Một thập kỷ điện ảnh: Vẫn cách kể chuyện cũ, giả?

Một thập kỷ điện ảnh: Vẫn cách kể chuyện cũ, giả?
TP - Trước Ngày điện ảnh (15-3) và lễ trao giải Cánh diều 2011, giới điện ảnh lại tụ hội trong hội thảo “Một thập kỷ điện ảnh Việt Nam-Nhìn nhận và đánh giá”.

> Phim tư nhân áp đảo Cánh diều

Hội thảo diễn ra vào sáng qua, 8-3 với mong muốn xới lại nhiều trăn trở suốt thời gian qua.

Thập kỷ đầu của thế kỷ 21, điện ảnh Việt Nam sản xuất khoảng trên dưới 100 bộ phim điện ảnh, theo các dòng nhà nước đặt hàng, tư nhân sản xuất, phim Việt kiều và dòng phim độc lập.

Tại hội thảo này, có người đùa: Muốn biết điện ảnh Việt Nam thập kỷ qua thế nào, cứ nhìn thành phần tham dự hội thảo thì rõ. Ngoài lãnh đạo Hội Điện ảnh, Cục phó Phụ trách Cục điện ảnh Ngô Phương Lan, hội thảo chỉ tụ hội được một số nhà biên kịch, đạo diễn, phê bình vốn chịu khó tham luận ở nhiều cuộc hội thảo gần đây. Xin ghi lại ý kiến tâm huyết của ba đại biểu:

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn: Không có phim hay vì sao?

Ngày trước các đạo diễn chờ dài cổ mới được làm phim: anh Vũ Xuân Hưng 15 năm mới được làm phim đầu tay, anh Thanh Vân cũng mất 10 năm. Còn hiện nay các đạo diễn trẻ ra trường, không ai muốn làm thư ký, trợ lý hay phó đạo diễn. Dường như chức danh này với họ là sự xúc phạm nên họ nhảy vào làm phim dài tập, phim điện ảnh ngay. Chẳng có vốn liếng gì cả, đầu họ là internet, tim họ là internet và phim của họ cũng như thế. Sân chơi phim truyện 1 tập thời gian trước nay biến mất, trong khi đó là nơi rèn luyện nghề cho các biên kịch, đạo diễn trẻ.

Chúng ta phải nhìn lại chặng đường vừa qua, xem biên kịch có cách kể gì mới không, đạo diễn có cách dựng nào hay không, quay phim có góc quay nào tốt không, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên có chuyên nghiệp không? Phim chiến tranh gần đây dựng rất giả, không thuyết phục bằng thời trước, không có trường đoạn hay về chiến tranh. Tất cả những cảnh quay đẹp nhất về Việt Nam thì người nước ngoài làm hết rồi, chúng ta gần như chỉ đào tạo được những người ghi hình, thiếu quay phim đúng nghĩa. Thoại quá thừa, gần như không có câu thoại nào đắt giá. Dù hội thảo nhiều lần, nhưng gần như chưa bàn đến chuyện áp dụng công nghệ mới vào điện ảnh ra sao.

Trong tất cả các phim 10 năm qua, cách kể của chúng ta vẫn cũ, cũ hơn cả những phim trước đây, không đồng hành với cách kể của Đông Nam Á, cũng không giống với cách kể của thế giới. Câu chuyện của chúng ta lắt léo, nhưng con người trong phim lại quá đơn giản. Chúng ta cứ chia ra địch với ta, chính với tà, lương thiện với độc ác, con người đã được định hình như thế rồi thì người ta còn xem làm gì nữa.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Trại sáng tác có lợi ích gì?

Tôi từng nhiều lần đi trại viết từ năm 1986, nhưng càng đi càng phân vân: Nên hay không tổ chức, tham gia trại viết? Mười năm trở lại đây sự cần thiết dự trại càng trở nên đáng nghĩ ngợi, nó giống chuyến du lịch nghỉ dưỡng hơn là đi lao động.

Ở cương vị người sáng tác, gần như ai cũng biết chừng mươi ngày tụ họp ở nơi non xanh nước biếc, tiện nghi đầy đủ thì ai còn lòng dạ nào viết nữa. Xem ra hiệu quả cuối cùng của các trại viết phần lớn mang nặng tính thắng lợi tinh thần. Hội tổ chức ít nhất mỗi năm 4 trại viết, mỗi trại gần 20 hội viên, nhưng kịch bản vẫn trong tình trạng èo uột. Tôi cũng chính là một thủ phạm tham gia liên tục vào các trại viết này.

Gần đây có cải thiện, ngành đầu tư chiều sâu cho kịch bản nào có cơ hội đáng nâng tầm, nhưng chưa thấy kịch bản nào được đầu tư chiều sâu như thế chứng tỏ sự thích đáng, cần thiết của nó đối với sự kỳ vọng của ngành và xã hội. Xem ra việc tổ chức trại viết chứng tỏ sự chông chênh ở tính mục đích. Bù lại nó gắn kết các hội viên, nên cũng không thể bỏ vì như thế khác nào rút lửa của người sáng tác.

Đạo diễn Thanh Vân: Đầu ra cho phim nhà nước

Bên lề hội thảo, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: “Trong phần duyệt tổng dự toán làm phim do nhà nước cấp vốn, không có khoản dành cho quảng bá phim. Nhiều khi phim nhà nước làm ra không dám phát hành, sợ càng phát hành càng lỗ.

Tôi cho rằng nên có sự kết hợp gữa nhà nước và chủ các rạp lớn, có cách thương thảo để dành phòng chiếu nào đấy cho các phim nghệ thuật. Khi ấy chúng ta chấp nhận lấy doanh thu của các phim bom tấn để bù đắp cho phim được gọi là nghệ thuật, kén khách. Đây cũng là cách làm của nhiều nước, nuôi dần thói quen khi đến rạp này sẽ có phòng chiếu chuyên chiếu phim nghệ thuật, tạo điều kiện cho dòng phim này xuất hiện.

Hiện nay, có điều rõ ràng là nhiệt huyết, lòng kiêu hãnh của người làm phim điện ảnh nhà nước đang bị tổn thương. Với mức thù lao dành cho đạo diễn thấp thì làm sao có phim hay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.