Loạt lễ hội đông người được Bộ Văn hóa yêu cầu giám sát chặt chẽ

TPO - Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có các văn bản đề nghị một số địa phương có lễ hội lớn, trọng điểm cần giám sát chặt chẽ đối với lễ hội tập trung đông người, như hội phết Hiền Quan, lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức), lễ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định)...

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề nghị các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép.

“Không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh”, Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh.

Loạt lễ hội đông người được Bộ Văn hóa yêu cầu giám sát chặt chẽ ảnh 1

Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) luôn thu hút đông đảo du khách.

Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở gửi văn bản cho các sở quản lý văn hóa ở nhiều địa phương, đề nghị giám sát chặt chẽ nhiều lễ hội lớn, tập trung đông người.

Có thể kể tới hội Phết (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông), lễ hội cầu trâu (xã Hương Nha và xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông) của tỉnh Phú Thọ, lễ hội chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô) tại tỉnh Vĩnh Phúc, lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) của Hà Nội, lễ hội Khai Ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định), lễ hội Phủ Dày (huyện Vụ Bản) tại tỉnh Nam Định, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (quận Đồ Sơn) tại Hải Phòng...

Loạt lễ hội đông người được Bộ Văn hóa yêu cầu giám sát chặt chẽ ảnh 2

Lễ hội khai ấn đền Trần (Nam Định) là một trong lễ hội Bộ Văn hóa yêu cầu giám sát chặt chẽ.

Hội phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) được tổ chức vào ngày 12, 13 tháng Giêng âm lịch, trong đó chính hội là ngày 13 tháng Giêng. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ hai vị thành hoàng là Thiều Hoa công chúa - nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng có công đánh giặc và Mộc Trang đại vương thời nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân.

Cướp phết là điểm chính của hội phết Hiền Quan. Có sáu quả phết và 3 quả chúi để những người tham gia lễ hội cùng giành lấy. Hai thứ này được làm từ củ tre sơn đỏ, trong đó quả phết có đường kính khoảng 6-7 cm và quả chúi nhỏ hơn, khoảng 4-5 cm.

Loạt lễ hội đông người được Bộ Văn hóa yêu cầu giám sát chặt chẽ ảnh 3

Năm 2023, tỉnh Phú Thọ quyết định không tổ chức cướp phết do chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh trật tự theo quy định.

Chiều 13 tháng Giêng, tại đình và đền Hiền Quan sẽ diễn ra lễ tế. Sau các phần rước kiệu, tế lễ, kéo quân sẽ là lễ rước phết. Khi đến bãi đất trống, vị chủ tế sẽ đặt Phết vào hố phết đã được đào sẵn và những người tham gia lễ hội sẽ cùng nhau tranh cướp quả phết (đặt phết vào hố phết hoặc tung lên cao).

Người dân quan niệm rằng nếu ai giành được quả phết và chúi hay chỉ chạm được tay vào là cả năm sẽ may mắn. Với ý nghĩa này, hội phết thường thu hút rất đông du khách đến cướp phết gây ra tình trạng hỗn loạn.

Năm 2023, tỉnh Phú Thọ quyết định không tổ chức cướp phết do chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh trật tự theo quy định.

Loạt lễ hội đông người được Bộ Văn hóa yêu cầu giám sát chặt chẽ ảnh 4

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thu hút hàng vạn du khách tham dự.

Lễ hội chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc)lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Nam Việt là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để tổ chức đánh giặc.

Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quả cảm như các đấu sĩ trâu. Trâu sau khi chọi đều được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.

Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) khai hội vào mùng 6 tháng Giêng, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Đây được xem là lễ hội thu hút nhiều phật tử hành hương, nhiều du khách về dự hội và vãn cảnh bậc nhất miền Bắc.

Lễ hội chùa Hương năm 2024 khai hội vào 15/2 tại sân chùa Thiên Trù. BTC tiếp tục chuyển đổi hình thức bán vé truyền thống sang bán vé điện tử, thử nghiệm xe điện vận chuyển khách.

Loạt lễ hội đông người được Bộ Văn hóa yêu cầu giám sát chặt chẽ ảnh 5

Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) được tổ chức vào mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm.

Lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) là lễ hội truyền thống được tổ chức để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử trong văn hóa dân gian Việt Nam. Lễ hội Gióng đền Sóc diễn ra trong 3 ngày bắt đầu từ mùng 6 đến hết mùng 8 tháng Giêng âm lịch.

Những năm trước, lễ hội Gióng đền Sóc thường xảy ra hiện tượng tranh cướp lộc hoa tre, gây hỗn loạn, mất an toàn cho du khách. Năm 2024, BTC quyết định sẽ phát lộc cho người dân để ai cũng có lộc cho năm mới.

Lễ hội khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định) diễn ra trong 3 ngày từ 13-15 tháng Giêng. Lễ khai ấn đền Trần năm thường bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Sau khi hoàn thành phần lễ, ấn sẽ được phát tại nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

Năm nay, để đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong dịp lễ này, tỉnh Nam Định dự kiến huy động khoảng 2.000 cán bộ, chiến sĩ cùng lực lượng bảo vệ tổ dân phố đảm bảo an ninh trong đêm khai ấn, an toàn cho người dân và du khách trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Loạt lễ hội đông người được Bộ Văn hóa yêu cầu giám sát chặt chẽ ảnh 6

Phần lễ trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) là một lễ hội dân gian truyền thống, có từ rất lâu đời, lưu giữ những nét sinh hoạt tâm linh, bản sắc văn hóa mang tính cộng đồng của người dân miền biển Đồ Sơn.

Một trong những đặc trưng cơ bản của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là có sự giao thoa giữa yếu tố văn hóa nông nghiệp đồng bằng với những yếu tố văn hóa của cư dân ven biển, gắn liền với tục thờ cúng thủy thần và nghi lễ chọi, hiến sinh trâu, loài động vật thân thuộc với người nông dân.

Vài năm trở lại đây, Bộ VHTTDL chấn chỉnh nhiều hành vi phản cảm, lệch chuẩn lễ hội tại hội chọi trâu Đồ Sơn. Đây cũng là một trong những lễ hội được Bộ VHTTDL yêu cầu giám sát chặt chẽ trong mùa hội năm nay.

Tin liên quan