Mỹ Hạnh: Với tôi, Phú Quang không 'khôn'

Mỹ Hạnh đã bền bỉ với âm nhạc Phú Quang gần ba chục năm qua
Mỹ Hạnh đã bền bỉ với âm nhạc Phú Quang gần ba chục năm qua
TP - Mỹ Hạnh, một trong số ca sĩ ruột của Phú Quang nhận định về âm nhạc của anh và kể đôi chuyện hậu trường…

Các nghệ sĩ nổi tiếng chính là những nhân vật báo chí không thể thiếu, xuất hiện trở đi trở lại trên mặt báo.

Trong bài phỏng vấn dưới đây, ca sĩ Mỹ Hạnh nói về âm nhạc và con người Phú Quang - một nhạc sĩ nhiều đóng góp nhưng hiện phải chống chọi với bệnh tật, giống như Phó Đức Phương. Dịp 21/6 này nói đến họ là nói đến những nhân vật thu hút độc giả, đồng thời như lời động viên các nghệ sĩ vượt qua khó khăn để trở lại với khán giả, với bạn đọc.

Mỹ Hạnh: Với tôi, Phú Quang không 'khôn' ảnh 1 Ca sĩ Mỹ Hạnh, ca sĩ Thái Châu và nhà báo Nguyễn Minh Đức (từ phải qua) làm giám khảo trong chương trình “Hãy nghe tôi hát” chủ đề nhạc Phú Quang, của Đài TH Vĩnh Long.

Mỹ Hạnh  đến với âm nhạc Phú Quang như thế nào?

Rất tình cờ thôi. Năm 1991 tôi tham gia Cuộc thi Đơn ca Nhạc nhẹ Toàn quốc, theo qui định phải hát một bài về Hà Nội. Trước đó tôi chưa bao giờ hát nhạc Phú Quang, nên dù Em ơi Hà Nội phố rất hay nhưng lúc đó trẻ quá mới 19 tuổi, chưa cảm được hết về một bài hát như vậy. Đắn đo giữa Em ơi Hà Nội phố với Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp, cuối cùng tôi chọn Em ơi Hà Nội phố, bén duyên với nhạc anh Quang từ đó.

Trước Mỹ Hạnh, nhiều người đã hát bài này rất hay: Lệ Thu, Hồng Nhung, Cẩm Vân… Hạnh làm thế nào để thành công ngay như vậy (ẵm giải Nhất cuộc thi rất chất lượng này)?

Tôi sinh ở Hà Nội, ba cũng làm nghệ thuật nên gia đình sống trong Khu Văn công Mai Dịch, cùng với gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng, Thuận Yến… Năm 1975 cả nhà về Nha Trang sống vì ba vốn là một cán bộ người Nha Trang tập kết. Nên năm 1991 đi thi chính là lần đầu tôi trở lại Hà Nội sau thời gian dài xa cách.

Về Hà Nội, về lại Khu Văn công Mai Dịch, tôi thấy trào dâng cảm xúc. Lúc đó còn trẻ, dù đã hát ở Đoàn Hải Đăng nhưng chưa có kỹ thuật nhiều. Có lẽ tình cảm đã khiến mình hát được như vậy. Và lúc đó hát thì hát thôi nhưng không biết gì về tác giả cả. Khoảng 1993- 1994 tôi bắt đầu được anh Quang mời hát các chương trình của ảnh và làm việc thường xuyên từ đó tới nay.

Em ơi Hà Nội phố có thời gian đi đâu cũng nghe, không chỉ Hà Nội và Sài Gòn đâu. Còn cách để có nét riêng, đầu tiên đó là tôi muốn hát ba lần “ta còn em” không lần nào giống lần nào, và hát tiết chế chứ không khoe giọng. Nếu là Khúc mùa thu, Đâu phải bởi mùa thu thì sẽ khoe giọng còn bài này thì không.

Mỹ Hạnh: Với tôi, Phú Quang không 'khôn' ảnh 2 Mỹ Hạnh rất thành công với các ca khúc Phú Quang: Em ơi Hà Nội phố, Sinh nhật đen...

Hạnh hát “Sinh nhật đen” và các bài khác của Phú Quang cũng rất hợp. Hạnh cho rằng nhạc Phú Quang có nét riêng nổi bật là gì?

Sinh nhật đen là bài hát đặc biệt với Hạnh, anh Quang viết bài đó xong yêu cầu Hạnh thu đúng sinh nhật ảnh, 13/10, cách đây lâu lắm rồi, mà ông xã Hạnh cũng sinh 13/10 nên không thể quên (cười).

Bài đó theo Hạnh biết, lời cũng của anh Quang, viết về kỷ niệm buồn, u ám lắm của ảnh, nên mới gọi là Sinh nhật đen, nhưng Hạnh không tiện hỏi thêm. Lần thu đó đặc biệt lắm, thu live tại phòng thu nhà anh Quang. Việt Anh đệm piano cho Hạnh.

Trong mỗi bài hát đều có những câu chốt. Với Sinh nhật đen, câu chốt là chơi vơi (Chơi vơi chơi vơi chẳng nhận ra mình. Và Hạnh không muốn đổi đại từ nhân xưng anh thành em). Anh Quang dặn, em phải hát thế nào cho ra được sự trống rỗng đến tận cùng. Lần đó thu rất khó, và nói chung hát cho anh Quang rất khó. Ảnh không bắt ép phải thế nọ thế kia nhưng có lúc nói Em không hiểu gì hết thì sao hát được. Còn Hạnh biết là phải hát cho ra được sự trống rỗng nhưng thế nào là trống rỗng? Mình đã cố làm theo chỉ dẫn của ảnh và cảm nhận riêng của mình, không biết khán giả nghe thế nào nhưng cuối cùng ảnh hài lòng. Bài này thỉnh thoảng Hạnh lại hát, lần gần đây nhất là năm kia, ở Hà Nội.

Hạnh hay hát nhạc tình, vì thế mà cộng tác với anh Quang rất nhiều. Nhiều bài hát của ảnh không hề nhắc đến Hà Nội nhưng nghe là biết ngay là viết về Hà Nội, có lẽ vì anh yêu Hà Nội quá.

Anh Quang phổ thơ rất hay, và thường thì các bài thơ ảnh chọn phổ đều có đặc trưng về Hà Nội, chỉ mang hơi thở phương Bắc chứ không có phương Nam bao giờ. Hạnh đi hát từ năm một chín tám mấy, thấy người ta viết khác, ít nhạc tình cảm và ít lãng mạn. Đến anh Quang thấy nhạc rất lãng mạn rất tình, cộng với ca từ làm cho bài hát rất đẹp. Nhạc anh Quang có một chút xíu Nga một chút Pháp…

Mỹ Hạnh: Với tôi, Phú Quang không 'khôn' ảnh 3 Nhạc sĩ của Hà Nội đang ở khúc cua định mệnh hiểm nghèo

Phong cách làm việc của Phú Quang có gì đặc biệt theo cảm nhận của Hạnh?

Về cách hát, ảnh không bắt mình phải kỹ thuật thế nào, chuẩn xác ra sao nhưng chỉ cần sai một nốt hoặc sai lời là không được. Có hôm sức khỏe không tốt khiến mình hát chênh nhưng nếu cố tình hát phiêu thì không được với anh Quang.

Làm việc với các nhạc sĩ, Hạnh quí nhiều người. Với anh Quang, điều đầu tiên Hạnh rất tôn trọng, đó là ảnh không bao giờ để cuộc làm việc mang ý nghĩa tiêu cực, để tiền bạc hay tình cảm hoặc lý do riêng tư chen vào. Không ưu ái ai đặc biệt để dẫn tới những điều không tốt cho công việc.

Điều thứ hai mình quí là chất nghệ sĩ của ảnh, nhiều đấy. Có thời gian ảnh mở phòng trà Catinat trong Sài Gòn nhưng cách làm thì nghệ sĩ quá, khó thành công. Hạnh có hát ở Catinat và cũng có mở Phòng trà 2B nên biết.

 Phú Quang có tiếng khôn ngoan trong giới nhạc mà?

Không biết ảnh khôn thế nào hoặc đối với người khác thế nào nhưng với Hạnh thì có thể kể chuyện này. Trong giai đoạn đi hát về sau, Hạnh không phải lo cơm áo gạo tiền nên khi ảnh mời tham gia chương trình thì mình luôn không đặt nặng chuyện cát- sê. Nếu là người như mọi người nói là khôn, thì sẽ nắm lấy điều đó, bởi đã được mở đường như vậy, nếu là chị, chị cũng vui quá chứ, thấy dễ dàng. Nhưng đến lúc thanh toán, anh Quang luôn biết giá trị của ca sĩ. Như thế tôi nghĩ không phải khôn đâu. Còn về chuyện ai đó nói khôn? Sao không nghĩ ồ tôi không khôn thì tôi chết với anh à? Trong đời, có những người ta gặp, ta không cần khôn mà vẫn sống rất tốt, tùy vào cách đối xử với nhau.

 Nghe Mỹ Hạnh hát thấy giọng ngày càng trầm, vẫn hay như xưa. Nhan sắc chưa có biểu hiện phôi pha. Nhưng lại quá kén chọn?

Tuổi tác của ca sĩ là một yếu tố khiến giọng hát ngày càng trầm hơn. Ở bên này và bên Mỹ, Hạnh vẫn đi hát nhưng đúng là phải lựa dữ lắm, vì  không phải ai cũng làm nghiêm túc. Hát lip (lip- sync, tức nhép) nhiều lắm. Mà mình thì cũng không cần phải quá lo mưu sinh nữa…

Ca sĩ Mỹ Hạnh tên thật là Trần Thị Mỹ Hạnh, cha người Nha Trang, mẹ người Quảng Trị. Hiện Mỹ Hạnh sống ở hai nơi- Mỹ và Sài Gòn. Nổi lên từ Giải Nhất Cuộc thi Đơn ca Nhạc nhẹ Toàn quốc 1991 với ca khúc Em ơi Hà Nội phốMưa ngâu. (Cuộc này, Thanh Lam đoạt Giải Lớn còn Mỹ Hạnh và Hồng Nhung đồng giải Nhất. Giải Nhì: Ngọc Sơn, Thùy Dung, Y Moan).

“Điều mình tiếc là nhiều bài của anh Quang rất hay nhưng lại không  phổ biến lắm. Ví dụ “Trong miền ký ức”, “Trong ánh chớp số phận”… Khán giả của anh Quang chỉ muốn sống với những bài cũ nên ảnh muốn đưa bài mới cũng khó, bị áp lực còn ca sĩ dù muốn hát mà khán giả không chịu. Nếu lần này Hồng Nhung hát “Em ơi Hà Nội phố” thì lần sau sẽ là Mỹ Hạnh, lần tới là Ngọc Anh. Chừng đó bài mấy đứa đổi qua đổi lại. “Sinh nhật đen” là bài hay mà Hạnh rất thích, khán giả có thể khen “hay, hay” nhưng họ vẫn đòi “Em ơi Hà Nội phố” đi, “Đâu phải bởi mùa thu” đi, “Khúc mùa thu”, “Im lặng đêm Hà Nội” đi. “Tình khúc 24” cũng vậy, họ bảo hay nhưng chả hiểu gì!”

                                                  MỸ HẠNH

.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.