Nghĩa tình Đỗ Phấn

Tranh con giống của Đỗ Phấn từng làm bìa báo tết Tiền Phong Chủ Nhật
Tranh con giống của Đỗ Phấn từng làm bìa báo tết Tiền Phong Chủ Nhật
Nếu ai từng dạo qua fanpage của họa sỹ Phạm An Hải, một trong những họa sỹ ăn khách hiện nay sẽ biết một bức tranh con giống trong dịp Tết anh chào bán không dưới 2.000 USD. Đỗ Phấn cũng là một họa sỹ “số má” trong giới hội họa, anh vẽ khoảng vài chục con giống mỗi dịp hoa đào nở, cho Tiền Phong Chủ Nhật chọn một trong số đó để làm bìa báo Tết. Sự ưu tiên ấy đã kéo dài chục năm nay như một điều không tưởng.

Chuyện thế này: Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Đỗ Phấn lại vẽ mấy chục con giống, có năm vẽ tới cả trăm con giống, để bán, để tặng bạn bè. Đỗ Phấn vẽ nhiều đề tài, nude cũng là sở trường của anh. Nhưng đừng bị nude của Đỗ Phấn ám ảnh, anh vẽ con giống cũng hay không kém, ít nhất cũng đã có đến 30 mùa xuân vẽ Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi… Trước khi đàn giống của Đỗ Phấn được mang bán, hoặc mang tặng, anh cho phép nhà văn, nhà báo Lê Anh Hoài, Phụ trách Ban Chuyên đề, được chọn trong số đó một con ưng ý nhất để làm bìa báo tết Tiền Phong Chủ Nhật. Khoảng chục năm nay, bìa báo Tết của Tiền Phong Chủ Nhật luôn là tranh con giống của Đỗ Phấn. Đây là một sự ưu tiên đặc biệt của họa sỹ nổi tiếng dành cho báo Tiền Phong. Vì được chọn trong số lượng lớn 30,40 con giống hoặc hơn nữa để tìm ra một bức ưng ý nhất làm bìa báo, nên bìa báo tết của Tiền Phong Chủ Nhật không bắt mắt mới lạ: “Hình đó là hình độc quyền cho Tiền Phong. Tôi không dùng ở bất cứ đâu, không cho ai chụp ảnh, tôi còn dặn Hoài, quyết con nào phải báo tôi ngay, để tôi giữ lại”.

Nghĩa tình Đỗ Phấn ảnh 1 Chân dung Đỗ Phấn

Nhuận bút của bìa báo tết chắc chắn thua xa giá một bức tranh con giống của Đỗ Phấn bán trên thị trường. Điều này khỏi phải nghi ngờ. Vì sao Đỗ Phấn ưu ái Tiền Phong đến vậy? Anh không thuộc kiểu người thích đánh bóng, khoe tên. Vì tên đã có, chưa lúc nào chìm. Hay Đỗ Phấn dễ tính, lại “xông xênh”, nên ai xin tranh làm bìa báo tết anh cũng dễ dàng đồng ý? Hình như không phải. Một năm tiền họa phẩm cũng ngốn của anh cỡ đôi trăm triệu đồng. Ít gì đâu! Thời hoàng kim cứ mở triển lãm tranh là bán rào rào cũng đã đi vào dĩ vãng. Đỗ Phấn không khoe thời đỉnh cao anh bán được bao nhiêu tranh trong một năm, còn bây giờ mỗi năm anh túc tắc “ủn” đi khoảng 4,5 bức, đủ chi phí họa phẩm và đủ để anh sống vui. Thế thôi.

Những năm gần đây, Đỗ Phấn chỉ vẽ bìa báo tết cho Tiền Phong Chủ Nhật. Anh không nhận của bất kỳ tờ báo nào: “Trước đây tôi cũng vẽ cho vài tờ nữa. Nhưng vấn đề là quan niệm của nhiều tờ báo về bìa báo không phù hợp với tôi, thí dụ nhất định phải có phong cảnh, có phụ nữ xinh. Hay có tờ lại đề nghị vẽ tranh mang tính cổ động… Mấy thứ đó quá dễ với tôi, nhưng làm kiểu đó tôi chán. Nó không còn là sáng tác của tôi. Người ta đặt hàng tôi những thứ không nằm trong tư duy sáng tạo của tôi nên tôi từ chối hết”, họa sỹ chia sẻ. Anh đánh giá, bìa báo tết của Tiền Phong Chủ Nhật “đang có “chân dung” riêng, không giống bất cứ bìa báo nào hiện nay”. Anh vui vì bìa báo tết của Tiền Phong Chủ Nhật  từng có năm đoạt giải bìa đẹp. Đã từng có ý kiến, bao nhiêu năm đằng đẵng, bìa báo tết luôn là tranh Đỗ Phấn liệu có “một màu” không? Tác giả của bìa báo tết Tiền Phong Chủ Nhật cười: “Không phải nhất quyết một người vẽ thì mang phong cách không đổi. Tuy một người vẽ nhưng mỗi năm mỗi khác. Năm nay nhiều mảng đặc rất to, năm sau lại thưa thoáng. Năm nay đi vào cụ thể giải phẫu con vật, năm sau cách điệu hóa… Phong cách vẽ của tôi nhất quán, song mỗi năm đều đổi khác ghê gớm”. Đến đây, Đỗ Phấn ngừng một lát, mới tiếp tục bằng giọng chậm rãi: “Cô tưởng tượng xem, họa sỹ khác vẽ bìa báo thì họ vẽ duy nhất một cái, nếu lãnh đạo báo không duyệt, cùng lắm vẽ cái thứ hai, không bao giờ vẽ đến cái thứ ba. Không ai lại vẽ đến 30 cái, 40 cái như tôi cả. Nó là một thứ tình nghĩa rất lâu”. Thì ra, trước đây Đỗ Phấn từng làm ở Báo Thiếu Niên Tiền Phong một năm khi mới ra trường: “Chung “nhà” 15 Hồ Xuân Hương với các cô đấy, hồi đó là năm 1979-1980”, anh “bật mí”. Cha anh chính là Mộ Thanh, một chiến sỹ cộng sản kiên trung từng bị thực dân Pháp bắt năm 1939, bị kết án khổ sai chung thân tại nhà tù Sơn La năm 1940. Cha Đỗ Phấn từng có thời gian công tác ở báo Tiền Phong, sau đó sang làm Tổng biên tập Nhà xuất bản Thanh Niên.

Nghĩa tình Đỗ Phấn ảnh 2  

Đỗ Phấn là một nghệ sỹ đa tài. Anh không chỉ nổi tiếng trong làng hội họa. Dù chỉ coi văn chương như một trò giải trí nhưng Đỗ Phấn để lại dấu ấn khiến người xem văn chương là nghiệp cũng phải nể. Anh là tác giả của 28 đầu sách, đa dạng về thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn… Văn Đỗ Phấn có màu sắc riêng, có mảng, miếng độc đáo. Một lần ngồi ăn trưa với nhà văn Bảo Ninh ở một quán chuyên phục vụ đồ Tây. Chúng tôi ngồi gần cửa sổ trông ra ngoài đường phố, Bảo Ninh nhắc tới Đỗ Phấn và chắc chắn rằng, chỉ có Đỗ Phấn mới biết rành rẽ lịch sử của con đường này, thậm chí tuổi đời của cái cây bên đường kia. Hiểu Hà Nội xưa như Đỗ Phấn, liệu còn mấy ai? Ngoài vẽ bìa báo Tết cho Tiền Phong Chủ Nhật, Đỗ Phấn còn viết nhiều bài độc quyền cho tờ báo cuối tuần này. Tại sao Đỗ Phấn thích viết báo? Anh đáp: “Cộng tác với báo chí mang lại niềm vui. Vui vì mình bắt đầu có một tư duy khác ngoài tư duy hình với nét, với màu sắc, ánh sáng, nếu cứ kéo dài sẽ rất mệt đầu. Việc viết báo còn giúp tôi tiêu bớt thời gian thừa. Tôi là nghệ sỹ tự do đã 31 năm nay, tức là đã 31 năm ở nhà rồi”. Còn đây là lí do vì sao Đỗ Phấn không đăng truyện ngắn trên báo Tiền Phong: “Dung lượng chữ của truyện ngắn trên báo ít quá, khoảng 3000 chữ trở lại. Những nhà văn khác dễ dàng viết trong sự kiểm soát lượng chữ. Còn tôi viết  chơi, viết khoái thôi, nên không để ý chữ. Kệ”. Anh  bật mí: “Đến nay tôi chỉ còn đọc vài tờ báo, trong đó có Tiền Phong. Ngày nào tôi cũng đọc Tiền Phong điện tử”.

Khi vẽ bìa báo Tết hoặc viết báo cho Tiền Phong, Đỗ Phấn có nghĩ đến nhuận bút? “Tôi không bao giờ để ý chuyện đó. Những việc viết bài báo hay làm bìa báo Tết chỉ là một phần nhỏ trong công việc hằng ngày của tôi. Thực ra tôi viết báo rất nhiều, ai lấy hộ thì lấy, không thì vẫn để nguyên đó. Như tôi viết cho Văn Nghệ Quân Đội, đã 5,6 năm nay còn chưa đến lấy nhuận bút. Tự dưng đi lên tận đó lấy vài triệu đồng, rồi rủ nhau đi ăn uống cũng hết luôn số ấy, lại mất thì giờ”. Đỗ Phấn là thế đó! 

Họa sỹ tiết lộ, con rắn, con rồng là những con giáp anh thấy khó vẽ. Đưa con khỉ lên bìa báo tết cũng là một thách thức với Đỗ Phấn. Có câu: “Nhăn nhó như khỉ ăn gừng” nhưng khỉ của Đỗ Phấn không mang đến cảm giác u ám, làm mùa xuân mất vui như thế. Ngoài tư duy hiện đại, mới mẻ về con giống, họa sỹ còn lựa chọn những màu sắc tươi sáng, ấm áp khi thực hiện bìa tết cho Tiền Phong Chủ Nhật.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.