Mỗi tháng, 8 đoàn tàu từ Hà Nội đi châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Đoàn tàu liên vận quốc tế kết nối thẳng Việt Nam - Châu Âu đầu tiên rời ga Yên Viên đi Bỉ ngày 20/7.
Đoàn tàu liên vận quốc tế kết nối thẳng Việt Nam - Châu Âu đầu tiên rời ga Yên Viên đi Bỉ ngày 20/7.
TPO - Tận dụng cơ hội chi phí vận tải hàng xuất/nhập khẩu qua container bằng đường biển tăng cao, đường sắt bắt đầu tham gia với các đoàn tàu hàng container liên vận quốc tế từ Việt Nam thẳng tới châu Âu.

Ngày 20/7, đoàn tàu chuyên chở container liên vận quốc tế đầu tiên chặng Việt Nam – châu Âu đã lăn bánh. Đoàn tàu chở 23 container 40 feet với các loại hàng xuất khẩu như dệt may, da giày.

Đoàn tàu trên khởi hành từ ga Yên Viên (Hà Nội), đến Trịnh Châu (Trung Quốc) sẽ được kết nối vào đoàn tàu Á – Âu để đến ga Thành phố Liege (Bỉ). Sau đó, các container hàng được chuyên chở đường bộ đến điểm nhận hàng ở Thành phố Rotterdam (Hà Lan).

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đánh giá, đoàn tàu chở container đầu tiên kết nối thẳng giữa Việt Nam tới châu Âu thành công sẽ mở ra cơ hội lớn cho vận tải đường sắt. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến vận tải container đường biển gặp nhiều khó khăn, thiếu vỏ container, chi phí tăng cao.

Hiện, Công ty Ratraco (công ty con của VNR) và đối tác châu Âu đang xây dựng kế hoạch cho các chuyến hàng tiếp theo, với mục tiêu tổ chức khoảng 8 chuyến tàu mỗi tháng xuất phát từ Việt Nam. Dự kiến, đoàn thứ hai xuất phát tại Yên Viên ngày 27/7 với các sản phẩm điện tử, đoàn tàu thứ 3 xuất phát ngày 3/8.

Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kinh doanh (VNR) cho biết, theo hiệp định vận tải đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc, năng lực thông quan tối đa qua đường sắt tại cửa khẩu Đồng Đăng là 6 đôi tàu mỗi ngày. Theo ông Nam, do năng lực hạn chế tại các ga trên tuyến đường sắt Yên Viên – Đồng Đăng, nên mỗi đoàn tàu chỉ tối đa 23 toa, dù đầu máy sức kéo nhiều hơn. Sau khi đoàn tàu tới ga Đồng Đăng, đoàn tàu sẽ đổi sang sử dụng đầu máy của Trung Quốc để kéo.

Cũng theo ông Nam, hiệp định đường sắt giữa các quốc gia quy ước, đoàn tàu qua đường sắt của nước nào sẽ do đầu máy và nhân sự của nước đó vận hành. Do đó, đầu máy và nhân sự của Việt Nam không cần đi theo đoàn tàu, nên không lo ngại về vấn đề dịch bệnh.

Mỗi tháng, 8 đoàn tàu từ Hà Nội đi châu Âu ảnh 1

Đây là đoàn tàu container xuất khẩu đầu tiên chạy trực tiếp từ Việt Nam tới châu Âu.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Ratraco cho biết thêm, khi chưa có dịch COVID-19, cước vận tải container bằng đường sắt đi châu Âu cao hơn đường biển, nhưng thời điểm này đã gần như tương đương nhau. Hiện 1 container 40 feet từ Việt Nam đi châu Âu khoảng 13.000 USD, nhưng đi đường sắt không mất thêm các chi phí bốc xếp, kho bãi... như đường biển.

Thế mạnh của đường sắt so với đường biển, theo ông Thanh, hàng đi đường sắt chỉ mất từ 25-27 ngày, trong khi đường biển phải trên 40 ngày. Đường sắt chở hàng vào sâu nội địa, hoặc tỏa từng container đi khắp châu Âu rất thuận lợi nhờ mạng đường sắt liên thông, không cần bốc xếp, chuyển tải phương tiện, nên linh hoạt hơn đường biển.

Bên cạnh đó, chủ hàng cũng không lo ách tắc tại cảng như đường biển, khi các nước đã ký hiệp định hải quan 1 lần dù hành trình qua rất nhiều quốc gia. Chủ hàng làm thủ tục mở tờ khai hải quan ngay tại nhà máy, khu công nghiệp, sau đó đơn vị vận tải làm hộ thủ tục xuất khẩu tại ga Đồng Đăng. Khi tới biên giới các quốc gia, các toa hàng chỉ phải tác nghiệp kỹ thuật về chuyển đổi đầu máy kéo, không cần thêm bất kể thủ tục nào.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, hiện đường sắt liên vận quốc tế chưa khai thác được container lạnh chở hàng thực phẩm đi châu Âu, do các nước có quy định khác nhau với loại hàng này, có nước cho phép quá cảnh, có nước lại không.

Mỗi tháng, 8 đoàn tàu từ Hà Nội đi châu Âu ảnh 2

Sau khi tới ga Đồng Đăng và hoàn thành thủ tục xuất khẩu, đoàn tàu sẽ đổi sang đầu máy của Trung Quốc để tiếp tục hành trình tới biên giới quốc gia tiếp theo.

Với số lượng thông quan theo hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc, riêng chiều từ Việt Nam đi mỗi ngày được tối đa 6 đoàn tàu, mỗi đoàn 23 toa, đồng nghĩa tối đa xuất khẩu được 138 container.

Về việc tàu chỉ có thể xuất phát từ ga Yên Viên, theo VNR, do tàu liên vận khai thác trên đường ray khổ 1.435mm, khổ ray này của Việt Nam hiện chỉ kéo dài tới ga Yên Viên. Từ Yên Viên đi nội địa và các tuyến khác đều chỉ có ray khổ 1.000mm (trừ đoạn Yên Viên – Hạ Long cũng có khổ ray 1.435mm).

Mỗi tháng, 8 đoàn tàu từ Hà Nội đi châu Âu ảnh 3

Theo hiệp định về vận tải đường sắt, các đoàn tàu hàng đi qua quốc gia nào sẽ do đầu máy và nhận sự của quốc gia đó vận hành, nên Việt Nam không phải bố trí nhân sự theo tàu.

MỚI - NÓNG