năm 1965, ông được kết nạp Đảng.

Cũng từ những tấm gương trên báo Tiền Phong đã giúp ông vượt qua nghịch cảnh, vươn lên làm “Nghìn việc tốt”. Có những điển hình tiên tiến đăng trên báo Đoàn khiến ông nhớ mãi. Đó là ông Phùng Văn Bằng, người gác đèn biển ở cửa Nam Triệu (thành phố Hải Phòng). Ông ấy nói trên Tiền Phong rằng: “Sóng gió của cuộc đời như sóng biển, không bao giờ hết được. Điều quan trọng nhất là phải vượt lên sóng gió đó và đi tới đích”. Ông Thìn viết câu đó vào sổ tay và luôn ghi nhớ.

Sau này, ông Thìn gặp nhiều khó khăn, thử thách cuộc đời. Mỗi lần như thế, ông lại nhớ đến câu nói trên để vươn lên. “Năm 39 tuổi, tôi phải vào bệnh viện Quỳnh Lập (Nghệ An) điều trị bệnh phong. Nhớ đến câu nói của ông Phùng Văn Bằng, tôi quyết tâm vượt lên bệnh tật. Suốt 4 năm điều trị ở bệnh viện, tôi không để phí một ngày nào, luôn suy nghĩ và làm việc tích cực”, ông Thìn chia sẻ.

Cũng từ đọc báo Tiền Phong ông dần dần thích viết báo, rồi ông trở thành thông tín viên của báo. Bài báo đầu tiên ông được đăng trên mục “Sinh hoạt tư tưởng” viết về việc lòng tốt bị lạm dụng. Bài đăng chỉ vài trăm chữ, ông được trả 2 đồng nhuận bút, trong khi lương cả tháng được 27 đồng. Đến năm 1961, ông được cấp thẻ thông tín viên Tiền Phong. Ông duy trì cộng tác với báo Tiền Phong cho đến đầu những năm 1980.  “Ngày ấy, ai được cấp thẻ thông tín viên của báo Tiền Phong đều cảm thấy vinh dự lắm”, ông Thìn tâm sự.

Cộng tác viết báo giúp ông có tư duy, kỹ năng để viết sách. Năm 2007, ông viết cuốn tự truyện về cuộc đời mình trong vòng 2 tháng và được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành (cuốn sách tái bản 8 lần). Đến nay, ông xuất bản 15 đầu sách. Hiện, ông vẫn giữ thói quen đọc báo, trong đó có báo Tiền Phong. Hiện ông vẫn viết bài cộng tác cho báo Bắc Ninh, Tạp chí Người Cao Tuổi, Tạp chí Văn Hiến. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.