Những ngày suông nhạt
Nhất tướng nhị thanh, quan dạng, tướng hình... Đến là lắm những nhiêu khê cùng sự võ đoán này khác trong cái gọi là nhân tướng học? Nhưng gẫm kỹ thấy cũng phần nào là lạ, đung đúng về Tổng Biên tập cơ quan tôi, ông Đinh Văn Nam.
Cao lớn, lưng không cong cũng chẳng còng nhưng dáng đi lại gù gù, đủng đỉnh rõ ra là thứ khoan thai của loài gấu. Xin trộm phép vong linh người thủ trưởng của chúng tôi, bởi thấy khó mà tìm một từ nào cho tương xứng? Như những lát tạc, phác hơi vội và thô ráp của tạo hoá, những trán với cằm cùng môi đủ cho những anh thích đùa tếu trong cơ quan tôi đâm ngại?
Lần qua phà Ghép. Thuở ấy chưa có cầu, phà gì. Anh lái xe Võ Trường Kế phanh khự con xe Bắc Kinh trước một dãy xe đang xếp hàng đợi phà dài dặc. Anh Kế đến trước ông điều hành bến phà rồi chỉ tay về phía thủ trưởng của mình đang chĩnh chiện chiếc mũ catket gù gù bất động trên ghế trước thầm thì cho xe chở chuyên gia Liên Xô xuống nhá... Khi con xe diện ưu tiên đã nằm gọn trong lòng phà, anh chở phà bật ngửa khi đồng chí chuyên gia Liên Xô cất giọng đặc Việt ồm ồm bắt chuyện với mình...
Ông khắt khe hay vị tha? Tôi đã nghe mãi cái điệp khúc từ những cái năm mới về báo như thế? Người thì bảo nội cái chuyện ông từng quyết liệt cùng Ban Biên tập dang tay đón Tất Vinh và Mai Nam (cây viết và tay máy tài năng tài hoa bị khép kỷ luật vào cái giai đoạn nông nổi ấu trĩ) về lại tờ Tiền Phong khi hai người hết hạn “thử thách” sửa chữa sai lầm khuyết điểm chứ không cho nghỉ… khỏe! Rồi nội cái việc cứ để Võ sốp phơ giỡn chơi mà chả ỏ ê gì thì đã là một cái gì đó trên người ?! Rồi cái việc ông không chấp kiểu làm báo của anh Tất Vinh hay lờ đi hoặc tha quá cho? Số là lần ấy, toà soạn đang rất cần bài viết về biểu thị lòng căm thù trước tội ác của Mỹ - Diệm ở nhà tù Phú Lợi. Trong một ngày, với chiếc xe đạp cà khổ mà nhóm phóng viên (PV) trong đó có nhà báo Tất Vinh đi qua những 5 tỉnh! Bằng cách nào vậy? Tất Vinh cùng hai anh em, người thì ra ga, người thì ra bến xe không phải để lên tàu, xe mà gặp người ở bến tàu bến xe để hỏi để phỏng vấn. Vậy đó, người ở bến tàu bến xe thì hàng chục tỉnh cũng có chứ đừng nói chi 5 tỉnh? Ai mà chả căm tội ác của bè lũ Mỹ Diệm? Trước máy ảnh, trước những anh nhà báo nhăm nhăm cây bút cuốn sổ, khi được hỏi cảm tưởng, ai cũng phẫn nộ sục sôi. Lời thật, người thật, ảnh thật. Quê quán thật... Và những chiếc vé tàu vé xe xin bà con về thanh toán với tài vụ cũng thật! Rồi cần khí thế biểu lộ tinh thần ngày quốc tế lao động 1/5 cũng diễn theo kịch bản đó.
Rồi nghe vài anh em trong cơ quan kháo nhau rằng, hồi trẻ ông có mối tình chi đó rất lãng mạn và rất bốc lửa (!?). Tôi chả tin mấy vì cứ căn cứ vào vài bận ông cho gọi chúng tôi vô phòng để bàn bạc chỉ đạo bài vở. Tôi lạ lẫm ngó những chồng sổ tay ghi chép của chủ nhân với nhiều kích cỡ khác nhau, đã tích lại hằng bao năm xếp cực kỳ lớp lang ngăn nắp! Tất thảy cứ đều tăm tắp, bằng chằn chặn mà thấy ngại cho cái tính luộm thuộm của mình! Chợt nghĩ những tính người vốn trật tự lớp lang như thế, các ngũ quan thứ nào cũng gồ ghề thô ráp như thế thì thứ romantique nào chui vào được kia chứ? Kể ra chuyện ấy để thấy không ít người coi ông thuộc tuyp khó tính, khô khan?
Cái mặc cảm, tâm lý có đến non chục năm ở tờ báo mà không năm nào đạt danh hiệu lao động tiên tiến! Ấy là vướng cái mỗi cái tội sáng thứ hai, bao giờ tôi cũng đến cơ quan chậm mươi, mười lăm phút có khi cả nửa giờ, tôi thấy khoảng cách giữa ông với đám phóng viên trẻ chúng tôi khi đó nó vời vợi thế nào? Không, tôi đã dậy từ bốn giờ sáng có khi ba giờ nữa là khác? Bởi khi ấy vợ con tôi đang ở tận Hoà Bình... Mắt nhắm mắt mở, sấp ngửa ra bến xe để đi ké chuyến xe chở cán bộ của Hoà Bình về thị xã Hà Đông thời còn Hà Sơn Bình là một đoạn trần ai. Hối hả bắt xe buýt về được cái bến gần cơ quan hỏi sao không chậm?
Cứ như thế, người phụ trách cao nhất của cơ quan bao năm trở thành cái đích ngắm cho những cúc cung lẫn những cái bực bõ? Mặc. Ông như thản nhiên, như song hành và cùng chìm lút đi như các thân phận bao cấp hồi ấy... Cái cặp lồng ông mang cũng song song như mấy chục cái cặp lồng khác của anh em xếp bên bếp than rừng rực của chị Yến lao công cơ quan. Thứ thuốc ông hút cũng thuộc dòng bà Sinh sợi vàng khét lẹt hệt các anh Minh Tiến, Tất Vinh, Mai Nam... Nhưng bên ông hình như vẫn doãng ra của những khoảng cách? Ông thuộc đẳng cấp khác. Tiêu chuẩn xe con. Thi thoáng xuất ngoại như lứa các Tổng Biên tập của các báo đoàn thể...
Tuần vận mới
Nhưng đã ló ra một tuần vận khác? Tôi có cảm giác những ngày thường đã không suông nhạt lê thê với ông, xin mượn từ của nhà văn Xuân Cang mà là nó đã cháy lên trở nên có ý nghĩa. Đã có ít nhiều sinh khí cùng với phong trào Những việc cần làm ngay của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông ăn vận hình như cẩn thận hơn một chút so với mọi ngày? Những sải bước trên cầu thang cũng có vẻ như hơi vội hơi nhanh đến lật đật? Thì ra ông đang có những cuộc gặp với một lãnh đạo cao cấp, đồng chí Lê Đức Thọ.
Một Lê Đức Thọ, Trưởng Ban tổ chức vời xa, lồng lộng quyền uy. Lại có một Lê Đức Thọ thoắt gần gũi với mặt bằng lam lũ thời ấy với gạo sấy khoai mì bát canh toàn quốc. Và nước chấm đại dương đỡ lúc đói lòng. Cũng có khi thịt ấm chân răng. Nhưng có bữa cơm toàn muối trắng trong bài thơ hình như được cả nước thuộc với cái tên, Điểm tựa.
Nhãn quan trông xa nhìn rộng của nhà tư tưởng Lê Đức Thọ đã hướng tầm nhìn đến Tiền Phong. Tiền Phong cũng na ná như một điểm tựa của trận địa tư tưởng?
Kể ra thì dài nhưng vắn tắt thế này. Có một bài thơ của cô sinh viên Phạm Thị Xuân Khải gửi cho đồng chí Lê Đức Thọ. Đồng chí Lê Đức Thọ đã đưa lá thư này tận tay Tổng Biên tập Đinh Văn Nam. Đợi ông đọc xong, ông Thọ hỏi nếu đồng chí thấy được thì đăng bài thơ này... Câu hỏi cũng là câu trả lời. Bởi nó là chỉ thị. Là mệnh lệnh.
Rồi bài thơ xuất hiện trên Tiền Phong!
Và những ngày thường ấy đã cháy lên!
Bạn đọc Tiền Phong cùng dư luận cồn lên với những câu (bởi nói thì người ta quen nói hoặc chỉ nói thầm, nhưng chưa thấy ai viết ra cả? Mà lại giấy trắng mực đen đăng trên mặt báo của Đoàn thanh niên).
Đấu tranh tránh đâu cho được/ Đồng chí không bằng đồng tiền/ Bằng lòng hơn bằng cấp/Có mắt giả mù có tai giả điếc/Thích nghe lời nịnh ghét bỏ lời trung/Tham quyền cố vị/sợ trẻ hơn già/Quên mất lời người xưa, con hơn cha là nhà có phúc...
Ngay sau thời điểm báo phát hành, rầm rập hối hả những động thái bùng phát thành một phong trào rộng khắp. Hưởng ứng, tranh luận và hơn một vạn (xin nhắc lại, thời ấy chưa có internet chưa có computer và tất nhiên chưa có view) hơn 12 ngàn lá thư bạn đọc tới tấp gửi về Tòa soạn chỉ trong 8 ngày. Rồi lan nhanh các diễn đàn sôi nổi hừng hực khí thế diễn ra ở hàng ngàn cơ sở Đoàn quanh bài thơ của Phạm Thị Xuân Khải.
Tòa soạn Tiền Phong dường như có một thứ sinh khí khác! Đấy là những mầm rễ là mảnh đất mỡ màu cho Những việc cần làm ngay sum suê tuơi tốt ngay sau đó...
Ông trực tiếp coi sóc chỉ đạo lẫn chăm chút bao việc lớn, nhỏ của cái Ban Những việc cần làm ngay (gọi tắt là Ban NVL). Ban những việc cần làm ngay do ông mau chóng khởi xướng. Những tay viết hăng, ham, nói tóm lại là máu việc, máu nghề của Tòa soạn được biệt phái về ban này.
Nguồn là những đơn thư gửi theo đường bưu điện. Những cú điện thoại bất thần. Và cũng bất ngờ những nhân mối bạn đọc, khi công khai, lúc bí mật tìm đến Tòa soạn… khởi đầu cho hàng loạt vụ việc điều tra theo đơn thư bạn đọc.
Cái dáng gù gù quen thuộc của ông nhoài hẳn về phía anh em ban NVL bất kể cả đêm hôm khuya khoắt khi bàn soạn tính toán những vụ nọ, việc kia. Gần như không có những khoảng cách? Những cự ly gần gụi thân mến bất ngờ xuất hiện, thiết lập giữa ông và anh em phóng viên. Như một vế đối, như thứ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đáp lại nghiệp vụ sắc sảo đến mức soi mói riết róng của người phụ trách là hiệu ứng nhiệt tình hăng hái của PV được phân công trong Ban NVL.
Ban NVL trích ra tổ phóng viên về bám cơ sở. Tất cả các chuyến đi đều thuộc dạng… bí mật bởi, hỡi ôi, gần như tất tật những nhà chức việc ở địa phương đây đó đều có ít nhiều dính dáng đến những tiêu cực, đến oan khuất của dân lành. Chúng tôi trước nay chỉ nghe cái khái niệm cái cụm từ dân nuôi, dân che chở, nhưng những ngày hành nghề một cách bất đắc dĩ ấy, khái niệm ấy nó sống động, sinh sắc biết bao!
Những ngày ấy nổi trội là hoạt động của tổ phóng viên gần một tháng trời bám cơ sở ở địa bàn Thanh Hóa, vụ ông Hà Trọng Hòa…
Rất nhanh, lẹ phóng sự Người vô danh viết về anh thanh niên Cao Tiến Mùi đơn thương độc mã âm thầm lần tìm chắp nối nỗi oan khuất của bạn mình là Nguyễn Sĩ Lý. Người vô danh lần lượt trình trước bàn dân thiên hạ trên Tiền Phong. Quên sao được những ngày mà photocopy còn đang là của hiếm, những ngày kỷ lục bạn đọc dồn tụ đông cứng trước cổng cơ quan ngày báo ra để chờ mua hoặc đọc ké Người vô danh. Rồi Ông già ôm bảy kilôgam đơn từ. Rồi gì nữa nhỉ? Những vụ tiêu cực ở Thanh hoá, về ông Hà Trọng Hoà... Lần đầu tiên trên mặt báo có một Bí thư Tỉnh ủy không phải mẫn cán chính trị và chăm dân mà thế này thế khác. Hàng loạt những phóng sự trên Tiền Phong đã không chuội, nhoà và yểu mệnh cùng với thời gian mà có sức sống lâu bền cho mãi tận sau này.
Tôi nhớ hồi ấy có chỉ thị ở trên dừng đăng những việc liên quan đến ông Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa! Những nét thô vạc trên khuôn mặt bất động của ông Đinh Văn Nam như sắt lại. Chất giọng chậm đanh của Tổng Biên tập báo Tiền Phong trong một cuộc họp có đầy đủ nhiều ban ngành Thưa các đồng chí, nếu như dừng đăng vấn đề này tôi xin phép xin được từ chức...
Âm lượng trầm trầm của những lời khi ấy của ông là sấm là sét! Bởi tiền lệ làng báo chưa có Tổng Biên tập nào mà dám phát như thế? Rộ lên những xôn xao, bàn tán… Nhưng người ta đâu dám cách chức ông. Và cũng chẳng thấy ông đơn từ gì?
Khi ấy số lượng Tiền Phong phát hành có hạn, ông đưa cái công văn cho tôi cầm sang Đài tiếng nói Việt Nam xin ông Đài làm cái việc phối hợp tuyên truyền!
Thế là ngoài những vụ việc ở Thanh Hoá, hễ có vụ tiêu cực gì nôi nổi một chút trên tờ Tiền Phong thì cứ ngày hai buổi vào đúng cữ chương trình thời sự tầm 6 giờ sáng và 6 giờ chiều cứ choang choang phát đi phát lại các vụ các việc ấy! Phải nói rằng hiệu quả truyền dẫn (ấy là gọi tắt các từ tuyên truyền và hướng dẫn) hồi đó rất cao. Những thông tin hôi hổi lan tỏa khắp thị thành miền ngược miền xuôi và thôn cùng xóm vắng!
Tổng biên tập Đinh Văn Nam (phải) tiếp Phùng Gia Lộc, tác giả Cái đêm hôm ấy đêm gì (thứ 3 từ phải sang)
Khúc vĩ thanh
Người vô danh. Ai chịu trách nhiệm về nỗi oan trái này. Ông già ôm bảy kilôgam đơn từ... được nhắc, được nắc nỏm cùng với Cái đêm hôm ấy đêm gì. Người đàn bà quỳ... trên các báo bạn. Người ta xếp ông (có khi cao hơn?) cùng chiếu với những Trần Công Mân (báo QĐND), Nguyên Ngọc báo Văn Nghệ với những Xuân Cang bên báo Lao Động... Tôi mục sở thị Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong một cuộc gặp với báo giới hai ngày hồi đó đã dừng lâu hơn cái siết tay với mấy vị được coi là đầu lĩnh trong chống tiêu cực của làng báo này!
(Cũng mở một cái ngoặc đơn khiêm tốn, thời ấy chưa có Giải Báo chí Quốc gia, nhưng năm 1988, báo Tiền Phong giành Giải A với tác phẩm Ai chịu trách nhiệm nỗi oan trái này tác giả Xuân Ba và Trung Hiền. Năm ấy có 2 giải A. Một nữa của nhà báo Trần Đình Bá báo QĐND).
Những ngày thường của ông đã cháy lên thì cũng vừa vặn ông đến tuổi hưu. Nhưng ánh hào quang ấy không bùng lên rồi vụt tắt theo kiểu cháy của những giọt dầu cuối cùng mà là cuộc tiếp lửa cho cuộc rước đuốc sau này của người kế nhiệm Dương Xuân Nam. Có vẻ như người xưa đã chí lý, chung qui tất tật chỉ một chữ Thời!
Cứ ám mãi trong tôi cái Tết Quí Mùi từ sớm mồng Một ông đã tà tà dong xe đạp đến nhà con gái Đinh Bích Thủy ở khu tập thể Ao Phe... Mấy anh em chúng tôi đã có một cuộc quần tụ nho nhỏ với nhau cùng ông ở chỗ vợ chồng Lê Tất Cứ và Chu Thuý Hoa là chỗ hàng xóm của Thuỷ. Lại cũng có cái chi gơ gở là trước cành mai nhà Hoa, Cứ đang độ mãn khai nhất. Và thường đi liền với sự bừng hết độ của thứ hoa này là cái gì đó u ám mà có ai buột ra, ông như một thứ lão mai? Rồi buột thêm rằng ông nên ghi lại cái gì đó kiểu như hồi ký tạm gọi là một thời Tiền Phong chả hạn? Ông móm mém rất lâu khẩu mứt Tết, ly rượu của anh Cứ chủ nhà rót nhưng chỉ khẽ nhấp nhấp mãi mới trầm trầm rằng có lẽ, có lẽ...
Mới ngày mồng Một ông còn mẫn tiệp là vậy mà bỗng sớm mồng Ba Tết, tất thảy cải tổ hợp gù gù gồ ghề kia đã sụp xuống cái rụp! Một cơn kịch phát gì đấy về não về tim đã khiến vị Tổng Biên tập một thuở một thời đã góp hơn ba mươi năm đời mình vào cái quỹ của Tiền Phong lịm bặt đi!
Tiền nhân nói cái quan định luận... Có lẽ chả phải chi đến khi nắp quan tài đã đóng mới phân định thế này thế khác về một phận người? Mạo muội một điều, những ngày làm báo, điều hành tờ Tiền Phong hoà với sự lộng thổi của luồng gió Đổi mới tuy ngắn ngủi nhưng chắc hẳn là một trong những khoảng thời gian hào sảng nhất của Tổng Biên tập Đinh Văn Nam?
Ông trực tiếp coi sóc chỉ đạo lẫn chăm chút bao việc lớn, nhỏ của cái Ban Những việc cần làm ngay (gọi tắt là Ban NVL). Ban những việc cần làm ngay do ông mau chóng khởi xướng. Những tay viết hăng, ham, nói tóm lại là máu việc, máu nghề của Tòa soạn được biệt phái về ban này.