Chuyện viết nhắn tin

Những đơn thư của bạn đọc gửi về báo Tiền Phong
Những đơn thư của bạn đọc gửi về báo Tiền Phong
TP - Nhiều bạn đọc gửi đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về báo Tiền Phong. Tuy nhiên, nhiều đơn trong đó không thể triển khai thành bài nên Tòa soạn đã xử lý dưới hình thức nhắn tin và chuyển đơn thư đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Tin ngắn…

Hơn hai chục năm trước, hồi mới về Tiền Phong làm việc, thỉnh thoảng tôi lại xuống Ban Bạn đọc để tìm hiểu công việc ở một “đầu vào” của báo. Trong số thông tin gửi về, lượng đơn thư của bạn đọc tố cáo tham nhũng, khiếu nại những việc oan sai, đặc biệt những kiến nghị về đất đai thường chiếm số lượng khá lớn.    

Ngay từ ngày ấy, để chắt lọc thông tin, không phải đơn thư nào có nội dung kể trên cũng được tòa soạn triển khai để viết thành bài. Bởi trong số đơn thư này, có không ít vụ việc nhỏ, thiếu tính điển hình, ít được bạn đọc quan tâm. Ngoài ra, có rất nhiều đơn thư về tranh chấp đất đai, khiếu nại vi phạm trật tự xây dựng thiên về những cá nhân đơn lẻ nên có ít người đọc. Đối với những đơn thư này, báo Tiền Phong thường đưa vào chuyên mục nhắn tin và chuyển đơn thư đến những cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Sau này, khi chuyển về Ban Bạn đọc và trực tiếp xử lý những đơn thư nói trên dưới dạng nhắn tin, tôi có dịp hiểu kỹ hơn về công việc này. Trước hết, đối với mỗi đơn thư là một câu chuyện cụ thể, trong đó có những chứng cứ, tài liệu kèm theo. Vì dung lượng nhắn tin không cho phép dài (thường trên dưới 200 từ), nên dựa vào những chứng cứ hiện có, mỗi nhắn tin phải viết làm sao cho đầy đủ nhất nội dung sự việc. Thậm chí, không ít lần nhận được những bộ hồ sơ dày, nhưng tôi vẫn phải đọc hết để viết một nhắn tin cỡ 200 từ. Làm vậy kể cũng có phần vất vả, nhưng điều đó thể hiện trách nhiệm của tờ báo đối với sự tin tưởng của bạn đọc khi họ gửi đơn thư đến tòa soạn.

… và những kết quả

Trực tiếp làm chuyên mục nhắn tin gần 15 năm qua, tôi thấy rằng, đối với một vụ việc có thông tin chính xác, thì việc làm nhắn tin và chuyển đơn tới những cơ quan chức năng vẫn sẽ có kết quả khả quan. Đơn cử, báo Tiền Phong nhận được đơn của ông Đỗ Văn Kha, trú tại phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) phản ánh việc nhà ở của gia đình ông bị ảnh hưởng bởi công trình đang thi công của Cơ quan thường trú Tây Bắc và Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 24, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Công an). Nhận tin, Ban Bạn đọc đã chuyển đơn và hồ sơ của ông Kha đến Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) để kiểm tra, xem xét. Một thời gian sau, Bộ Tư lệnh CSCĐ có văn bản hồi âm đến báo Tiền Phong, cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan bồi thường cho gia đình ông Kha tất cả những công trình, vật kiến trúc bị ảnh hưởng theo đơn giá nhà nước hiện hành.

Một vụ việc khác của ông Trần Ngọc Hởi, trú tại xã Tuy Lộc (Cẩm Khê, Phú Thọ) tố cáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Tuy Lộc đã sử dụng số tiền ủng hộ đợt 3 của quỹ “Vì biển đảo thân yêu” cho mục đích khác. Sau khi Tiền Phong đăng nhắn tin và chuyển đơn của ông Hởi tới cấp có trách nhiệm, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cẩm Khê có ngay văn bản hồi âm. Văn bản này cho biết, sau khi kiểm tra đã xác định Ủy ban MTTQ xã Tuy Lộc đã chuyển số tiền này vào Quỹ “Vì người nghèo” của xã Tuy Lộc. Ủy ban Kiểm tra Huyện Ủy Cẩm Khê yêu cầu Đảng ủy xã Tuy Lộc chỉ đạo MTTQ xã nộp bổ sung số tiền thu được của đợt 3 cho quỹ “Vì biển đảo thân yêu” vào tài khoản của Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, đồng thời tổ chức kiểm điểm tập thể và các cá nhân liên quan đến sự việc trên.

Trên đây chỉ là những ví dụ trong rất nhiều hồi âm của các cơ quan chức năng mà báo Tiền Phong nhận được. Những hồi âm này đều được đăng cụ thể trên mặt báo, khép lại một đơn thư bạn đọc. 

Không ít lần nhận được những bộ hồ sơ dày, nhưng tôi vẫn phải đọc hết để viết một nhắn tin cỡ 200 từ. Làm vậy kể cũng có phần vất vả, nhưng điều đó thể hiện trách nhiệm của tờ báo đối với sự tin tưởng của bạn đọc khi họ gửi đơn thư đến tòa soạn.

MỚI - NÓNG