Ông Dương hơn lứa chúng tôi những hăm mấy tuổi nhưng nhiều người gọi bằng anh có lẽ để cho thân gần? Khi tôi về báo và nhập tịch vào nhà 128 thì ông Dương đã chuyển sang cơ quan mới là báo Nhân Dân có chân trong biên ủy.
Áp tường căn hộ anh Nguyễn Thanh Dương là một gian rộng hơn ba chục thước vuông giành cho cánh phóng viên (PV) độc thân của báo. Mười mấy chiếc giừờng cá nhân kê sít sịt ấy là những Dương Kỳ Anh, Phan Cung Việt, Thanh Hữu, Đào Quản, Lê Tiến Độ, Diệp Quang Hưởng, Minh Hỗ… Căn nhà ống ngay lối cửa ra vào là gia đình nhà văn Lê Minh Khuê.
Từ chuyện bài báo đầu tiên trong đời làm báo của ông Dương viết chiều ngày 16/12/1946 là bài Chỉ có một con đường: Chiến đấu! Bài báo không phải in mà là viết tay khổ chữ lớn được treo ở Bờ hồ Hoàn Kiếm! Chuyện anh cán bộ Đoàn cứu quốc Nguyễn Thanh Dương đi cổ động cho nhà thơ Xuân Diệu ứng cử ĐBQH Khóa đầu tiên ở Hải Dương. Rồi chuyện chuẩn bị cho tờ Tiền Phong ra số 1 ngày 16/11/1953 ở chiến khu Việt Bắc.
Rồi chuyện trong thời gian giảm tô, PV Nguyễn Thanh Dương đã phát hiện một điển hình cố nông tích cực ở Phú Thọ tên là Trần Bình Lục và viết bài trên Tiền Phong liền 4 số báo. Đó là chất liệu đầu tiên để nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cấu thành và thăng hoa thành Truyện anh Lục nổi danh từng được Giải thưởng Hội Nhà văn!
Cuối tháng 6/1954, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm báo Tiền Phong Nguyễn Lam gọi Nguyễn Thanh Dương lên giao nhiệm vụ đặc biệt. Đó là Phóng viên báo Tiền Phong được tham gia một hội nghị quốc tế còn gọi là Hội nghị quân sự Việt Pháp ở Trung Giã nên có tên là Hội nghị Trung Giã. Trung Giã khi ấy thuộc đất Vĩnh Yên nay là Sóc Sơn Hà Nội.
Hội nghị Trung Giã tiến hành song song với Hội nghị Genève Thụy Sĩ. Hội nghị Genève đưa ra giải pháp toàn bộ nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ðông Dương, còn Hội nghị Trung Giã bàn cách thực hiện ngừng bắn và chính sách đối với tù binh, kiến nghị những vấn đề liên quan gửi đến Hội nghị Genève.
Đây là lần đầu tiên một phóng viên báo Tiền Phong có cơ hội tiếp xúc với giới phóng viên phương Tây giữa lúc cuộc đấu tranh giữa ta và địch đang còn diễn ra phúc tạp cả về ngoại giao và quân sự. Sau 4 giờ đi bộ từ Bản Dõn, Sơn Dương nơi báo Tiền Phong đứng chân, PV Nguyễn Thanh Dương theo đường dây liên lạc về Bộ Tổng tư lệnh. Từ đây một chiếc xe Jeep Mỹ chở Nguyễn Thanh Dương và một cán bộ quân đội. Chiếc xe Jeep này chính là xe của Tướng De Castries do quân ta thu được ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Mặt kính xe còn hai lỗ thủng do đạn xuyên.
Đến Trung Giã, Nguyễn Thanh Dương hội quân với mấy anh em báo chí của Đoàn nhà báo Việt Nam. Báo Nhân Dân có Hồng Hà, báo Quân Đội Nhân Dân có Vũ Chính, TTX Việt Nam có Đào Tùng và Nguyễn Thanh Dương báo Tiền Phong. Riêng PV Đào Tùng được trang bị một máy phát điện đạp chân và một máy phát tin để hàng ngày truyền bài vở tin tức về Tổng xã.
Các nhà báo quốc tế đến từ phe XHCN chỉ có 2 người. Roman Carmen, nhà báo và nhà quay phim thời sự tài liệu nổi tiếng của Liên Xô. Đới Thụ Lâm, phóng viên Tân Hoa xã Trung Quốc.
Các phóng viên phương Tây có hơn 10 người thuộc nhiều hãng tin khác nhau. Luyxieng Boda. Macolo. Ulman La Phương… Họ đều ở Hà Nội và đi xe lên Trung Giã làm việc.
Lần đầu tiên tiếp xúc với cánh PV phương Tây, các nhà báo Việt Nam đều thấy lạ lẫm trước các phương tiện tác nghiệp và cung cách hành nghề của họ.
Các đồng chí khi tiếp xúc với nhà báo phương Tây điều quan trọng nhất cần xác định rõ ràng, chúng ta là những chiến sĩ cộng sản chiến đấu trên mặt trận báo chí. Về thế giới quan và lý tưởng chính trị, chúng ta đứng ở tầm cao hơn họ. Hiểu như vậy thì mọi sự tiếp xúc mới thoải mái và sẽ chủ động trong mọi trường hợp.
Đồng chí Roman Carmen truyền đạt rõ ràng cho đồng nghiệp Việt Nam như thế.
Sáng sớm ngày 4/7/1954, những chiếc xe jeep của đoàn đàm phán Việt Nam và mô-lô-tô-va chở đoàn nhà báo lần lượt qua cầu phao bằng tre, nứa chạy vào Phố Nỉ giữa rừng người vẫy cờ hoa. Ðoàn đến địa điểm họp Hội nghị quân sự Trung Giã vừa lúc đoàn nhà báo từ Hà Nội lên. Họ ào ào nhảy xuống chụp ảnh chiếc xe jeep của Thiếu tướng Trưởng đoàn Văn Tiến Dũng sơn dòng chữ "Xe của tướng De Castries, chiến lợi phẩm Ðiện Biên Phủ".
Ðoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm Trưởng đoàn, bước vào hội trường trong ánh hào quang của chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ðoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy Pháp, do đại tá Len-nuy-ơ làm Trưởng đoàn cùng với bốn sĩ quan Pháp ngồi đối diện đoàn Việt Nam. Lần đầu tiên, đại diện hai lực lượng vũ trang đang đối địch nhau trên chiến trường sau 9 năm chiến tranh đẫm máu ngồi quanh một chiếc bàn đàm phán hình chữ nhật. Phía sau hàng ghế đoàn đàm phán Việt Nam là các hàng ghế giành cho báo chí.
Trong phiên họp đầu tiên, Nguyễn Thanh Dương lạ lẫm quan sát các PV phương Tây thấy họ rất mất… trật tự! Không nghiêm chỉnh ngồi tại chỗ như các PV Việt Nam mà lăng xăng đi lại. Họ cứ chăm chắm vào các chi tiết diễn ra gần như ngoài lề trong phòng họp. Dường như họ không để ý gì đến diễn văn của hai Trưởng đoàn. Trong khi các ký giả nhà ta cắm cúi ghi chép cẩn thận!
Ngay sáng hôm sau, các báo xuất bản ở Hà Nội đăng trên trang nhất hình ảnh đoàn đại biểu ta đứng trong tư thế… cúi đầu. Còn đoàn Pháp, kẻ chiến bại thì phong thái lại rất…đường bệ! Nguyễn Thanh Dương hiểu ngay ra rằng, ngay từ tấm ảnh chụp, các PV phương Tây luôn biểu thị thái độ lập trường. Còn phía ta phải rút kinh nghiệm cẩn trọng khi đứng trước ống kính nhà báo.
Trong đám phóng viên phương Tây, Nguyễn Thanh Dương để ý có một ký giả tầm tuổi 50. Sau mới biết đó là La Phương, người của Việt Tấn Xã. Không thấy ông ta có mặt trong khai mạc Hội nghị nhưng lại thấy La Phương đi sục sạo các vùng xung quanh. Ông ta la cà mọi nơi. Luôn quan sát và ghi chép.
Sáng hôm sau, đọc tờ báo mới toe có bài ông ta viết “ Những điều mắt thấy tai nghe tại Trung Giã trong vùng kiểm soát của Việt Minh” Trong bài, tác giả ghi nhận chi tiết lượm được tại một trạm gác của quân ta: Có một đôi câu đối chữ Hán khắc trên gỗ quý sơn son thếp vàng được dùng để kê làm phản ngồi cho du kích làm nhiệm vụ canh gác!
Lợi hại thật. Chi tiết trong bài báo là bằng chứng tố Việt Minh coi thường các giá trị văn hóa dân tộc!
Rồi một hôm nhà báo Đào Tùng gặp Nguyễn Thanh Dương đưa một tập ảnh. Các PV phương Tây đang rất mót những tấm ảnh này. Vì khi quân Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ không có ai trong số PV phương Tây ghi lại cảnh tượng này cả mà chỉ có phóng viên Mặt trận của ta. Nếu có PV nào ngỏ ý tầm ảnh thì anh cứ xùy cho họ…
Chỉ vài giờ sau, một PV người Phần Lan nói tiếng Pháp ngỏ cái ý ấy ra với Nguyễn Thanh Dương. Anh ta rú lên mừng rỡ khi cầm những tấm ảnh. Mắt ông ta láo liên cảnh giác xem có ông bạn đồng nghiệp nào chứng kiến cái cảnh ông ta bỗng dưng may mắn được độc quyền những tấm ảnh quý giá như thế này không?
Dạ thưa ông, xin ông cho biết, ông định lấy bao nhiêu tiền và bằng loại tiền nào? Đông Dương hay Phật lăng hoặc USD?
Nguyễn Thanh Dương quá đỗi ngạc nhiên. Trời ơi, nếu báo chí nước ngoài công bố những tấm ảnh này thì chỉ có lợi cho ta. Cái lợi ấy tiền nào mua được!
Khi được biết mình được biếu không những tấm ảnh này, tay PV người Phần Lan nọ cực kỳ xúc động và nằn nèo xin được khoản đãi một chầu bia!
Sau khi báo cáo với đồng chí Lê Quang Đạo, người thay mặt phái đoàn phụ trách và làm việc với anh em báo chí, anh Đạo cười, nếu cần ta nên vào quán với họ không nên dè dặt quá.
Quán mà anh Lê Thanh Đạo nói ở đây là do quân nhu Pháp lập ở ngay địa điểm họp Trung Giã. Đó là những lều vải lớn điện thắp sáng trưng. Có tủ lạnh. quạt máy. Rượu, cà phê, đồ ăn nguội, nước giải khát, bánh kẹo, thuốc lá…
Được tổ chức cho phép, lần đầu tiên Nguyễn Thanh Dương và mấy nhà báo Việt Nam được dự chiêu đãi một trận bia thoải mái!
Tổng Biên tập đầu tiên của tờ Tiền Phong, Nguyễn Thanh Dương đã đi xa. Nhớ về anh là nhớ đến những bài học nghiệp vụ quý giá. Rằng, phóng viên được cử đi bám những sự kiện phải năng động, chủ động để mắt tới những hoạt động bên lề hoặc ngoài lề sự kiện. Khai thác được nhiều chuyện chi tiết sinh động bên lề sẽ làm tăng thêm hiệu ứng truyền thông cũng như tăng thêm tính hấp dẫn của tờ báo.