Mắc bệnh hiểm nghèo vẫn đi gieo nụ cười

TP - Bị ung thư xương từ năm học lớp 10 phải chống chọi với bệnh tật nhưng Liêm vẫn thi đỗ vào lớp chất lượng cao khoa Sử, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội và dành thời gian tiếp sức cho bệnh nhi bị ung thư.
Mắc bệnh hiểm nghèo vẫn đi gieo nụ cười ảnh 1

Chử Đức Liêm và thành viên CLB Nụ cười cùng các em nhỏ tại bệnh viện K. Tân Triều. Ảnh: Quang Lộc

Không gục ngã

Mở cánh cổng sắt bước vào nhà, hình ảnh Chử Đức Liêm gây ấn tượng mạnh với chúng tôi khi di chuyển bằng nạng gỗ với một bên chân đã tháo khớp.

Chử Đức Liêm (sinh năm 1992) sống tại một miền quê thanh bình của huyện Thanh Trì (Hà Nội) cùng bố mẹ và anh trai. Năm học lớp 10, Liêm bị bệnh ung thư xương. Một lần thấy chân đau buốt, như bị thấp khớp, Liêm được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám, chữa trị. Bệnh thuyên giảm thời gian ngắn, hết thuốc chân Liêm lại đau nhức trở lại.

Bác sỹ chuyển Liêm đến bệnh viện K Tam Hiệp, ở đây Liêm biết sự thực căn bệnh mình đang đối diện. Hoang mang, sợ hãi, nghĩ cái chết đang cận kề, Liêm suy sụp tinh thần. Nhưng Liêm đã vững tinh thần trở lại nhờ sự động viên, chia sẻ của người thân, bạn bè.

Những ngày điều trị hóa chất bác sỹ xác định phải tháo khớp một chân để ngăn chặn sự phát triển của bệnh. Đó là những ngày tháng 8/2008. Liêm tâm sự: “Bạn bè đến thăm động viên em trước khi tháo chân. Em òa khóc. Em gần như tuyệt vọng. Em sẽ không thể tham gia sinh hoạt bình thường như các bạn”.

Mẹ động viên Liêm rằng “như một cành cây sâu, phải cắt đi để cây vẫn phát triển và sâu không hủy hoại những cành khác trên cây, con cũng phải tháo một khớp chân để đảm bảo những bộ phận còn lại phát triển bình thường”.

Liêm quyết tâm, chấp nhận sự thật - tháo một khớp chân. “Cắt đi một chân mà được tiếp tục sống, tiếp tục theo đuổi ước mơ, làm việc mình thích thì đó là điều cần phải làm, em nghĩ như vậy và lạc quan trong ngày phẫu thuật”, Liêm chia sẻ.

Đầu năm 2009, Liêm được ra viện và quay trở lại trường THPT Ngọc Hồi (Thanh Trì- Hà Nội) tiếp tục học hết lớp 11, 12 và ôn thi vào đại học. Ngày đi thi đại học, không ai nhận ra Liêm khuyết một chân, bởi Liêm đi chân giả.

Liêm luôn ấp ủ lời mẹ dạy: “Ta sống trong thời gian bao lâu không quan trọng. Quan trọng là trong quãng đời mình làm được gì để cuộc sống có thêm ý nghĩa”. Chính lời dạy ấy thôi thúc Liêm làm việc thiện.

Liêm trúng tuyển lớp chất lượng cao khoa Sử. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) Hà Nội trong niềm vui, ngỡ ngàng, thán phục của bạn bè và gia đình.

Chia sẻ về lý do chọn ngành Sử, Liêm cho biết có niềm đam mê đặc biệt với môn học này từ bé, càng tìm hiểu càng thích thú. Năm lớp 12, Liêm giành giải nhì môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi Thành phố Hà Nội.

Thế rồi số phận vẫn chưa mỉm cười với Liêm, một lần nữa Liêm và gia đình phải nhận thông tin dữ: Liêm bị di căn sang phổi khi vừa học hết năm thứ nhất đại học. Liêm đành gác lại chuyện học, bảo lưu kết quả để đến viện điều trị.

Suốt ba năm, Liêm làm bạn với giường bệnh, hiện tại cứ 15 ngày Liêm phải xạ trị một lần. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên ở Liêm là Liêm không bi quan, hay than thở mà ngược lại luôn nở nụ cười, lạc quan.

Mắc bệnh hiểm nghèo vẫn đi gieo nụ cười ảnh 2

Chử Đức Liêm chia sẻ với em nhỏ đang điều trị bệnh hiểm nghèo

Gieo nụ cười

Liêm luôn ấp ủ lời mẹ dạy: “Ta sống trong thời gian bao lâu không quan trọng. Quan trọng là trong quãng đời mình làm được gì để cuộc sống có thêm ý nghĩa”. Chính lời dạy ấy thôi thúc Liêm làm việc thiện nguyện.

Liêm tâm sự: Lần đầu tiên biết về tấm gương Lê Thanh Thúy bị ung thư xương vẫn lạc quan giúp đỡ nhiều em nhỏ bị ung thư, Liêm tìm đọc cuốn sách “Xin hãy cho con thêm thời gian” và cảm thấy cần phải hành động, phải làm việc có giá trị để cuộc sống này thêm ý nghĩa.

Tiếp xúc nhiều với bệnh nhi bị ung thư ở Bệnh viện K. Tân Triều, Liêm có sự đồng cảm đặc biệt. Liêm nảy ra ý định thành lập CLB Nụ cười nhằm tổ chức các chương trình gieo niềm vui, nụ cười, tiếp thêm nghị lực cho những em nhỏ nơi đây.

Ý tưởng đưa ra được nhiều người thân, bạn bè, thầy cô và các nhà hảo tâm ủng hộ. Liêm bắt tay vào thành lập CLB với 30 thành viên và nhiều cộng tác viên, liên tục tổ chức các chương trình ý nghĩa. Đến nay Liêm và các bạn đã tổ chức được 9 chương trình trong chuỗi chương trình “Sáng mãi nụ cười em”.

Mỗi tháng CLB tổ chức vui chơi, xem phim, tặng quà, chơi trò trí tuệ... Có những chương trình để lại dấu ấn đậm nét như chương trình hướng về năm học mới, mang không khí năm học mới đến bệnh viện. Hầu hết các em khi điều trị tại bệnh viện đều bỏ dang dở việc học, mỗi dịp tựu trường, các em đều nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô, bạn bè, các thành viên trong CLB Nụ cười đã giúp các em vơi đi nỗi nhớ, có niềm vui tựu trường thực sự.

CLB Nụ cười đang tuyển cộng tác viên, bạn trẻ quan tâm tới các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ các em nhỏ ở Bệnh viện K. Tân Triều có thể tìm hiểu thông tin tại địa chỉ facebook Sáng mãi nụ cười em.

Do tình trạng sức khỏe không tốt, thường xuyên phải trị xạ nên Liêm chỉ điều hành và theo dõi hoạt động qua facebook. Liêm luôn tranh thủ từng ngày được nghỉ để vận động, quyên góp và sắp xếp, điều phối hoạt động.

Liêm bảo có một câu hỏi của một em bé tại bệnh viện K. Tân Triều làm Liêm nhớ mãi: “Tại sao chú bị cắt chân mà chú vẫn đi tặng quà cho chúng cháu”. Đó là câu hỏi của bé Quang, 6 tuổi, bị ung thư não, hiện hai mắt không nhìn rõ nhưng em luôn nhiệt tình tham gia các chương trình.

“Nhìn nụ cười của Quang và các em nhỏ, mình thấy vui, có thêm nghị lực chiến đấu với bệnh tật để tiếp tục hành trình sáng mãi nụ cười em”, Liêm tâm sự.

Trước khi chào chúng tôi ra về, Liêm cười bảo: “Mình chỉ mong sức khỏe ổn định để trở lại giảng đường, duy trì hoạt động và phát triển CLB Nụ cười”. Hy vọng nghị lực và tấm lòng của Liêm sẽ giúp Liêm chiến thắng bệnh tật, gieo tiếp những nụ cười.

MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...