Khi phóng viên chạy xe ôm, khoan cắt bê tông

Phóng viên cùng những lao động tự do phá dỡ một ngôi nhà cấp 4
Phóng viên cùng những lao động tự do phá dỡ một ngôi nhà cấp 4
TP - Phóng sự là thể loại báo chí phản ánh cuộc sống phong phú, thu hút độc giả. Trong đó, phóng sự nhập vai có độ tin cậy hơn cả. Ở đó, cánh phóng viên chúng tôi được tôi luyện nhiều kỹ năng và tình yêu nghề nghiệp…

Bị xua đuổi, chọc kim tiêm vào lưng

Cuối tháng 9/2019, việc lái xe ôm công nghệ Nguyễn Cao Sang (18 tuổi, quê Thanh Hóa) bị hai đối tượng giết hại, cướp xe khiến dư luận phẫn nộ. Để có thông tin xác tín hơn về cuộc sống của lái xe ôm công nghệ, tôi được giao nhập vai, chạy GrabBike để viết phóng sự.

Sau khi tìm hiểu quy trình, đầu tháng 10/2019, tôi nộp hồ sơ. Mọi việc diễn ra dễ dàng trôi chảy, chỉ có điều khiến tôi lần thẩn suy nghĩ mãi: Không biết vì sao, các sinh viên, cả cử nhân mới tốt nghiệp cũng xung vào đội quân xe ôm này.

Khi phóng viên chạy xe ôm, khoan cắt bê tông ảnh 1 Phóng viên nhập vai làm tài xế xe ôm công nghệ

Với cánh xe ôm, đông khách, dễ kiếm ăn nhất là bến xe, bệnh viện và tôi chọn ngay địa bàn đó. Nhưng cũng chẳng “ngon ăn” chút nào vì đó là địa bàn của xe ôm truyền thống. Sáng sớm, tôi đến Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) bắt khách. Chỉ 10 phút, hệ thống báo có khách. Vừa bấm điện thoại đón khách, một bàn tay vỗ mạnh vào đầu xe quát: “Đi chỗ khác kiếm ăn”. Tôi nói, chỉ “bắt” khách qua ứng dụng, không bắt khách ngoài, người đàn ông chừng 40, xăm trổ đầy tay trừng mắt: “Không trong ngoài gì hết, đi chỗ khác”. Và tôi buộc phải đi để tránh cái nắm tay đang siết chặt của hắn ta.

Kỷ niệm hú hồn nhất trong đợt nhập vai hơn 1 tháng này là cuốc xe chở một thanh niên vẫy xe bên đường, đi từ Thanh Xuân đến Đông Anh với giá 200 nghìn đồng. Trời tối, đường xa nhưng thấy khách nhỏ con hơn mình nên tôi đồng ý. Đến chân cầu Đông Trù lưng tôi bị một vật nhọn thúc vào kèm tiếng quát của vị khách choai choai kia: “Móc hết tiền, điện thoại đưa đây”. Ngoảnh lại, tôi hoảng hốt khi thấy một ống tiêm, rất may là nắp ống tiêm chưa mở. Tôi móc hết ví được gần 400.000 đồng đưa cho vị khách quái quỷ này và xin để lại chiếc điện thoại còn “kiếm cơm”. Hắn đồng ý “tha”, cầm tiền rồi bỏ đi.

Kế hoạch tốt, hậu kỳ hanh thông

Phóng sự 3 kỳ “Tôi chạy GrabBike” được cơ quan đánh giá tích cực, khiến tôi càng tự tin hơn với đề tài nhập vai, dân sinh. Cuối tháng 5/2020, tôi tiếp tục thực hiện tuyến bài “Chợ người ký sự” do Phó Tổng biên tập Lê Minh Toản giao. Đây là một đề tài hay, nhưng khó, khó nhất là cái bóng quá lớn của cây phóng sự gạo cội Huỳnh Dũng Nhân với phóng sự “Tôi đi bán tôi”. Hơn 2 tháng vừa làm phóng viên ở tòa soạn, thi thoảng lại đi khoan cắt bê tông, bốc vác… tôi đã hiểu, đằng sau sự giàu sang, hào nhoáng ở Hà Nội, là cả thế giới của chợ người đang vật lộn để sống, trả nợ, lo cho con học hành. Sống và làm việc ở “chợ người”, tôi hiểu và biết “luật” riêng của họ, biết thế nào là đồng tiền mồ hôi nước mắt khi tay tôi run bần bật nhận tiền công sau một ngày khoan đục, vác bê tông quá sức. Và tôi biết cả những nguy hiểm chết người, biết cả những cám dỗ “ngọt ngào và man trá” của nghề thợ đụng đâu làm đó.     

Bài được tòa soạn ưu ái đăng tải dài kỳ, cũng có vài lời khen. Lãnh đạo Ban Bạn đọc nói (không biết khen hay chê): “Không cần năng khiếu, đao to búa lớn làm gì. Chú chỉ cần một vốc chữ vừa phải, lên kịch bản kỹ, lăn xả như vậy là có cái để đọc”.

Nói vậy, nhưng câu chữ, cấu tứ bài viết ở Tiền Phong là một “bể khổ” với phóng viên trẻ như tôi. Ban đầu tôi viết theo bản năng, những bản thảo gửi đi, bị gạch, xóa, khoanh tròn bằng mực đỏ chi chít như “bắn pháo hoa” khiến tôi nhiều lần bất an, chán nản. Nhưng sửa mãi, bản thảo cũng “sạch” dần lên, bài viết được sử dụng nhanh hơn, nhiều hơn.

Từ phóng viên mảng thể thao, chuyển sang Ban Bạn đọc đến nay được gần 2 năm, tôi thấy mình trưởng thành và chững chạc hơn rất nhiều trong nghề. Dù phải đánh đổi ít nhiều nhưng tôi thấy mình được nhiều hơn là mất. Được nhiều nhất là, những thông tin bài báo đưa ra được bạn đọc cảm nhận, thay đổi tích cực hơn trong cách nhìn và hành động.

Và bản thân tôi, tất nhiên là được nhiều thứ, trong đó, tôi có thêm rất nhiều người bạn. 

Bài được tòa soạn ưu ái đăng tải dài kỳ, cũng có vài lời khen. Lãnh đạo Ban Bạn đọc nói (không biết khen hay chê): “Không cần năng khiếu, đao to búa lớn làm gì. Chú chỉ cần một vốc chữ vừa phải, lên kịch bản kỹ, lăn xả như vậy là có cái để đọc”.

MỚI - NÓNG