Lo bến lại 'vỡ trận' với đề xuất cho xe khách chạy xuyên tâm Hà Nội

TPO - Các doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định đang hoạt động cho rằng, đề xuất cho xe khách chạy đêm được phép đi vào các tuyến đường ngắn nhất có thể làm phát sinh nhiều xe chạy trái tuyến, xe xuyên tâm. Thậm chí có thể dẫn tới hợp thức hoá xe dù trái hình. Nguy cơ lặp lại những sự việc như Bến xe Mỹ Đình "vỡ trận" khoảng 10 năm trước.

Sở GTVT đang nghiên cứu để báo cáo UBND TP.Hà Nội và Bộ GTVT về phương án cho phép các bến xe của thành phố được mở cửa sau 24h. Đặc biệt, cho phép các tuyến xe chạy đêm được đi vào các đoạn, tuyến đường ngắn nhất nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển cho hành khách và giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải.

Trong khi đó, hiện Hà Nội đang áp dụng phân luồng tuyến xe khách theo khu vực. Tức xe khách tuyến liên tỉnh phía Nam chỉ được vào bến phía Nam (bến Giáp Bát), Nước Ngầm hoặc Yên Nghĩa; xe các tuyến liên tỉnh phía Bắc chỉ được vào bến phía Bắc (Mỹ Đình)… Các bến được kết nối với nhau bằng xe buýt. Việc phân bố luồng tuyến này để hạn chế xe khách đi vào các tuyến đường nội đô gây lộn xộn, ùn tắc giao thông.

Góp ý cho đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, khung giờ mở bến xe cần căn cứ theo thị trường, do thị trường điều chỉnh. Dù vậy, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu thị trường, do lượng người đi xe khách qua các bến của Hà Nội đã giảm tới 40-50% so với trước đây. Dẫn tới các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, theo ông Quyền, Hà Nội đang phân luồng tuyến xe khách theo khu vực, tức xe đi/đến các tỉnh phía Nam sẽ vào bến phía Nam, phía Bắc sẽ vào bến phía Bắc… Tuy nhiên, đề xuất của Sở GTVT Hà Nội đang đi ngược lại điều đó.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Bão, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Đại Phát (đang khai thác tuyến Giáp Bát - Đà Nẵng, Gia Lâm – Quảng Ninh) cũng không đồng tình với đề xuất của Sở GTVT Hà Nội. Theo ông Bão, khu vực phía Bắc với địa hình đồi núi, đường sá quanh co, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, không nên khuyến khích xe khách hoạt động ban đêm.

Ông Bão dẫn chứng, thời gian qua đã xảy ra không ít tai nạn thương tâm do xe khách chạy đêm gây ra. Vào khung giờ đêm, tài xế rất dễ rơi vào tình trạng buồn ngủ, đặc biệt với các xe xuất bến sau 22h.

Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp trên, gần 10 năm trước, Hà Nội đã phải mất rất nhiều công sức mới có thể lập lại trật tự các bến xe, đặc biệt bến xe Mỹ Đình. Thời điểm đó, có rất nhiều xe khách từ các tỉnh phía Nam Hà Nội hoạt động tại bến Mỹ Đình, gây quá tải bến xe và ùn tắc, lộn xộn các trục đường qua nội đô. Để lập lại trật tự, Hà Nội đã phải sắp xếp xe về đúng tuyến, chuyển các xe khách liên tỉnh khu vực phía Nam từ bến Mỹ Đình về bến Giáp Bát, Nước Ngầm và Yên Nghĩa.

“Phái mất rất nhiều năm các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động ổn định, thậm chí một số nhà xe phá sản, nay Sở GTVT lại đề xuất chuyển lại như ngày xưa với xe chạy đêm là không hợp tình, hợp lý”, ông Bão nói.

Lo bến lại 'vỡ trận' với đề xuất cho xe khách chạy xuyên tâm Hà Nội ảnh 1

Hiện Hà Nội đang thực hiện phân luồn tuyến theo khu vực để tránh xe chạy xuyên tâm gây ùn tắc, đón trả khách dọc đường gây mất trật tự an toàn giao thông.

Ông Lê Xuân Trường (doanh nghiệp đang chạy tuyến Nước Ngầm – Hà Tĩnh) cũng lo ngại, nếu cho phép chạy trái tuyến trở lại vào ban đêm có thể tạo điều kiện cho việc hợp thức hoá các xe hợp đồng trá hình đang chạy trái tuyến hiện nay. Không loại trừ xe có giấy phép chạy trái tuyến ban đêm nhưng lợi dụng để chạy ngày.

Theo ông Trường, với các nhà xe chấp hành nghiêm quy định, đúng tuyến, đúng bến đang phải cạnh tranh không cân sức với xe hợp đồng trá hình chạy trái tuyến, xuyên tâm. Cuối cùng, chỉ những doanh nghiệp chấp hành đúng quy định chịu thua thiệt, mất khách.

Trước đó, Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cũng có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội với những phân tích, góp ý và nêu quan điểm không đồng thuận với những đề xuất trên.

MỚI - NÓNG