Mặt bằng, vật liệu san nền 'cản bước' cao tốc Bắc – Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, dự án trọng điểm cao tốc Bắc– Nam giai đoạn 2 vẫn gặp rào cản cũ là giải phóng mặt bằng (GPMB) và vật liệu đắp nền đường.

Tiến độ GPMB Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) được Chính phủ giao các địa phương hoàn thành trong quý 2/2023. Tuy nhiên, tới hết tháng 6 vừa qua, các địa phương mới bàn giao được 84% mặt bằng sạch (gần 608/721km phục vụ dự án). Trong số mặt bằng sạch các địa phương đã bàn giao, cũng chỉ có hơn 523km đủ điều kiện thi công (hơn 72%), phần diện tích còn lại vẫn còn nhiều vị trí xen kẹt chưa thu hồi xong, không đủ điều kiện cho nhà thầu thi công.

Mặt bằng, vật liệu san nền 'cản bước' cao tốc Bắc – Nam ảnh 1

Thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (đoạn qua Quảng Ngãi) thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Tin từ Bộ GTVT cho hay, thời gian qua, lãnh đạo bộ nhiều lần làm việc trực tiếp cũng như có văn bản gửi các địa phương đề nghị đôn đốc GPMB, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bàn giao phần mặt bằng còn lại cho các nhà thầu thi công.

Thống kê của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho thấy, tới hết tháng 6/2023, Bộ GTVT đã giải ngân trên 35.627 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt hơn 37% kế hoạch cả năm (hơn 95.200 tỷ đồng), tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giải ngân lớn nhất tập trung cho các dự án thành phần trên cao tốc Bắc – Nam. Dù vậy, thời gian còn lại của năm nay, Bộ GTVT còn phải tiêu hết khoảng 59.000 tỷ đồng.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) thông tin, tới nay, các địa phương mới giải ngân được hơn 5.100 tỷ đồng, trong tổng số vốn gần 15.000 tỷ đồng bố trí cho GPMB cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Một trong những nguyên nhân GPMB chậm là hầu hết mặt bằng còn lại là đất thổ cư, phải di dời tái định cư, trong khi tiến độ các khu tái định cư đều chưa xong, nên chưa có nơi ở mới để di dời dân nhường đất cho dự án.

Với phần diện tích mặt bằng đã thu hồi và bàn giao cho nhà thầu, nhiều đoạn trong tình trạng “xôi đỗ”, không đủ độ dài để nhà thầu thi công. Cụ thể như tại gói thầu xây lắp số 1 đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh), dù địa phương đã bàn giao 9/13km mặt bằng sạch, nhưng thực tế nhà thầu chỉ đủ mặt bằng thi công liền mạch được 1km. Tương tự, tại đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (Bình Định) nhà thầu mới đủ mặt bằng thi công liên tục 6/19km của gói thầu…

Ngoài rào cản mặt bằng, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 còn gặp phải cản trở trong cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường. Tới nay, các nhà thầu đã trình sở TN&MT các địa phương hồ sơ xin cấp phép khai thác 58/87 mỏ đất, 11/25 mỏ cát. Trong đó, các địa phương đã cơ bản xác nhận khối lượng khai thác cho 18 mỏ đất và 2 mỏ cát. Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp phép khai thác mỏ vật liệu cho các nhà thầu. Trong thời gian chờ cấp phép mỏ vật liệu, Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà thầu chủ động mua và tập kết vật liệu tại công trường, sẵn sàng thi công khi đủ điều kiện, không để xảy ra thiếu vật liệu ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.

Tuần trước, sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã thành lập 2 tổ công tác kiểm tra, làm việc với 10 địa phương liên quan để xử lý các vướng mắc liên quan đến cấp phép, cung ứng vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Tổ công tác ngoài lãnh đạo Bộ GTVT còn có đại diện các bộ: TN&MT, Công an, Xây dựng, NN&PTNT. Thời gian kiểm tra của các tổ công tác kéo dài từ ngày 3 đến 7/7/2023. Các tổ công tác kiểm tra, hướng dẫn địa phương cấp phép mỏ, thỏa thuận giá, bồi thường tài sản trên đất; công bố giá vật liệu xây dựng tại các địa phương…

MỚI - NÓNG