Theo dấu chân huyền thoại: Ký ức của một cựu tù Côn Đảo

TPO - Nhân dịp giải Tiền Phong Marathon năm 2022 tổ chức tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chúng tôi tìm gặp những người trước đây từng là cựu tù trên hòn đảo từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Trải qua không biết bao nhiêu đau thương, mất mát, họ vẫn kiên cường sống, thậm chí, sống thanh thản, hạnh phúc trên chính mảnh đất huyền thoại này.

Thông qua giới thiệu của Phòng Văn hoá Thông tin huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Viên – một trong những cựu tù Côn Đảo sinh sống ở trên đảo.

Theo dấu chân huyền thoại: Ký ức của một cựu tù Côn Đảo ảnh 1

Ông Nguyễn Xuân Viên, cựu tù Côn Đảo. Ảnh: Trọng Tài

Nhà ông Viên khá nhỏ nhưng ấm cúng, được một tờ báo ở Hà Nội xây tặng đã nhiều năm, nằm ngay cạnh con đường lớn, được rải nhựa phẳng lì. Ông Viên sinh năm 1944, người gầy gò, quắc thước. Thấy chúng tôi đến, ông rời chiếc võng, ngồi dậy nói chuyện. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Tư, nói ông sức khoẻ yếu, nhưng ký ức về những năm tháng ở trong nhà tù Côn Đảo ông không bao giờ quên được...

Ngủ thấy chiêm bao còn bật dậy

Thưa ông, ông có thể kể lại về quá trình ông hoạt động cách mạng và thời điểm ông bị địch bắt, tù đày ở Côn Đảo?

Tôi quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng, đi du kích năm 1965, đi lại, hoạt động nhiều nơi lắm. Tôi hoạt động được 3 – 4 năm thì bị Mỹ bắt. Tôi bị lưu đày ở Quảng Nam - Đà Nẵng vài năm rồi đưa vô nhà lao Tân Hiệp (Biên Hoà, Đồng Nai), được 1 năm thì đưa vào khám lớn Chí Hoà (Sài Gòn), rồi được 1 năm lại trả về nhà lao Tân Hiệp. Ý của nó là giao lại cho VNCH để bắt đi lính nhưng tôi không chịu.

Trong nhà lao cũng nhiều dạng lắm, cũng có kẻ chịu đi lính, có kẻ đầu hàng theo VNCH. Tôi không chịu đi nên đày ra Côn Đảo. Khoảng năm 1969 -1970 gì đó. Bây giờ đi ra Côn Đảo thì đi tàu to, ngồi trên boong, nhưng hồi đó chúng tôi bị còng tay, còng chân, bịt mồm, bịt miệng, ói mửa, ăn ỉa, ngủ chung dưới hầm tàu.

Ra đến nơi thì nó tống vào "chuồng cọp". Nó ra những điều kiện, nếu theo nó thì phải hô đả đảo lãnh tụ bên mình, đả đảo chế độ mình, hoan hô chế độ nó. Cũng có kẻ làm, vì sức khoẻ bản thân, vì hoàn cảnh gia đình cha già, mẹ yếu vợ dại con thơ. Tôi ở chung với anh em, không theo nó.

Theo dấu chân huyền thoại: Ký ức của một cựu tù Côn Đảo ảnh 2

Ông Nguyễn Xuân Viên cùng vợ, bà Nguyễn Thị Tư xem lại ảnh tư liệu chụp lại lần các cựu tù Côn Đảo gặp nhau. Ảnh: Trọng Tài

Những người không theo bị nó hành hạ, nhịn đói nhịn khát. Nó đánh đập suốt, hoặc tạo cớ đánh đập. Mình ở trong "chuồng cọp", nghe mở cửa, tưởng nó cho ra tắm nắng. Nó hỏi bữa nay ngày mấy, có nhớ không? Nếu nhớ nó cũng đánh, mà không nhớ nó cũng đánh. Chúng tôi ở trong "chuồng cọp" miết, có biết mặt trăng, mặt trời, ngày tháng gì đâu.

Tù nhân ở Côn Đảo hy sinh nhiều, giờ nhiều người về lại đất liền rồi, nhưng nhiều người vẫn nằm lại ở nghĩa trang. Mỗi năm, dịp 20/6 âm lịch, trên đảo đều có giỗ. Cả trăm mâm cơm, nhiều cựu tù Côn Đảo cũng ra đây. Hai năm nay, dịch COVID-19 nên không tổ chức được…

Tôi ở cả "chuồng cọp Mỹ", "chuồng cọp Pháp", ở đến tận ngày cuối cùng. Tôi ở phòng cuối cùng. Nếu các chú đến thăm nhà tù thì sẽ thấy. Ngày giải phóng, ở vòng ngoài người ta hoan hô nhiều lắm, hoan hô Chính phủ cách mạng lâm thời, hoan hô ngày miền Nam giải phóng. Mình ở trong cùng, nghe mang máng thế, chứ cũng không biết hoan hô gì. Các chú thăm quan chuồng cọp chưa? Chú ở Hà Nội đã đến nhà tù Hoả Lò rồi à. "Chuồng cọp" ở đây chắc cũng không thua kém gì ở Hoả Lò đâu. Tôi nghe qua truyền hình, báo chí thấy vậy chứ cũng chưa có dịp ra đó.

Trải qua những đau thương như vậy, sao ông lại quay lại Côn Đảo để lập nghiệp và sinh sống đến tận bây giờ?

Tôi gắn liền với Côn Đảo hàng chục năm. Khi về Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí, đồng đội ở ngoài này gọi điện, bảo tôi quay trở ra, sống với anh em. Ngày trước thì đông lắm, 50 – 70 người. Nhưng giờ không còn bao nhiêu. Bên Cỏ Ống có hai người thì mất một người rồi. Bên này còn ba người thì mất một người rồi, chỉ còn hai. Trên đảo giờ chỉ còn ba người thôi. Tôi ra đây được phân công làm công tác bảo tàng, bảo vệ chính những di tích đau thương nhà tù Côn Đảo.

Theo dấu chân huyền thoại: Ký ức của một cựu tù Côn Đảo ảnh 3

Ông Nguyễn Xuân Viên kể lại những ký ức kinh hoàng thời ở nhà tù Côn Đảo. Ảnh: Trọng Tài

Làm công tác bảo tàng, đối diện với chính những hiện vật từng gây đau thương cho mình và các đồng chí. Rồi ở trên đảo, đối diện với những người từng ở bên kia chiến tuyến, ông có suy nghĩ gì?

Sau giải phóng thì chúng tôi cũng học tập về việc hoà hợp, hoà giải dân tộc. Quá khứ khép lại. Biết chú là thằng ác ôn, thằng quân quỷ, là căm thù, nhưng mình học tập rồi, vẫn cùng là đầu đen máu đỏ, vẫn là da vàng, cùng nhau xoá bỏ tất cả. Cho nên mới gắn liền sống tới bây giờ. Mấy ông giám thị bây giờ còn nằm ở đây. Ổng chết rồi, nhưng con cái ổng còn ở đây. Mình đâu có...

Với ông, những ký ức dù đau thương tột cùng nhưng sẽ không bao giờ quên?

Làm sao quên được. Ghê lắm. Nằm ngủ thấy chiêm bao bật dậy chứ đừng nói là quên. Sau giải phóng, nhiều cai ngục vẫn còn ở đây. Hiện họ đã mất rồi nhưng con cái họ vẫn ở đây. Nhiều khi đối diện với họ hàng ngày, nhưng cũng không có gì là ác cảm. Quá khứ khép lại, hướng tới tương lai, hoà hợp dân tộc rồi thì không còn gì hết.

"Thương ổng nên tôi làm hết"

Bà Nguyễn Thị Tư: Cứ đến dịp 30/4, lúc 8h sáng, bác trai thường kể lại, thời điểm này, anh mới ra ngoài tới song cửa. Rồi ông sửa soạn đi ra ngoài. Tôi hỏi đi đâu, ông bảo là đi thắp cho bạn anh nén hương. Mấy đồng đội ở cùng khu đang nằm lại ở nghĩa trang. Hồi đó, dịp sinh nhật Bác Hồ, mấy anh treo phông màn, khẩu hiệu kỷ niệm thì bọn chúng bắt gỡ xuống nhưng các anh không chịu. Nó ném lựu đạn cay vào, các anh ném ra. Sau đó chúng dùng loại vũ khí khác, bốn người bị nóng quá nên hy sinh. Tù nhân ở Côn Đảo hy sinh nhiều, giờ nhiều người về lại đất liền rồi, nhưng nhiều người vẫn nằm lại ở nghĩa trang. Mỗi năm, dịp 20/6 âm lịch, trên đảo đều có giỗ. Cả trăm mâm cơm, nhiều cựu tù Côn Đảo cũng ra đây. Hai năm nay, dịch COVID-19 nên không tổ chức được…

Theo dấu chân huyền thoại: Ký ức của một cựu tù Côn Đảo ảnh 4

Ông Nguyễn Xuân Viên cho biết ,dù trải qua nhiều đau thương, nhưng trên tinh thần hoà hợp, hoà giải dân tộc, ông không hận thù những người bên kia chiến tuyến, những người từng gây đau thương cho ông và đồng đội. Ảnh: Trọng Tài

Tại sao ông sức khoẻ yếu như thế mà bà vẫn lập gia đình cùng, lại cùng ra Côn Đảo xa xôi này lập nghiệp?

Bác trai về quê năm 1975, sau đó gặp tôi rồi cưới. Khoảng năm 1981 thì ra lại Côn Đảo. Tôi nghĩ, cũng là cái duyên chú ơi. Đến giờ tôi vẫn nói với bác trai là duyên nợ, chứ không nghĩ là có thể thành vợ chồng rồi ra đây đâu. Lúc đám cưới tôi nói, sức khoẻ anh có 50% thôi, công việc làm nặng nhọc em phải gánh vác nhiều hơn. Lúc ra đảo vất vả lắm. Sức khoẻ bác trai lại yếu. Ăn bo bo các thứ, khổ ghê lắm nhưng tôi vẫn chấp nhận. Bác trai đi làm việc ở cơ quan nhưng chiều về phải vô rẫy trồng cà, trồng cải để bán thêm kiếm tiền. Tôi chưa bao giờ để bác trai phải gánh một gánh phân, bác chấp nhận làm hết. Thương ổng nên tôi làm hết.

Chúng tôi có mấy đứa con, giờ cũng trưởng thành, có vợ có chồng hết rồi. Hai đứa lớn, đứa làm bác sĩ, đứa làm bên đài truyền thanh, truyền hình. Con gái làm ở bưu điện. 4 cháu nội, 2 cháu ngoại. Chúng nó cũng ở đây với ông bà luôn. Rất là hạnh phúc.

Theo dấu chân huyền thoại: Ký ức của một cựu tù Côn Đảo ảnh 5

Nhóm phóng viên báo Tiền Phong chụp ảnh cùng ông Nguyễn Xuân Viên. Ảnh: PV

Diễm phúc lớn nhất là địa phương rất quan tâm, các cấp, ban, ngành, đoàn thể quan tâm đến bác trai. Ngày lễ, Tết đều đến thăm, động viên. Bà Trương Mỹ Hoa – Nguyên Phó Chủ tịch nước, cũng từng là cựu tù Côn Đảo vẫn thường ra đây thăm. Bà vừa ra đây 2 – 3 tuần trước, bà nắm tay bác trai bảo: "Anh ráng sống thêm nha, em còn ra thăm nữa”. Giờ bác trai cũng yếu lắm rồi, mắt mờ, chân tay yếu, đi lại khó. Ổng cũng ăn ít, phải ép mới ăn thêm…

Côn Đảo ngày xưa là “địa ngục trần gian”. Trải qua cả đời người gắn bó, ông thấy Côn Đảo ngày nay thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Viên: Côn Đảo giờ khác nhiều chú ơi. Trước đây là "địa ngục trần gian". Nay nhà nước phong tặng là mảnh đất anh hùng. Như nhà tôi chú đi vô tới nhà, đi đường nhựa. Ngày xưa tôi từ trại này bị kéo đi trại khác toàn đường đất, mà đi lúc giữa trưa nắng. Mình ở trong tù có ra ngoài đâu, chân lủng hết. Bước vô trong nhà tù là nó đánh. Đi vào trại 3 ngày sau chân mình lột hết da. Nóng quá bị lột hết da. Mà phải chịu, không chịu nó đánh cho. Mà nó không đánh chết đâu, nó đánh cho kinh sợ thôi.

Tin liên quan