“Cò” dịch vụ công trực tuyến, hái ra tiền
Chỉ cần gõ từ khóa “dịch vụ đổi bằng lái xe quốc tế”, hoặc “cấp bằng lái xe quốc tế”, google cho ra hàng nghìn kết quả. Trong đó, có những trang web được lập ra chuyên để thực hiện dịch vụ này như: http://banglaixequocte247.com, http://doibanglaixe.com, http://doibanglaixequocte.vn, http://doibanglaixenuocngoai.vn... Ngoài ra, các trang web rao vặt, bán hàng, đào tạo lái xe, làm visa cũng nhận cung cấp dịch vụ đổi bằng lái xe trong nước thành bằng lái xe quốc tế.
Các đơn vị này quảng cáo trên nhiều kênh với thủ tục nhanh gọn, không khác gì dịch vụ công cấp độ 4 của Nhà nước: Khách chỉ cần chụp ảnh bằng lái xe trong nước hiện có, ảnh chứng minh nhân dân, chữ ký rồi chuyển qua email, zalo… cho đơn vị cung cấp rồi đợi lấy bằng. Thậm chí, có đơn vị còn không yêu cầu người làm thủ tục cấp/đổi bằng phải “cọc” tiền trước, khi nhận được bằng, mới trả phí.
Trong khi, chi phí để thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 của Tổng cục Đường bộ cho thủ tục này chỉ là 135.000 đồng/trường, các đơn vị cung cấp dịch vụ này thu của khách từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Thậm chí, có đơn vị còn quảng bá trên trang web với các “văn phòng đại diện” khắp miền Bắc, Trung, Nam để nhận làm dịch vụ này với số lượng khách hàng lên đến 300- 400 khách/tháng. Như vậy, chỉ cần một người nắm rõ cách thức thực hiện việc cấp/đổi bằng lái quốc tế và một máy tính nối mạng, những đơn vị này có thể kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Khảo sát của PV cho thấy, dù thủ tục đơn giản, cách làm dễ dàng nhưng không ít người không chủ động nắm bắt thông tin nên phải thuê các đơn vị làm dịch vụ hoặc nhờ “người có quan hệ” để cấp đổi.
“Không bắt tay với cò, chỉ do người dân chưa quan tâm”
Để trải nghiệm dịch vụ công trong cấp đổi GPLX quốc tế, PV Tiền Phong thực hiện hai lần. Lần thứ nhất, chúng tôi mất khoảng 10 phút để hoàn thành việc đăng ký trực tuyến và chuyển tiền. Ở lần thứ nhất này, chỉ phát sinh một khó khăn: Hệ thống yêu cầu ảnh chụp chữ ký phải có định dạng PNG thay vì định dạng JPG (định dạng ảnh phổ biến hiện nay) nên chúng tôi phải tìm cách chuyển đổi. Việc này cũng không quá phức tạp, chỉ cần mở ảnh bằng phần mềm Paint rồi lưu lại với đuôi .PNG. Ở lần thứ 2, toàn bộ thời gian hoàn tất thủ tục là 5 phút. Đúng một tuần sau, chúng tôi nhận được bằng lái xe quốc tế tại tòa soạn với chi phí cho 2 bằng chỉ chưa đến 400 nghìn đồng.
Theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ, người có nhu cầu cấp bằng lái xe quốc tế có thể thực hiện dịch vụ cấp độ 4 trực tiếp qua mạng internet. Cán bộ nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra sơ bộ hồ sơ, thông báo lại cho bạn kết quả qua hộp thư điện tử để được trả GPLX quốc tế tại địa chỉ đã đăng ký. Nếu thanh toán online, tổng chi phí bạn sẽ mất khoảng gần 200.000 đồng (bao gồm 135 nghìn đồng phí làm bằng quốc tế và hơn 60.000 đồng tiền chuyển phát nhanh).
Ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái, Tổng cục Đường bộ cho hay, việc cấp GPLX cấp độ 4 đã được thực hiện từ tháng 6/2016; đến nay đã cấp được cho 41.070 trường hợp. “Trung bình mỗi ngày, Tổng cục Đường bộ đang cấp khoảng 200 bằng lái xe quốc tế qua Internet” - ông Thống cho hay.
Trước thông tin nhiều đơn vị nhận cấp đổi bằng với giá 1 - 2 triệu đồng, ông Thống nói: “Chủ yếu là do người dân không nắm bắt hết thông tin để thực hiện. Còn cán bộ, công nhân viên của Tổng cục không móc nối với các cá nhân và đơn vị bên ngoài để làm hoặc làm nhanh hơn” - ông Thống nói.
Các bước trong quy trình thực hiện việc cấp GPLX quốc tế cụ thể như sau: Bước 1: Khai báo thông tin hồ sơ trực tuyến (các thao tác chủ yếu là chuyển ảnh chụp GPLX, chân dung, ảnh chụp chữ ký lên hệ thống) và đăng ký địa chỉ nhận bằng lái xe quốc tế (có thể cho cá nhân người làm thủ tục hoặc người khác). Bước 2: Thực hiện thanh toán trực tuyến phí và lệ phí qua cổng thanh toán trực tuyến. Bước 3: Nhận kết quả thông báo kết quả xác nhận hồ sơ qua địa chỉ hòm thư đã đăng ký. Bước 4: Nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được nhận kết quả chuyển phát GPLX quốc tế tại địa chỉ đã đăng ký.
GPLX có thể điều khiển phương tiện tại tất cả các nước (85 quốc gia) có tham gia Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (gọi tắt là Công ước Vienna).