Cái nghề đi…

Trên đảo cát “đang cựa quậy” – Cửa Đại, Hội An
Trên đảo cát “đang cựa quậy” – Cửa Đại, Hội An
TP - Với một kẻ viết ký như tôi, đi là viết. Vừa đi vừa viết. Không định trước đi đâu, gặp ai, chuyện gì. Đi, là đi thôi…

Trong đời viết ngàn trang bút ký, thú nhất với tôi là chuyến chân trần “đi trên đảo cát đang cựa quậy”, tít một cái ký sự của tôi đăng trên Tiền Phong hồi năm ngoái. Thú, ở chỗ đảo cát kỳ lạ này nhô lên ngoài vùng nước sâu biển Cửa Đại mới được có… mấy chục ngày! So với ngàn, vạn, triệu năm của mọi thực thể địa lý khác tương tự. Nên tôi dĩ nhiên đạt “kỷ lục” là người…đầu tiên viết ký về hòn đảo lạ này! 

Đảo cát vừa mới bồi đắp từ trên cao nhìn xuống nom hệt con khủng long khổng lồ thời tiền sử, màu vàng, đầu hướng về cửa sông Thu Bồn Duy Nghĩa (Duy Xuyên, Quảng Nam) phía nam, đuôi quẫy về phía bắc có núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Theo đo đếm mới nhất (thời điểm đó) của các chuyên gia, đảo cát nhô cao lên khỏi nước biển 2m, chu vi trên 3,5km, diện tích phần nổi trên 12,3 hecta, khoảng cách hai điểm xa nhất gần 1,2km, điểm rộng nhất 220m. Với diện tích ấy, có thể gọi là cồn. Nhưng tôi cứ thích gọi là đảo. Như cái hòn Mù Cu ở Lý Sơn, nhõn một bãi đá nhô ra mà vẫn được gọi là “hòn” – xếp ngang hàng với đảo Lớn và đảo Bé.

Cái nghề đi… ảnh 1 Viết thư “gửi” đảo cát 

Nhắc đến Mù Cu, lại nhớ hơn 10 ngày bị “dính” bão trên đảo Lý Sơn, trên người chỉ có mỗi bộ quần áo thường xuyên sũng ướt và cái máy tính vỡ toang do trượt ngã. Nhưng thời gian “mắc kẹt” tưởng chừng xui xẻo ấy, lại là cuộc lang thang đầy kỳ thú đi tìm loài cây có tên là mù cu, như kiểu đi tìm lá diêu bông. Tìm giữa cái hòn Mù Cu bây giờ chỉ là một khối bê tông dài thượt cao gần 3 mét dài hơn 300 mét. Cùng với hàng vạn khối bê tông dị hình đúc sẵn 4 chấu trắng ởn chồng chất lên nhau làm thành con đê chắn sóng.

Để hỏi chuyện khắp nơi, và kể lại với bạn đọc hồi quang về một hòn đảo mồ côi từng là “đảo cổ tích” giờ chỉ còn trong ký ức người già. Là điểm nhô ra xa nhất của Lý Sơn về hướng đông. Là vị trí đón ánh bình minh đầu tiên và tuyệt vời nhất trên đảo Lý Sơn và cả nước. Là nơi ngày trước trắng mịn doi cát lắp xắp dưới làn nước xanh trong, bên trên lững lờ từng đám rong mơ, cỏ biển đổi màu theo từng giờ. Trên đó có rừng mù cu mọc tràn trên đá, um tùm phủ xanh đảo nhỏ. Sáng chiều xắn quần lội ra ngồi trên đảo Mù Cu buông câu. Những con tôm hùm bằng cổ tay bơi lội vào chơi giỡn sát bờ đá. Rồi cua đá, cua xanh, cua gành, cua ghẹ cũng tung tăng. Cá mú, cá trích bơi lượn lờ, cá bè con tới cả chục ký…

Hoa mù cu có cánh nhỏ xíu như cúc áo, trắng muốt tinh khôi. Hoa ra vào mùa Xuân, mùa êm gió. Trái mù cu cũng nhỏ li ti, có thể ươm trồng được. Cụ Sung, lão niên trăm tuổi trên đảo Lý Sơn, chủ nhân của mấy chậu mù cu hiếm hoi trong vườn, bảo dù đã quen dần với nước ngọt, nhưng mù cu nó vẫn thèm nước biển lắm. Phải múc nước biển về tưới… Một thế giới cổ tích đã mất, với biết bao điều quý giá mong manh như cánh hoa mù cu bị vùi lấp bằng đất đá, bê tông trong sự đánh đổi…

                                                                *

Cũng là đá, và chỉ với một phiến đá rộng 6 mét vuông, nặng 4 tấn treo ngang đầu người, thế đã thành một ngôi chùa, mang tên “Chùa Đá”. Mang hình dáng tán lá bồ đề mà từ 2.600 năm trước Thái tử Tất Đạt Đa đã ngồi rồi thành đạo. Ngôi chùa tối giản đến kỳ lạ ấy từng được xếp vào 7 thiết kế tôn giáo đẹp nhất tại Liên hoan Kiến trúc thế giới (World Architecture Festival) năm 2015. Người tạo tác ra sự độc đáo ấy là kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp.

Buổi trưa ấy ở Nha Trang sau bao chặng lặn lội hỏi đường, tìm kiếm giữa nắng nôi, tôi mới tìm đến được nơi này. Và cũng thật vất vả thuyết phục, kèm chút duyên may, tôi mới được phép lên ngọn đồi thăm chùa Đá, được chắp tay ngồi ít phút dưới Đá. Ngồi dưới phiến đá khơi vơi nơi tịch mịch như một chữ “Không” vô tận trên đầu. Một chốn “vô sư tự ngộ” không có nơi thứ hai. Mà những chùa to chuông lớn đang đua nhau xây cất, bày biện giăng mắc khắp cõi này, làm sao sánh được.

Cũng là đá, là những chiếc rìu đá hàng triệu năm cổ xưa nhất trên khắp cõi Việt lần đầu tiên vừa phát hiện ở Rộc Gáo, Rộc Tưng (An Khê, Gia Lai). Thứ công cụ của “người đứng thẳng” (homo erectus) chưa từng  ai nghĩ đã có mặt trên xứ sở mình.

Nhưng buổi trưa một mình lang thang giữa vùng thảo nguyên rộng lớn và hoang vắng ấy, giữa tiết trời lúc nắng lúc mưa ấy, tôi không chỉ đi tìm chữ tìm ý, mà bỗng trở thành một kẻ đi nhặt đá. Cứ mải miết lần sờ những viên đá chìm nổi bên đường. Để được chạm vào cảm giác triệu năm, được bắt tay với người tiền sử. Nó sẽ giúp ích biết bao cho câu chữ và cảm xúc của tôi. Không chỉ với cái bài sẽ viết về chốn này. 

Như một chuyến “đi tìm” sông Côn dạo nào kéo dài suốt mấy ngày mưa nắng trên chiếc xe máy lọc xọc. Cuộc truy tìm nhiều lúc vô vọng qua những ruộng đồng nhà cửa san sát. Sông Côn nhiều khi biến mất đâu đó vào đất, vào bờ tre ruộng rạ. Sông như đời người bây giờ phân thân nhiều quá sắm vai nhiều quá. Nhưng như người, sông vẫn phải chảy. Vẫn phải luênh loang.

Lang thang tìm cây gạo nơi đầu làng An Thái – chứng nhân cho mối tình của Nguyễn Huệ với người thôn nữ tên An. Không phải từ “Sông Côn mùa lũ”, bộ tiểu thuyết lừng danh của Nguyễn Mộng Giác. Mà tôi đã gặp ngoài đời những người có thể chỉ đúng nhà ông giáo Hiến, người thầy dạy học cho anh em nhà Tây Sơn, nơi làng Thắng Công sát bên bờ sông Côn. Tìm về bến Trường Trầu nơi xưa trên bến dưới thuyền, ông cả Nguyễn Nhạc buôn trầu, rồi giữ chân thu thuế. Giờ bến ấy chỉ còn là một lạch nước lẻ loi lăn tăn gió trên mặt sông cạn tràn lấp những cây mai dương. Loài cây thuộc họ trinh nữ, mọc cực kỳ nhanh. Một cây thành ngay một rừng mà không dùng được vào việc gì. Chỉ chờ lũ lên cuốn đi mới hết. Như thời gian luôn cuốn trôi đi tất cả…

Trong chuyến hải hành tìm lại dấu vết giọt mồ hôi chủ quyền dãi dầu sóng gió của cha ông giữa biển Hoàng Sa hồi mùa hè năm 2014 trong vụ giàn khoan HD 981, tôi nhớ mãi hình ảnh một cánh bướm màu trắng nhạt cứ chấp chới bay bên mạn tàu. Giữa đại dương đang cồn cào sóng dữ và những cột vòi rồng bặm trợn đang bắn thẳng về phía chúng ta từ các tàu Trung Quốc, cánh bướm cứ nhẫn nại vỗ cánh. Đến ngay cả những người lính cảnh sát biển dạn dày biển cả cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy cánh bướm nhỏ xíu nơi này. Thêm một nhắc nhở về thứ hiệu ứng cánh bướm chăng, cho những kẻ mạnh đang đà ngạo nghễ đòi độc chiếm biển Đông? 

Giữa Hoàng Sa ngày ấy, một sớm mai bên mạn tàu tôi như thấy dòng sông quê nhà đang trôi ngang qua. Dòng sông miền Trung vốn thường dốc dựng và đăm chiêu. Tôi như thấy bóng quen người làng quảy gánh trên đại dương. Người quảy gánh cứ đi và đi, từng giọt nước sẽ là dấu chân của hành trình giữa thế giới đại dương bất tận mặc cho kẻ cướp rập rình.

Đi, đi và cứ đi…

Ừ, “mấy năm không đi trời đất nhỏ dần” (Vũ Hữu Định) 

Những chuyến đi cứ hối thúc. Như những con chữ luôn gọi nhau tràn lên trang viết mà đã như định mệnh không thể nào bỏ dang dở. Những chuyến tôi đi tìm cố cư, nơi ăn ở viết lách xưa của những bậc kỳ tài văn chương Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Phan Khôi, Nguyên Hồng, Hữu Loan, Bùi Giáng, Quang Dũng,.. Và cả tìm đến căn phòng có ô cửa gỗ sổ nhỏ cũ kỹ mở ra cái ngõ hẻm chung cư mà Lỗ Tấn thường hay nhìn ra bên bến Thượng Hải. Tìm đến nơi những thứ sử Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha một thời công lao coi sóc dân tình, dạo bên bờ sông Tiền Đường bê tông nóng sực…

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.