Ngày 18/12, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Sở qua các thời kỳ liên quan đến các kết luận thanh tra (số 2094/ KL-UBND và 2096/ KL-UBND ngày 13/4/2020) của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, quá trình triển khai 19 dự án đầu tư ở Lâm Đồng hàng chục năm qua, các doanh nghiệp đã để mất hơn 777ha rừng. Cụ thể, tại huyện Đức Trọng, từ khi các doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng đến cuối tháng 6/2019, có 17 dự án để xảy ra phá hơn 677,5ha rừng, trong đó có trên 457ha thuộc 16 dự án chưa xử lý.
Tại huyện Lâm Hà, 2 dự án của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ kinh doanh địa ốc Việt R.E.M.A.X (Công ty Việt Remax) và Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai để xảy ra phá 99,96ha rừng.
Thực nghiệm hiện trường vụ đầu độc gần 10 ha rừng thông |
Cơ quan chức năng nhận định để xảy ra phá rừng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các doanh nghiệp. Một số chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý, không đủ nguồn lực để thực hiện dự án và bố trí lực lượng bảo vệ rừng. Lực lượng quản lý rừng của các doanh nghiệp còn mỏng nên không giữ được rừng. Đa phần việc mất rừng xảy ra rải rác trong giai đoạn đầu khi các doanh nghiệp mới nhận bàn giao, thiếu kinh nghiệm trong quản lý bảo vệ rừng.
Mặt khác, Thanh tra tỉnh cho rằng, chính quyền địa phương chưa giám sát và kiểm tra chặt chẽ tài nguyên rừng trên địa bàn. Một số hộ dân đã lợi dụng kẽ hở của doanh nghiệp, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa doanh nghiệp – chính quyền địa phương và các ban ngành nhằm lấn chiếm đất, phá rừng, chờ cơ hội để được đền bù.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng ở huyện Đức Trọng |
Về xử lý trách nhiệm, tại Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng có 3 công chức bị kỷ luật cảnh cáo, 4 công chức bị khiển trách; ở Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, 1 công chức bị đình chỉ công tác, 1 công chức bị cảnh cáo và 2 công chức bị khiển trách.
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo qua các thời kỳ để mất rừng. Kết quả, đơn vị này kiến nghị hình thức “kiểm điểm rút kinh nghiệm” đối với 5 người là giám đốc, phó giám đốc, nguyên giám đốc, trong đó có 2 người đang đương chức là ông Nguyễn Văn Sơn (Giám đốc) và ông Võ Danh Tuyên (Phó giám đốc).
Về việc khắc phục hậu quả, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng của huyện Đức Trọng rà soát diện tích rừng, đồng thời cung cấp số liệu cho Sở Tài chính tính toán bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng đối với 16 doanh nghiệp.
Theo đó, đến nay đã xác định được giá trị khối lượng lâm sản bị thiệt hại của 15/16 doanh nghiệp. Tuy nhiên, mới có 5/15 doanh nghiệp chấp hành nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng trên 15 tỉ đồng.