Lịch sử giáo dục nước nhà, phải nói rằng lần đầu tiên có “kỳ án” gian lận thi cử lớn và mang tính hệ thống như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang năm 2018. Với những phóng viên giáo dục, những ngày ngồi canh từng thông tin liên quan đến vụ việc cũng là những kỷ niệm đáng nhớ.
Khác với Hà Giang, những gian lận tại Sơn La được người trong cuộc đánh giá tinh vi hơn rất nhiều. Thế nên, cần nhiều thời gian hơn để đưa sự việc ra ánh sáng. Cuối tháng 7/2018, khi những góc khuất của Hà Giang đã được bóc tách xong, chúng tôi lên đường đi Sơn La. Cổng Sở GD&ĐT Sơn La ngày ấy như một bức trường thành đối với mỗi phóng viên. Không thể bước chân qua cánh cửa cổng để xem đang có chuyện gì xảy ra. Những thông tin được cung cấp rời rạc, nhỏ giọt không có gì rõ ràng trong mấy ngày đầu khiến nhiều lúc chúng tôi nghĩ khó có thể tìm ra được sự thật.
Chúng tôi cũng lần tìm đến nhà một số thí sinh nằm trong danh sách “đen” được các bạn liệt kê ra nhưng không nhận được sự hợp tác. Tắc thông tin từ bên Sở GD&ĐT, từ đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, chúng tôi đến làm việc với UBND tỉnh Sơn La nhưng cũng không nhận được thông tin phản hồi.
Sau 3 ngày với những thông tin khơi gợi thì đến khoảng 22h đêm ngày thứ 4, chúng tôi nhận được tin nhắn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Mai Văn Trinh, trưởng đoàn công tác của Bộ sẽ có trao đổi với báo chí. Sấp ngửa lao ra khỏi chỗ nghỉ lúc nửa đêm, chúng tôi có mặt đông đủ trước cổng Sở GD&ĐT Sơn La. 30 phút sau, ông Mai Văn Trinh đi ra trong sự giám sát của lực lượng công an. Những thông tin ban đầu của ông mới chỉ dừng lại ở chỗ đã phát hiện ra một số sai phạm quy chế thi, đặc biệt là trong khâu chấm thi. Trong đó có dấu hiệu của sự can thiệp làm thay đổi kết quả thi của thí sinh. 8 tháng sau, kết quả chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm của Sơn La mới được công bố. 44 thí sinh được nâng điểm. Cuối cùng, sự thật đã được phơi bày.
Cuối cùng, sự thật đã được phơi bày. Cuộc chiến này đúng là không có người chiến thắng, chỉ có nỗi buồn mãi không gọi được thành tên.