Lương phải đủ tái tạo sức lao động

Nhà nước sẽ định kỳ công bố thông tin về mức lương từng ngành, từng vùng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhà nước sẽ định kỳ công bố thông tin về mức lương từng ngành, từng vùng. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Tới đây tiền lương phải tính đúng giá cả sức lao động và công khai cho người lao động trước khi thỏa thuận, ký hợp đồng, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội nói.

> 'Lương tối thiểu vẫn chưa đủ đáp ứng mức sống'

Nhà nước sẽ định kỳ công bố thông tin về mức lương từng ngành, từng vùng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhà nước sẽ định kỳ công bố thông tin về mức lương từng ngành, từng vùng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, mức lương bình quân của người lao động chưa đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để tái sản xuất sức lao động. Bà nghĩ sao?

Theo tôi, tiền lương phải tính theo đúng giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ luật Lao động sửa đổi tới đây phải có một số điều chỉnh. Ví như, tiền lương phải là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Tuy nhiên, trong thực tế, đảm bảo chính sách tiền lương công bằng, hợp lý không đơn giản vì người lao động bao giờ cũng yếu thế hơn trong quan hệ với người sử dụng.

Vậy làm sao để tiền lương người chủ sử dụng lao động đưa ra là đúng giá cả sức lao động? Ở đây cần có vai trò của nhà nước, phải cung cấp thông tin cho người lao động biết tiền lương trong vùng thế nào. Từ đó, người lao động có cơ sở trước khi ký hợp đồng. Nhà nước cũng phải có cơ chế hỗ trợ thỏa ước lao động tập thể trong quá trình thương lượng với chủ sử dụng lao động về tiền lương.

Ngoài ra, Nhà nước định kỳ công bố tiền lương tối thiểu, đây được xem như mức sống tối thiểu để người lao động, chủ sử dụng lao động căn cứ để xem xét, thỏa thuận về tiền lương.

Tuy nhiên, không để người sử dụng lao động lạm dụng mức lương tối thiểu, coi đó là lương tham chiếu để quyết định. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài coi lương tối thiểu là lương tham chiếu. Họ chỉ trả lương cao hơn lương tối thiểu một chút, dẫn đến sự không công bằng đối với người lao động.

Bà Trương Thị Mai. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bà Trương Thị Mai. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Vậy chúng ta sẽ xác định giá cả sức lao động trên cơ sở nào?

Đây là vai trò của nhà nước. Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đã đưa ra những quy định: Nhà nước phối hợp với tổ chức đại diện cho người lao động hằng tháng, 3 tháng, 6 tháng cung cấp thông tin công khai, minh bạch về mức lương.

Ví dụ, vùng Đông Nam bộ mức lương cho ngành dệt may đang ở mức 4 - 5 triệu đồng/tháng là hợp lý. Đây được xem như lương mẫu, trên cơ sở đó người lao động biết rằng mức lương người chủ đang trả cho mình hợp lý chưa, đúng với thị trường lao động ở khu vực đó hay chưa? Tôi nghĩ những việc này hiện chưa làm nhưng sắp tới nhà nước và tổ chức đại diện cho người lao động phải cố gắng làm.

Từ đó, người lao động tại từng doanh nghiệp mới có cơ sở để đưa ra các thỏa thuận, thương lượng, ký kết hợp đồng lao động. Hiện nay, người lao động không biết dựa trên căn cứ gì, chỉ thấy lương đáp ứng được phần nào đó yêu cầu của mình là ký hợp đồng.

Làm thế nào để người sử dụng lao động chấp nhận mức lương mẫu?

Trong các mối quan hệ, nếu bên nào cũng muốn tăng lợi ích của mình thì rất khó. Do vậy, phải có vai trò của bên thứ ba, đó là nhà nước và tổ chức đại diện cho người lao động. Thông tin về lương mẫu không mang tính chất áp đặt mà để nghiên cứu, định hướng.

Người lao động và chủ sử dụng biết khu vực Đông Nam bộ tiền lương cho ngành dệt may có thể ở mức đó. Từ đó, hai bên ký kết mức lương, có thể thấp hoặc cao hơn nhưng chắc chắn sẽ không quá cách biệt như hiện nay.

Quy định mức lương cứng cho từng khu vực có hợp lý khi lạm phát tăng cao?

Trước mắt, tình hình kinh tế chưa ổn định thì công bố lương theo vùng là hợp lý. Bởi từng vùng mức sống còn chênh lệch nhau. Trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng có quy định việc nhà nước sẽ công bố lương tối thiểu vùng và chia ra khoảng 2 - 3 vùng, chứ không để nhiều như hiện nay.

Ngoài ra, chúng tôi đang khuyến khích công bố lương tối thiểu ngành. Vì thực tế, đa số những ngành yếu thế, sử dụng nhiều lao động như da giầy, dệt may trả lương thấp mới cần quy định lương tối thiểu. Còn các ngành sử dụng lao động công nghệ kỹ thuật cao, họ trả lương cao nên không cần lương tối thiểu của Chính phủ.

Trong tương lai, Nhà nước chỉ nên công bố lương tối thiểu để bảo vệ những ngành yếu thế. Các khu vực khác nên để vận hành theo cơ chế thị trường chứ không nên áp đặt một mức lương.

Cảm ơn bà.

Hơn 35% công nhân không đủ sống

Ông Phạm Quang Điều - Viện trưởng Công nhân công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo kết quả khảo sát tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) khu vực doanh nghiệp cho thấy, có 35,6% số NLĐ được hỏi cho biết thu nhập không đủ chi tiêu; 44,7% phải chắt chiu, dành dụm và thật tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống; 17,9% khẳng định tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình; chỉ 1,9% cho biết đủ trang trải cuộc sống và có phần tích luỹ.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tiền lương của NLĐ trong các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty làm ăn có lãi có thể đạt bình quân 8 đến 10 triệu đồng/tháng, cao hơn khoảng 3 lần so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo ông Điều, những kết quả trên là cơ sở để cơ quan này tham gia với Chính phủ, các cơ quan chức năng trong việc điều chỉnh lương tối thiểu và cơ chế trả lương khu vực doanh nghiệp, góp phần ổn định cuộc sống NLĐ.

 
 

Hà Nhân (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.