Đôi chân trần miệt mài không chùn bước
Cuối tháng 8 vừa qua, tôi có dịp cùng đoàn công tác của BHXH và Bưu điện huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thực tế công tác tuyên truyền, vận động bà con đồng bào Cơ Tu ở xã Dang – một xã biên giới giáp Lào tham gia BHXH tự nguyện.
Sau mấy giờ đồng hồ vượt hàng chục ki-lô-mét đường rừng quanh co, khúc khuỷu, đoàn chúng tôi cũng đặt chân tới nhà Gươl, trung tâm xã Dang. Tiết trời khá mát mẻ, khung cảnh núi rừng miền biên viễn cũng rất yên bình, phần nào ủng hộ đoàn công tác.
Hai chiếc xe ô tô chở các tuyên truyền viên của BHXH và Bưu điện huyện, tỉnh đã đỗ cạnh nhà Gươl trước chúng tôi cả tiếng đồng hồ. Cạnh đó là hai chiếc bàn đựng hồ sơ đăng ký, tờ rơi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện và nhiều phần quà hấp dẫn đã được bày sẵn. Bên trong nhà Gươl, hàng chục người dân bản địa đang cười nói rôm rả. Những ánh mắt tò mò, hiếu kỳ hướng về phía các tuyên truyên viên. Phía bên trên, các cán bộ nhân viên tuyên truyền bảo hiểm đang lắp đặt máy chiếu, mời bà con ổn định tổ chức để chương trình bắt đầu.
Sau khi đại diện lãnh đạo hai đơn vị và chính quyền địa phương phát biểu khai mạc, chị Trần Thị Mai Phương – Trưởng phòng Kế hoạch Kinh doanh, Bưu điện tỉnh Quảng Nam bắt đầu thuyết trình các chính sách về BHXH tự nguyện. Bà con ở xã Dang toàn là người dân tộc thiểu số Cơ Tu. Trình độ hiểu biết của họ về chính sách bảo hiểm còn hạn chế, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh nên việc vân động người dân tham gia BHXH tự nguyện hết sức khó khăn. Bởi thế, đích thân nữ trưởng phòng phải đứng lên phân tích cụ thể quyền và nghĩa vụ, lấy ví dụ minh họa cụ thể các gói bảo hiểm để bà con mở mang đầu óc.
Cùng với việc thuyết trình của chị Phương, các cán bộ nhân viên bưu điện và BHXH xuống ngồi trò chuyện, tư vấn trực tiếp cho từng người dân. Không ít lần, chị Phương cùng đồng nghiệp chạy ra chạy vào, mải mê tư vấn mà quên cả mình đang đi chân trần trên đất.
Theo ông Hoih Danh, Chủ tịch UBND xã Dang, toàn xã có 445 hộ, khoảng 1.700 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 12 triệu đồng/năm, toàn hộ nghèo, trước nay chưa ai tham gia BHXH tự nguyện.
Chị Alăng Thị Đào (26 tuổi, thôn Axur), ban đầu chưa hiểu hết quyền lợi nên còn do dự bởi bản thân cũng đã tham gia BHYT hộ nghèo, được nhiều ưu đãi. Đào vừa học xong trung cấp công nghệ thông tin, về quê chưa có công việc ổn định nên ở nhà làm rẫy, chăn nuôi. Cũng may có chồng làm ở UBND xã Dang nên nguồn thu nhập của gia đình khá ổn định. Sau khi được giải thích cụ thể, chị Đào chọn tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 138.000đ/tháng.
“Tôi thấy việc tham gia BHXH tự nguyện sau này được hưởng lương hưu sẽ không làm phiền con cái nên rất tốt. Hiện tôi chưa có việc làm, sau này tìm được việc gì có tham gia BHXH bắt buộc thì tôi được cộng dồn vào nên không lo mất. Mỗi ngày tôi tiết kiệm 5.000 đồng, xem như bỏ ống tiết kiệm”, Đào cho hay.
Để bà con không bỏ cuộc giữa chừng
Trong số 55 người đến nghe tuyên truyền chính sách hôm đó, chị Bnước Thị Vưới (thôn Alua) đến khá sớm. “Ở nhà mình có nuôi 4 con heo, 2 con bò, 2 con dê sinh sản, làm lúa, làm sắn... thu nhập mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, mình quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 181.000 đồng/tháng”, chị cho hay.
Thấy bà con phấn khởi, hiểu rõ hơn quyền lợi tham gia bảo hiểm, dù mồ hôi nhễ nhại nhưng chị Phương và các tuyên truyền viên rất phấn khởi, quyên cả mỏi mệt.
“Tính đến nay, tôi đã tham gia tuyên truyền BHXH trên 18 huyện, thị và một số thôn. Có không ít lần nhóm tuyên truyền đi vào thôn bản xa xôi, trời mưa tầm tã, bùn đất lầy lội. Chẳng hạn, chuyến đi sau Tết Kỷ Hợi vừa rồi, xe ô tô của đoàn di chuyển từ huyện Hiệp Đức lên huyện Nam Giang không may bị thủng lốp giữa đường. Chỉ có 1 lái xe nam nên 2 chị em phụ nữ phải xắn tay vào phụ lái xe thay lốp. Nhiều đoạn đường lầy lội, hai chị em phải nhảy xuống đẩy xe cho kịp đến đúng giờ, trước cả bà con hơn một tiếng để chuẩn bị hội trường”, chị Phương nhớ lại.
Riêng tại buổi tuyên truyền ở xã Dang mà tôi được tham dự, thống kê của đoàn công tác cho thấy kết quả rất khả thi khi có 32 người/55 người có mặt chọn tham gia BHXH tự nguyện tại chỗ.
“Tôi đi tuyên truyền vừa dùng tiếng Kinh, vừa dùng tiếng Cơ Tu để bà con dễ hiểu. Do kinh tế khó khăn nên lúc đầu thực hiện, có đến vài trăm người đăng ký tham gia ngay tại chỗ, nhưng vài tháng sau không có tiền đóng tiếp, họ đến BHXH xin rút không tham gia nữa. Tuyên truyền để người dân tiếp tục tham gia và tham gia mới luôn là vấn đề khó, chúng tôi phải kiên trì vận động, sâu sát từng trường hợp”, bà Bling Thị Brớp - nhân viên Bưu điện xã A Tiêng (huyện Tây Giang), một tuyên truyền viên cho hay.
Chuyến đi sau Tết Kỷ Hợi vừa rồi, xe ô tô của đoàn di chuyển từ huyện Hiệp Đức lên huyện Nam Giang không may bị thủng lốp giữa đường. Chỉ có 1 lái xe nam nên 2 chị em phụ nữ phải xắn tay vào phụ lái xe thay lốp. Nhiều đoạn đường lầy lội, hai chị em phải nhảy xuống đẩy xe cho kịp đến đúng giờ, trước cả bà con hơn một tiếng để chuẩn bị hội trường”, chị Phương nhớ lại.
Có lẽ cũng vì lý do trên mà như ông Trần Thanh Bình - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Nam chia sẻ, việc duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở Tây Giang còn hết sức khó khăn. “Chúng tôi phải tuyên truyền cho những già làng, trưởng bản, chi hội trưởng các hội đoàn thể ở thôn trước để họ hiểu và tuyên truyền lại cho người dân. Các tuyên truyền viên là người đồng bào dân tộc thiểu số của Bưu điện sẽ được huy động tối đa, để người dân dễ nghe, dễ hiểu khi nói bằng tiếng Cơ Tu”.
Được biết, chỉ tiêu của huyện Tây Giang năm nay là 300 người tham gia BHXH tự nguyện, rất khó nhưng theo lãnh đạo BHXH và cả Bưu điện huyện, hai bên sẽ cùng phối hợp tốt hơn, quyết tâm cố gắng phát triển hết sức có thể.