Côn Đảo – Từ địa ngục tới thiên đường: Nguyên khí đất thiêng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một trong những người chúng tôi gặp trong chuyến công tác tại Côn Đảo kỳ này là anh Phan Thanh Biên- Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Côn Đảo. Là một người thuộc thế hệ trẻ đầu tiên lớn lên và trưởng thành tại Côn Đảo, anh Biên đã kể về cuộc sống với khát vọng của một thế hệ trẻ tại hòn đảo tươi đẹp này.

Nối gót cha anh

Anh Phan Thanh Biên là con của cựu tù Côn Đảo Phan Hoàng Oanh - một trong 150 cựu tù đã tình nguyện ở lại xây dựng Côn Đảo vào tháng 5/1975 mà chúng tôi đã nhắc tới trong bài trước. Anh Biên sinh năm 1977 tại Côn Đảo, thuộc thế hệ công dân đầu tiên sinh ra trên hòn đảo đã từng mệnh danh là “Địa ngục trần gian”. Anh Biên kể ngày đó Côn Đảo rất ít dân, chủ yếu là các hộ gia đình công tác tại đảo và trường học tuy có nhưng thiếu thầy cô giáo. Khó khăn như thế nhưng tới năm 1994, Côn Đảo đã có thế hệ đầu tiên tốt nghiệp phổ thông. “Tôi còn nhớ khi đó cả Côn Đảo chỉ có 15 em tốt nghiệp. Dù ít học sinh nhưng trường vẫn thành lập Hội đồng thi, chấm thi rất nghiêm túc”- anh Biên kể.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Biên theo học Đại học Bách khoa ngành Quản lý Công nghiệp rồi học Thạc sỹ Quản lý hành chính công. Cũng có bạn bè rủ anh vào đất liền làm việc nhưng anh từ chối. “Tôi đã xác định ngay từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông, tôi sinh ra trên hòn đảo này thì đây là quê hương, sao lại bỏ đi khi chưa làm được gì cho quê hương chứ!”. Trở về Côn Đảo, anh Biên làm việc tại Phòng kinh tế huyện một thời gian rồi tham gia HĐND huyện. Là con một cựu tù, lại được sống trên mảnh đất từng là trường học lớn của cách mạng, anh Biên có cơ hội để phát huy được những năng lực, tinh thần của một cán bộ trẻ năng động, có trình độ học thức. Được quần chúng và đồng nghiệp tin tưởng, anh Biên được bầu làm Phó Bí thư thường trực của Huyện uỷ Côn Đảo nhiệm kỳ 2020 - 2025 và là Chủ tịch HĐND huyện trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

Một gương mặt trẻ khác tại Côn Đảo mà chúng tôi muốn nhắc tới là cô gái Nguyễn Thị Thu Thảo, người từng là Thủ lĩnh thanh niên tại Côn Đảo trong nhiều năm. Là người con của mảnh đất Côn Đảo, Thu Thảo đã góp sức rất nhiều để nâng cao vị thế, uy tín của lực lượng trẻ tại hòn đảo này. Cách đây 5 năm cũng trong dịp tháng 3, khi lần tới Côn Đảo để tìm hiểu về hoạt động trong tháng thanh niên, nhiều người dân đã nói “Ở Côn Đảo, mỗi khi có khó khăn hãy tìm đến cô Thảo Bí thư” và coi như đó là “bí quyết” của những người nghèo nơi đây khi cần giúp đỡ. Thu Thảo sinh ra và lớn lên ở Côn Đảo và khi lớn lên, tiếp nối truyền thống của gia đình Thảo đã tích cực tham gia hoạt động phong trào. Theo học trường Đoàn Lý Tự Trọng, Thảo chọn về lại Côn Đảo làm công tác phong trào. Thảo cho biết: “Côn Đảo của em còn nhiều người nghèo lắm nên em muốn đem chút sức mình để giúp đỡ họ. Không gì bằng được làm việc ở quê hương”.

Côn Đảo – Từ địa ngục tới thiên đường: Nguyên khí đất thiêng ảnh 1

Nguyễn Thị Thu Thảo đi làm từ thiện trong màu áo thanh niên Ảnh: NVCC

Hơn 10 năm làm Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Côn Đảo, Thảo đã đưa phong trào của huyện lên một tầm cao mới với nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa và gắn bó với thanh niên. Đặc biệt với đặc thù của Côn Đảo, Thảo đã cùng Ban chấp hành sáng tạo ra nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả như tổ chức chăm sóc dọn dẹp nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương; xây dựng chương trình “Tham quan hệ thống nhà tù Côn Đảo”; chương trình “Xanh - sạch Côn Đảo”… Các hoạt động của Huyện Đoàn Côn Đảo được các cấp lãnh đạo đánh giá cao và liên tục nhiều năm liền Huyện Đoàn đạt danh hiệu xuất sắc. Bên cạnh việc phát huy vai trò một thủ lĩnh thanh niên, Thảo còn khéo léo vận dụng từ kinh nghiệm của bản thân để đưa ra mô hình hoạt động từ thiện khá hiệu quả là xây dựng quỹ Ủng hộ người nghèo, người khó khăn tại địa phương. Thảo cùng các đoàn viên đi sâu sát ở cơ sở, tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn để vận động mọi người cùng giúp đỡ. Hơn 3 năm xây dựng quỹ, Thảo đã quyên góp được hàng tỷ đồng, giúp đỡ được rất nhiều người bệnh, người nghèo.

Truyền thống trường tồn

Côn Đảo – Từ địa ngục tới thiên đường: Nguyên khí đất thiêng ảnh 2

Ông Phan Thanh Biên (bìa phải) trong một lần đi trao quà cho lực lượng y bác sỹ

chống dịch tại Côn Đảo Ảnh: NVCC

Chuyến đi này chúng tôi được Ban Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo giới thiệu anh Đỗ Quốc Vương - một cán bộ trẻ của trung tâm đưa chúng tôi đi thăm các di tích. Vương sinh ra và lớn lên ở Đất Đỏ (mảnh đất cái nôi của cách mạng và là quê hương của người nữ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu). Nhập ngũ và ra đóng quân tại Côn Đảo, Vương trót yêu hòn đảo này nên sau khi ra quân, Vương đã xin ở lại Côn Đảo, lựa chọn làm hướng dẫn viên của Ban quản lý di tích để giới thiệu về mảnh đất này với mọi người. Anh Vương kể những ngày đầu tiên khi làm công tác hướng dẫn, anh gặp rất nhiều khó khăn bởi tư liệu của Côn Đảo rất nhiều nhưng để thu hút được người nghe là một điều rất khó. Những tư liệu về chính trị nếu không biết nói sẽ rất khô khan. “Tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều tư liệu, học hỏi những anh chị đi trước cũng như gặp những nhân chứng lịch sử để lắng nghe họ kể chuyện. Những câu chuyện rất đời, rất thực tế của 113 năm của Địa ngục trần gian sẽ dễ thu hút người nghe hơn”.

“Côn Đảo đã có một thế hệ những người trẻ đang làm những công việc khác nhau hay giữ những vị trí lãnh đạo trong nhiều ban ngành tại đây. Họ đều giống nhau ở chỗ, tâm huyết với Côn Đảo, đem trình độ tri thức cùng sự đam mê của sức trẻ để tiếp bước cha anh tiếp tục dựng xây Côn Đảo phát triển mạnh mẽ”.

Ông Đoàn Hữu Hoài Minh - Nguyên Phó Ban quản lý Di tích Côn Đảo

Từ những kinh nghiệm trong thực tế, anh Vương đã khéo léo đưa các tư liệu sống động vào bài thuyết minh của mình và trở thành một trong những hướng dẫn viên tiêu biểu tại Côn Đảo. Trong suốt 2 tiếng đưa chúng tôi đi thăm các di tích, rất nhiều du khách hút hồn theo những câu chuyện anh Vương giới thiệu. Những câu chuyện kể về cuộc sống và tranh đấu của những người tù cách mạng qua lời thuyết minh của anh Vương hấp dẫn, cuốn hút người nghe. Khi anh Vương nói lời kết cho chuyến đi, hàng chục du khách đứng vây quanh đã vỗ tay khen ngợi.

Hiện nay anh Vương đã chuyển sang làm công tác quản lý đội ngũ hướng dẫn viên trẻ. Dưới sự quản lý của anh, hiện Trung tâm có hơn 20 hướng dẫn viên trẻ, có năng lực và có sự đam mê với công việc. Anh Vương bảo: “Khí phách, nghị lực và ý chí trong suốt 113 năm đấu tranh của những người tù nơi mảnh đất này đã giúp cho chúng tôi thêm yêu công việc của mình. Chúng tôi mong sẽ góp phần nhỏ bé của mình để giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc tới những người ghé thăm Côn Đảo”.

MỚI - NÓNG