Bác Viên (phải) - cựu tù Côn Đảo đang xem lại các bức ảnh cùng đồng đội là cựu tù năm xưa. Ảnh: Trần Nguyên Anh |
Tôi cứ ấn tượng mãi tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán, kể về những người tù trở về từ “địa ngục”.
Rồi sau này ngày vào đại học, tìm tòi về văn học, tôi cũng rất thích bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Chu Trinh. Bài thơ có những câu thơ đầy hào khí: “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/ Lừng lẫy làm cho lở núi non”. Ấy là một cách diễn tả ví von, thực ra chỉ là tả công việc cực khổ của người tù đào đá mà xây nên nhà giam cầm chính họ. Sự lạc quan cũng là sản phẩm của ý chí phi thường đã khiến con người ta chiến thắng những đọa đày để đi đến một ngày mai tự do, độc lập.
Tôi đã nhiều lần muốn ra thăm Côn Đảo, nhưng cứ lỡ hẹn. Lần này, tham gia truyền thông cho giải Tiền Phong marathon 2022 tôi mới lần đầu tiên có mặt ở nơi đã sản sinh ra nhiều tác phẩm văn học mà mình đã từng yêu thích.
Côn Đảo vẫn còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, cả vật chất lẫn tinh thần.
Dân số của đảo hiện chỉ khoảng 11.000 người. Đôi khi, người ta thấy trên đường du khách đông hơn dân sống trên quần đảo.
Chị Thụy Nga là đoàn viên xung phong ra Côn Đảo những năm 1990, hiện là Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo. Ảnh: Trần Nguyên Anh |
Chị Nguyễn Thụy Nga, Phó Chủ tịch huyện Côn Đảo đón tiếp các nhà báo ra làm việc cho giải Tiền Phong marathon 2022. Câu chuyện rôm rả.
Chị Nga kể: “Bây giờ các anh thấy đảo là một thiên đường du lịch, cảnh quan được đánh giá là một trong những điểm đến đẹp nhất thế giới. Nhưng những ngày chúng tôi đặt chân ra đảo, hầu như ngoài nhà tù, đảo chẳng có gì cả”.
Chị Nga là người TPHCM. Những năm 1990, theo lời kêu gọi của Thành Đoàn TPHCM, chị viết đơn xung phong ra Côn Đảo. Chị nói: “Chúng tôi là người thành phố, vốn quen với cuộc sống tiện nghi, tới khi ra đảo thì thiếu thốn mọi thứ. Điện chạy bằng máy phát, chỉ sáng mỗi ban ngày thôi. Giá điện ban ngày và giá điện ban đêm khác nhau. Ban đêm, giá điện rất cao, ít người dám dùng”.
Những năm 1990 việc ra đảo bằng máy bay rất khó khăn, ngay cả các chuyến tàu, dù là tàu chở khách hay chở hàng cũng phải nương theo mùa, theo gió bão. Có khi mấy tháng liền không tàu nào cập được đảo.
Chị Nga nói với tôi: “Tính đến giờ phút này, thế hệ thanh niên xung phong ra Côn Đảo còn lại 4 người, trong đó có tôi. Chúng tôi yêu mảnh đất này và đã trở thành cư dân của đảo từ lâu rồi”. Con của chị Nga đậu đại học và vào TPHCM để học tập. Mỗi khi trời yên biển lặng, chị lại mong chờ đứa con trở về đảo Yến, đảo Trai.
Tình nguyện ra Côn Đảo còn có những cựu tù đã từng trải qua ngày tháng địa ngục thời chiến tranh. Họ gắn bó với quần đảo như một định mệnh.
Bác Viên vốn là tù nhân Côn Đảo, trải qua những trận đòn thừa sống thiếu chết dưới tay Mỹ, Ngụy.
Các di tích nhà tù Côn Đảo rất cuốn hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Trần Nguyên Anh |
Ngày 30/4, đảo được giải phóng. Bác nhớ lại: “Tôi đang ở trong xà lim, nghe anh em bên ngoài la to: Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô giải phóng!”. Tôi chẳng biết chuyện gì xảy ra, ngỡ ngàng. Vì từ lúc bị giam ở Côn Đảo, tôi chỉ biết đến hai chữ “Đả đảo”! đả đảo thực dân, đả đảo đế quốc!
Rồi bác Viên bảo: “Anh em chúng tôi vùng lên giải phóng Côn Đảo sớm, nếu không, có lẽ cũng đã hy sinh hết rồi. Địch thất bại, cay cú, nên chúng cài rất nhiều chất nổ quanh nhà tù. Chỉ cần chúng kích nổ thì các nhà tù sẽ sập hết. Nhưng địch thua quá nhanh, chúng vội vàng tháo chạy ra biển. Chúng tôi chia nhau gỡ mìn mà giải phóng cho chính mình”.
Sau 30/4/1975, bác được vào đất liền, “vĩnh biệt” cảnh lao tù. Nhưng rồi đồng đội ở Côn Đảo gọi điện, bảo rằng: “Chúng tôi vẫn cần các anh. Đảo cần các nhân chứng là cựu tù, cần những người tâm huyết xây dựng Côn Đảo”. Thế là bác Viên khăn gói trở lại hòn đảo, làm hướng dẫn viên khu di tích nhà tù Côn Đảo cho tận đến ngày về hưu.
Vợ bác Viên nói rằng: “Chồng tôi yêu Côn Đảo lắm, một phần vì ông ấy nhớ các bạn tù đã hy sinh trong cuộc đấu tranh trong tù. Có hôm sáng sớm, thấy ông bật dậy, cầm nén nhang. Hỏi anh đi đâu đấy? Chồng tôi bảo: “Ra nghĩa trang thắp mấy nén nhang”.