Nghe Vũ Huyến 'chém gió'

Phóng viên tác nghiệp bên lề Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Phóng viên tác nghiệp bên lề Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - 90 phút cà phê cùng nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh, nhà báo Vũ Huyến, chúng tôi được nghe ông trải lòng về nhiếp ảnh, về cuộc sống với góc nhìn của người làm báo lúc nào cũng cháy bỏng đam mê và luôn lạc quan, yêu đời, yêu nghề...

PV:  Xin chào nhà báo Vũ Huyến! Ở tuổi “cụ” rồi mà sao lúc nào, ông cũng “sôi sục”, rộn rã như thanh niên vậy?

Nhà báo Vũ Huyến: Thanh niên thì cũng chẳng thanh niên lắm đâu. Bảy lăm, bảy sáu rồi. (Cười sảng khoái).

Ở “mặt trận” nào cũng thấy nhà báo Vũ Huyến tràn đầy năng lượng, rộn rã tiếng cười,… ông có bí quyết nào đón nhận cuộc sống với tinh thần tích cực như vậy?

Tôi không có bí quyết gì cả, chỉ có phương châm sống là… VAC. Đừng nhầm VAC là “vườn, ao, chuồng” nhé!. V là vận động. Tôi luôn thích vận động, hoạt động. Mấy chục năm qua, ngày nào tôi cũng chạy bộ, đi bộ cả chục cây số. A là ăn uống. Ăn uống cần điều độ hợp lý. Không phải cứ mâm cao cỗ đầy, nhà hàng sang trọng mới là ngon. Mình luôn ăn uống theo cảm hứng, lắng nghe nhu cầu của cơ thể. Hôm qua uống hơi nhiều, hôm nay cần nghỉ, vậy thôi. Còn C là gì? Đó là cân bằng. Cân bằng trong trạng thái. Cân bằng trong cuộc sống. Trong quay phim, chụp ảnh cũng có “cân bằng trắng”, nghĩa là sáng quá cũng không được, tối quá cũng không xong!

Nghe Vũ Huyến 'chém gió' ảnh 1

Nói đến nhiếp ảnh, nếu so sánh phóng viên ảnh thời chụp phim và thời nay, có những điểm khác biệt nào, thưa ông?

Thời xưa, phóng viên ảnh mỗi lần bấm máy đều rất cân nhắc, rón rén vì phim có hạn. Nếu anh chuẩn bị không tốt, mỗi lần bấm máy là mất đi một tấm phim. Mà phim lúc đó rất quý. Phóng viên ảnh ngày xưa vất vả hơn nhiều, vì chụp xong phải lo tráng phim, rửa ảnh, có khi mất cả ngày, cả buổi. Làm xong ảnh lại lo tới bảo quản phim, làm sao để không bị ẩm mốc, rất khổ.

Bây giờ, thời đại kỹ thuật số, anh em đỡ vất vả hơn rất nhiều, máy móc thiết bị hiện đại, thẻ nhớ mấy GB là chụp cả ngàn tấm ảnh không phải suy nghĩ; tốc độ, khẩu độ máy cũng có thể tự điều chỉnh; lưu trữ cũng thuận lợi hơn nhiều, đó là lưu trong máy tính, lưu trên “đám mây”... Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, anh em bây giờ có vẻ cũng dựa vào công nghệ hơi nhiều, cứ bấm ào ào cho xong. Chụp xong cũng quăng vào đâu đó chứ không làm ảnh, phân loại… lưu trữ khoa học.

Có ý kiến cho rằng, thời nay có thiết bị tốt sẽ có tác phẩm tốt, chụp chưa tốt thì đã có photoshop?

Về cơ bản, tôi không đồng ý quan điểm này.

Thứ nhất, thiết bị tốt chỉ có thể hỗ trợ người chụp chứ không hỗ trợ bố cục, ý tưởng hay nội dung ảnh. Tôi vẫn thường nói với anh em, không có ống zoom nào bằng “zoom chân”. Nhiều tác phẩm ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật được tạo nên bởi những những chiếc máy ảnh rất bình thường, thậm chí là từ điện thoại.

Còn về photoshop, tôi cho rằng photoshop cũng tốt, nhưng đó là những bức ảnh chụp chơi chơi, phong cảnh hay lưu niệm. Với ảnh báo chí, tôi phản đối sử dụng photoshop. Người ta vẫn nói, “Có làm gì đâu, tôi chỉ thay mây cho bức ảnh đẹp hơn chút thôi mà”. Tôi không cần mây đẹp! Bầu trời trong bức ảnh có thể xám xịt. Có sao đâu? Mặt chị lao công có thể hơi tối, anh thợ điện có khuôn mặt cháy nắng hay lấm lem dầu mỡ, có sao không? Bức ảnh ấy, với ai đó có thể không thuận mắt, không đẹp, nhưng tôi lại thích, vì đó là sự thật. Có giá trị chân thực mới là ảnh báo chí. Ở Mỹ, người ta đã có công cụ để biết rằng, anh đã tác động vào bức ảnh như thế nào, thêm bớt những gì và thêm bớt vào ngày, giờ nào…

Thưa ông, ngoài chuyện photoshop, nhiều tòa soạn đăng những bức ảnh khá giống nhau vì các phóng viên cùng chen chân dự một sự kiện, hội nghị, họp báo kể cả ảnh một vụ cháy nổ nào đó cũng na ná, thậm chí giống nhau như đúc...

Đúng là có chuyện ảnh na ná, tin na ná nhau xuất hiện trên nhiều tờ báo. Điều này có thể vì cơ quan, đơn vị tổ chức sự kiện mời cùng lúc nhiều tờ báo, nhưng cũng có hiện tượng các nhóm PV chia sẻ thông tin và cả hình ảnh cho nhau. Nghĩa là, một PV nào đó có thông tin thì lập tức chia sẻ cho người khác; lần sau anh ta sẽ được PV khác chia sẻ lại. Điều này có lợi cho các phóng viên, nhưng có thể sẽ làm cho người đọc nhàm chán khi phải tiếp nhận những thông tin giống nhau ở những tờ báo khác nhau. Ở nước Anh, người ta quan niệm, nhà báo phải đến những nơi mà người ta không mời, vì thế mới gọi là săn tin. Ở mình nhiều khi nhà báo có sẵn tin, phóng viên ảnh cũng có sẵn ảnh, chỉ việc đăng thôi...! (Cười)

Nghe Vũ Huyến 'chém gió' ảnh 2 Ảnh: Hồng Vĩnh
Một số phóng viên khi viết bài thường chỉ chụp ảnh chiếu lệ, phải chăng chính bản thân họ cũng không kỳ vọng về những bức ảnh báo chí ra hồn ra vía?

Nhiều tòa soạn có phóng viên chuyên ảnh thế nên phóng viên viết nhiều khi cũng hơi lười chụp và cũng không để tâm lắm đến chất lượng những bức ảnh. Tôi cho rằng đó là sai lầm. Chúng ta cũng không nên tự giới hạn mình.

Có những bức ảnh giá trị hơn nhiều câu chữ. Chúng ta đã quen cầm máy và khoảng cách giữa bức ảnh tốt với bức ảnh “gọi là có ảnh”  không phải quá xa, nếu chúng ta để tâm hơn, cân nhắc hơn trước khi bấm máy. 

Tham gia Ban giám khảo, Ban tổ chức, Hội đồng nghệ thuật nhiều cuộc thi ảnh, không ngừng đi, không ngừng bấm máy, thậm chí mọi người còn thấy ông “chém gió” ở nhiều diễn đàn. Vậy khi nào ông mới thực sự nghỉ hưu?

Hưu trong chữ Hán gồm bộ “nhân” và bộ “mộc” hợp thành, nghĩa là người ngồi nghỉ bên gốc cây. Nếu có thấy tôi ngồi dưới gốc cây, lúc đó chắc đang “ủ mưu” ra một cuốn sách, hay triển khai một ý tưởng nào đó! (Cười). Cuộc sống như một chuyến tàu và tôi đã nghĩ đến việc khi nào mình phải xuống ga và làm cái việc người nào cũng phải làm và ai cũng thành công, đó là trở về cát bụi. Khi người ta nhắm mắt xuôi tay là mọi đam mê sẽ dừng lại. Còn bây giờ, tôi vẫn đang ngồi trên tàu, cứ phơi phới mà sống với những đam mê của riêng mình.

Xin cảm ơn ông!

Nhà lý luận phê bình, nhà báo Vũ Huyến:

Sinh năm 1944

Tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh

“Tôi luôn nghĩ, có 2 loại quyền lực: Quyền lực từ năng lực và quyền lực từ chức vụ. Một nhà báo giỏi, không cần chức vụ vẫn có quyền lực từ những tác phẩm của mình”. Nhà báo Vũ Huyến

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.