Máy bay không người lái - vũ khí bí mật của Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 27/2, quân đội Ukraine công bố một đoạn video mà nước này tuyên bố là cảnh “máy bay không người lái phá huỷ hệ thống tên lửa đất-đối-không của Nga”.

Đoạn video chưa được xác thực nhưng nhanh chóng thu hút hơn 3 triệu lượt xem trên Twitter chỉ trong 2 ngày.

“Nhân vật chính” trong video được cho là Bayraktar TB-2 - một loại máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ mà quân đội Ukraine đã triển khai trong những ngày gần đây để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Đoạn video được quân đội Ukraine công bố hôm 27/2. Nguồn: Twitter

Hôm 1/3, quân đội Ukraine tuyên bố UAV của nước này đã phá hủy một xe tăng và hai hệ thống tên lửa đất đối không của đối phương trong đêm. Trong các video khác được chia sẻ trên Twitter, UAV Bayraktar đã cho nổ tung những gì được cho là một đoàn xe chở nhiên liệu của Nga và một nhóm xe tải tiếp liệu.

Bayraktar TB-2 là một UAV nhỏ nhẹ (nhẹ hơn khoảng 7 lần so với máy bay không người lái Reaper của quân đội Mỹ), với sải cánh dài 12m, cho phép chúng bay tối đa 30 giờ mỗi lần xuất kích. Theo tài liệu quảng cáo từ công ty sản xuất Baykar Technologies, mỗi UAV có thể mang theo 4 tên lửa dẫn đường bằng laser.

Máy bay không người lái - vũ khí bí mật của Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga ảnh 1

UAV Bayraktar TB-2. Ảnh: AA

Các nhà phân tích quân sự Mỹ và châu Âu cho rằng phi đội máy bay không người lái của Ukraine đã góp phần làm chậm bước tiến của quân đội Nga, cũng như làm lộ ra những điểm yếu không ngờ của đối thủ trong những ngày đầu chiến dịch. Tuy nhiên về lâu dài, các UAV được cho là không có khả năng làm thay đổi cục diện chiến sự.

UAV quân sự đáng tin cậy với độ chính xác cao từng là lợi thế độc quyền của quân đội Mỹ. Nhưng công nghệ này đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, đưa UAV trở thành vũ khí quen thuộc trên các chiến trường.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ xuất hiện ở Ukraine, mà còn ở cả Ethiopia, Azerbaijan, Libya và Syria.

Năm ngoái, tại Ethiopia, lực lượng nổi dậy đã tấn công thủ đô Addis Ababa trước khi bị chính phủ đẩy lùi bằng UAV.

Trong cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia năm 2020, UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp Azerbaijan giành chiến thắng quyết định trước Armenia - một đồng minh thân cận của Nga.

Đoạn video do lực lượng vũ trang Ukraine chia sẻ hôm 27/2 cho thấy một trong những đặc điểm hút khách của UAV Bayraktar là chúng có khả năng gây thiệt hại nặng nề cho khí tài đối phương và có giá thành rẻ, độ rủi ro thấp.

Tony Osborne, một chuyên gia hàng không ước tính UAV Bayraktar đã được bán cho Ukraine với giá vài triệu đô la/chiếc. Nhưng hệ thống tên lửa đất-đối-không bị phá huỷ trong video - nếu thực sự là BUK Nga - thì chúng có thể trị giá tới 50 triệu đô la.

"Điều quan trọng là chúng có giá thành rẻ, vì vậy bạn không quá lo lắng về việc bị mất mát", Osborne nói.

Theo chuyên gia này, Ukraine có thể có khoảng 20 chiếc Bayraktar trong kho vũ khí. Vào tháng 12/2021, Bloomberg đưa tin Kiev đã đặt hàng thêm 20 chiếc UAV từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Time
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.