Hồi tháng 8, Trung Quốc yêu cầu Lithuania rút đại sứ tại Bắc Kinh về nước sau khi Đài Loan (Trung Quốc) thông báo rằng văn phòng đại diện của họ tại Vilnius sẽ mang tên Văn phòng đại diện Đài Loan ở Lithuania.
Cũng trong năm nay, quốc gia gồm 3 triệu dân này đã rút khỏi cơ chế đối thoại “17+1” giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung và Đông Âu. Mỹ coi cơ chế này là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây chia rẽ cho chính sách đối ngoại của châu Âu.
Những gián đoạn về thương mại xảy ra sau khi quan hệ Trung Quốc – Lithuania căng thẳng và ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế của Lithuania.
“Tôi nghĩ đây là hồi chuông cảnh tỉnh theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt các quốc gia cùng trong châu Âu cần hiểu rằng nếu muốn bảo vệ dân chủ, các bạn phải đứng lên vì nó”, Thứ trưởng Ngoại giao Lithuania Arnoldas Pranckevičius phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Washington (Mỹ).
Ông Pranckevičius cũng nói rằng nếu muốn giữ uy tín với thế giới và tiếp tục là đối tác của Mỹ, châu Âu phải “hành động cùng nhau để đối phó với Trung Quốc”.
“Trung Quốc đang cố tạo ví dụ xấu trong chúng ta, để các nước khác không đi theo con đường đó, vì thế đây là vấn đề mang tính nguyên tắc để xem cách cộng đồng phương Tây, Mỹ và EU phản ứng như thế nào”, ông nói.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, nên thường tỏ ra tức giận với bất kỳ bước đi nào thể hiện Đài Loan độc lập.
Chỉ còn 15 quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan (Trung Quốc), nhưng nhiều nước khác cũng có văn phòng đại diện hoạt động như đại sứ quán và sử dụng tên gọi Đài Bắc.
Việc Lithuania rời khỏi cơ chế 17+1 không phải để chống Trung Quốc, mà là ủng hộ châu Âu, Thứ trưởng Pranckevičius khẳng định.