Ngày 7/12, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết Công an tỉnh vừa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm và các ban ngành chức năng huyện Đức Trọng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng tại tiểu khu (TK) 267C thuộc địa bàn xã Hiệp An.
Khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng |
Trước đó, ngày 6/12, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh bước đầu về vụ triệt hạ thông, lấn chiếm đất rừng tại TK 267C, gần ranh dự án hồ thủy lợi Ta Hoét.
Tại Khoảnh 7, TK 267C có tới 7 vị trí phá rừng và 1 vị trí lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Mỗi vị trí có từ vài chục đến hàng trăm cây thông bị chặt hạ. Nhiều cây vừa bị cưa cắt, lá vẫn còn xanh, nhựa đang ứa ra. Lâm tặc cưa cây thành nhiều khúc, vứt lăn lóc tại hiện trường.
Thông mới bị cưa hạ, lá vẫn còn xanh |
Qua kiểm tra, đo đạc, cơ quan chức năng xác định tổng diện tích rừng bị tác động lên đến 37.555m2; có tới 519 cây bị cưa hạ với đường kính gốc từ 8 - 50cm. Lâm sản còn tại hiện trường gồm 639 lóng, khúc với tổng khối lượng 53,97m3 gỗ từ nhóm 4 - 6, gồm thông 3 lá, gỗ dẻ và dầu trà beng. Dấu vết tại hiện trường cho thấy rừng tại khu vực này bị triệt hạ trong thời gian dài.
Mặt khác, theo cơ quan lâm nghiệp, hơn 5ha đất rừng sản xuất bị lấn chiếm để trồng chuối, cà phê, mắc ca và mai anh đào. Với số lượng, tính chất và quy mô như trên, đây được coi là vụ phá rừng có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Đức Trọng từ đầu năm đến nay.
Nhiều cây có đường kính lớn bị cưa hạ |
Đoàn công tác cũng đã phát hiện 2 đối tượng đang đo đạc tại khu vực này, bao gồm Y.M (trú xã Tu Tra, Đơn Dương) và N.C.L (nhân viên Công ty Bất động sản Anh Vinh trên đường Lạc Long Quân, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng). Y.M khai làm thuê cho bà M.D (xã Hiệp An). Trước đây, bà D. thuê Y.M trông coi việc phát dọn trên diện tích này.
Ông L. khai Công ty Bất động sản Anh Vinh được bà M.D thuê đo đạc tại khu vực này; tuy nhiên, việc thuê mướn chỉ mới thỏa thuận bằng miệng, chưa ký hợp đồng cụ thể.
Đoàn công tác đã bàn giao 2 đối tượng trên cho Công an huyện Đức Trọng để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Được biết dự án hồ thủy lợi Ta Hoét đã được cơ quan chức năng phê duyệt. Trong lúc các cơ quan chức năng triển khai một số hạng mục ban đầu như kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng thì khu vực này trở thành “điểm nóng” phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.