Món quà đặc biệt ý nghĩa với các cựu tù Côn Đảo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 25/3, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong đồng thời là đồng Trưởng ban tổ chức giải Tiền Phong Marathon 2022, có chuyến thăm và tặng quà các cựu tù Côn Đảo đang sinh sống tại đảo.

Ký ức không phai

Ngục tù Côn Đảo trải qua 113 năm tồn tại với 20 hầm đá, 14 xà lim, 31 gian biệt lập chuồng bò, 120 gian chuồng cọp thời Pháp, 384 gian chuồng cọp thời Mỹ dựng lên để đàn áp người yêu nước Việt Nam, song “địa ngục trần gian” ấy đã thất bại trước tinh thần chiến đấu của những người yêu nước và chiến sĩ cách mạng.

Món quà đặc biệt ý nghĩa với các cựu tù Côn Đảo ảnh 1

Ban tổ chức giải Tiền Phong Marathon 2022 trao quà cho bác Nguyễn Văn Ước. Ảnh: Trọng Tài

Thời kỳ Pháp thuộc, nhà tù Côn Đảo được sử dụng để giam cầm những người yêu nước và chí sĩ cách mạng, đến thời Mỹ Ngụy thì đây là nơi địch giam cầm, khủng bố và thủ tiêu những người yêu nước, tù chính trị, dù phần lớn họ bị bắt trong tình trạng không có vũ khí và không tham gia các lực lượng quân đội, vũ trang.

Đến thăm gia đình cựu tù Nguyễn Văn Ước (sinh năm 1940, hiện sinh sống tại Côn Đảo), nhà báo Lê Xuân Sơn chia sẻ: “Sở dĩ Giải Tiền Phong Marathon 2022 được tổ chức trên Côn Đảo là để tiếp bước truyền thống lịch sử hào hùng của các thế hệ đi trước. Giải quy mô rất lớn với gần 4.000 người chạy và có nhiều đơn vị phối hợp cùng báo Tiền Phong tổ chức, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Côn Đảo. Việc đưa giải ra đảo rất khó khăn, nhưng giải đã có khẩu hiệu “Theo dấu chân huyền thoại”. Các chú, các bác cựu tù chính là những huyền thoại để lớp trẻ noi theo nên Ban tổ chức quyết tâm tổ chức giải thành công nhất như một món quà ý nghĩa tặng các cô bác cựu tù và người dân Côn Đảo”.

Bác Ước xúc động khi đoàn đại diện của Ban tổ chức Giải Tiền Phong Marathon tới tận nhà thăm và tặng quà. Nhiều lúc vừa nói chuyện bác vừa rơm rớm nước mắt. Bác nói: “Tôi quê ở Kiên Giang, theo anh chị làm liên lạc từ nhỏ. Dù khi bị bắt tôi chỉ là cậu bé liên lạc, không cầm súng trên tay, nhưng vẫn bị địch giam ở Côn Đảo tròn 16 năm và dùng nhiều cực hình tra tấn”.

Bác Ước kể: “Cảnh tù ăn uống cực khổ. Địch chỉ cho ăn mắm. Mười ngày ăn mắm ruốc, mười ngày ăn mắm khô. Nghe mùi nhiều người đã ói không ăn được rồi. Rau không có. Nước rất hiếm. Một ngày nó cho một lon sữa bò nước để tắm rửa nên bị ghẻ, hoại tử, nhiều người chết”.

Sau giải phóng, bác tính về quê vì từ lâu không có tin tức gia đình, nhưng trên đảo khi ấy không có dân, bác theo tiếng gọi của địa phương, trở thành một trong 150 người đầu tiên tình nguyện ở đảo. Nhớ lại những ngày đầu tiên xây dựng Côn Đảo, bác Ước nói: “Lúc đó đảo không có gì hết, một con thuyền đánh cá cũng không có. Tôi được phân công làm công tác giao thông, lập tức vào đất liền, xin tàu bè của các tỉnh đưa ra cho đảo sinh hoạt”.

Trong tim là hình ảnh Bác Hồ

Món quà đặc biệt ý nghĩa với các cựu tù Côn Đảo ảnh 2

Bác Nguyễn Xuân Viên kể chuyện đấu tranh trong tù. Ảnh: Trọng Tài

Chia tay bác Ước, Đoàn đại diện Ban tổ chức Tiền Phong Marathon 2022 và các nhà tài trợ, trong đó có Ngân hàng Argribank, tới thăm và tặng quà cho bác cựu tù Nguyễn Xuân Viên. Bác Viên vốn là du kích ở Quảng Nam, chỉ vì quyết không đi lính, quyết không làm tay sai cho chế độ cũ mà bị giam cầm tại nhiều nhà tù và cuối cùng bị đày ra Côn Đảo.

Bác Viên kể: “Tại Côn Đảo, địch bắt chúng tôi dẫm lên ảnh Bác, xé cờ Đảng…, chúng tôi dứt khoát không làm. Chúng giam chúng tôi vào chuồng cọp, không cho ăn, tra tấn cực hình”.

Lòng tin yêu Bác Hồ và niềm tin vào cách mạng như ngọn lửa không bao giờ tắt. Bác Viên kể: “Kỷ niệm sinh nhật Bác trong tù, chúng tôi treo ảnh Bác lên. Chúng nó ở trên quăng lựu đạn cay vào. Chúng tôi vẫn không hạ ảnh Bác xuống. Cuối cùng, chúng phóng hỏa tiễn vào phòng giam. Lửa cháy đỏ rực, mấy anh em hy sinh”.

Địch xem bác Viên là phần tử “cực kỳ nguy hiểm” nên giam hẳn trong xà lim. Bác kể: “Tôi bị giam trong xà lim lâu quá, biệt lập với bên ngoài, tới mức ngày 30/4/1975, có người vào mở cửa tù, nhưng chúng tôi ngồi im không ra. Họ nói: “Giải phóng rồi các anh ra đi”. Chúng tôi bảo: “Chúng tôi mà bước ra, các anh lại vu cho chúng tôi vượt ngục để đánh chúng tôi sao. Nếu giải phóng rồi thì đưa đài vào đây mở tin tức, chúng tôi nghe, mới tin. Họ đưa radio vào, mở đài Hà Nội. Khi đó anh em chúng tôi mới vỡ òa rằng đất nước chúng ta đã thống nhất rồi và ùa ra sân”.

Cùng thăm lại nhà tù

Món quà đặc biệt ý nghĩa với các cựu tù Côn Đảo ảnh 3

Bác Nguyễn Thị Ni thăm trại tù Phú Hải. Ảnh: Trọng Tài

Lãnh đạo báo Tiền Phong và đại diện Ban tổ chức Giải Tiền Phong Marathon đã đến thăm nữ cựu tù duy nhất còn sống tại Côn Đảo. Đó là bác Nguyễn Thị Ni năm nay 84 tuổi. Trong cảm xúc dâng tràn, bác Ni cùng đoàn đi thăm lại nhà tù Côn Đảo.

Đoàn cùng bác Ni vào thăm phòng giam số 6, trại tù Phú Hải, nơi từng giam cầm bác. Bác Ni kể chuyện với đồng Trưởng ban tổ chức giải Tiền Phong Marathon 2022: “Chuyến tàu đưa tôi ra đảo có 36 chị em đều là nữ tù. Nhiều người đã hy sinh, đã mất, hiện giờ trên đảo còn lại mình tôi”. Ôn lại những năm tháng kháng chiến, bác Ni nói: “Ngày xưa đi làm cách mạng không có đồng xu cắc bạc nào cả. Đi đâu cũng có các má, các chị nuôi. Đợi các con đánh trận về để nấu bánh tét, làm heo cho ăn. Nó đi chống Mỹ, chống Pháp, tối đánh đồn không biết có về hay không, lúc nào cũng lo cho ăn no đủ. Đi dân mến, ở dân thương”.

Bùi ngùi đứng trong phòng giam, bác Ni nói: “Có những cuộc đấu tranh giằng co trong tù, chúng tôi không chịu lăn tay điểm chỉ, địch tra tấn dã man, 4 chị hy sinh, trong đó có 3 người hy sinh trước mắt tôi. Khi các chị mất đi, chúng tôi khiêng các chị chôn trên nghĩa trang Hàng Dương. Lúc khiêng đi thấy rất nhẹ, vì người các chị ốm do bị tra tấn, chỉ còn xương da hơn vài chục ký”.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn, đồng Trưởng Ban tổ chức giải Tiền Phong Marathon 2022, ông Nguyễn Huy Trinh - Giám đốc Agribank chi nhánh Sài Gòn, ông Quách Tá Khang - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Agribank đã tặng quà cho tất cả các cựu tù Côn Đảo, tri ân những đóng góp và hy sinh lớn lao của các cô, các bác.

Nhà báo Lê Xuân Sơn trân trọng mời các cựu tù Côn Đảo dự lễ dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang Hàng Dương vào chiều 26/3 tưởng niệm hơn 20.000 anh hùng, liệt sĩ, các chí sĩ yêu nước đã ngã xuống trên mảnh đất Côn Đảo trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước.

MỚI - NÓNG